Tính đến thời điểm cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, có 114 dự án chưa thu hồi được vốn tạm ứng quá hạn. Ðáng chú ý, có đến 103 tỷ đồng vốn tạm ứng tại 78 dự án nằm trong diện khó thu hồi, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Ðây là những dự án mà các doanh nghiệp đã nhận tạm ứng từ trước năm 2014.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chuyên môn, các địa phương như: huyện Lộc Hà, thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Hà Tĩnh, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh… là những đơn vị có số dư tạm ứng lớn nhưng chưa thu hồi được theo quy định.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Trưởng phòng Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh) đánh giá, hiện nay việc thu hồi vốn tạm ứng tại một số dự án đang gặp không ít khó khăn, do một số dự án sau khi tạm ứng vốn không có mặt bằng để thi công, vì vậy việc nghiệm thu, hoàn ứng không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Các dự án giải phóng mặt bằng khi có tạm ứng vốn, nhưng chủ đầu tư không chi trả được cho người dân do người dân thay đổi ý định, chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ như kế hoạch trước đó. Theo quy định, số tiền này phải nộp về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư mở tại kho bạc. Ðối với khoản chi này, sau một năm không giải ngân được thì phải hoàn vốn ngân sách.
Là một trong hai doanh nghiệp thi công dự án nuôi trồng thủy sản Mai Phụ-Hộ Ðộ (huyện Lộc Hà), Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Mỹ Hưng cũng đang rơi vào thế "tiến thoái, lưỡng nan" khi dừng thi công hay tiếp tục thi công đều không ổn. Theo chia sẻ của đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà, mặc dù khối lượng thi công thực tế trên công trường đã vượt mức tạm ứng, nhưng đến nay các thủ tục hoàn ứng, giải ngân nguồn vốn vẫn chưa được triển khai do dự án này đang phải điều chỉnh hồ sơ, gia hạn hợp đồng.
Ông Trần Phi Hùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Mỹ Hưng cho biết thêm, dự án nuôi trồng thủy sản Mai Phụ-Hộ Ðộ có tổng mức đầu tư hơn 61 tỷ đồng, thời gian triển khai từ năm 2019 đến 2020. Tuy nhiên, tại thời điểm triển khai, chủ đầu tư không bàn giao được mặt bằng, cho nên việc thi công bị ngắt quãng, đến năm 2021, tỉnh Hà Tĩnh mới có văn bản hướng dẫn bồi thường, áp giá đất diêm nghiệp để huyện Lộc Hà hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng thì thời gian triển khai của dự án đã hết. Hiện nay, dự án này đang phải chờ điều chỉnh hồ sơ, hợp đồng để tiếp tục thi công. Kéo theo đó, việc nghiệm thu hoàn ứng và giải ngân nguồn vốn thực hiện dự án vẫn chưa được triển khai.
Lý giải về nguyên nhân chậm hoàn ứng hơn 24 tỷ đồng tại dự án Bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư phục vụ dự án xây Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh cho biết, đến thời điểm hiện nay dự án vẫn đang thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, kinh phí đã chi trả cho các hộ dân đến nay chưa hoàn chỉnh hồ sơ để phê duyệt.
Ðây là dự án lớn, kéo dài nhiều năm, diện tích thu hồi rộng, số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều. Trong quá trình xây dựng hồ sơ, vừa kiểm kê vừa áp giá chi trả cho các hộ dân, cho nên đến nay có một số hồ sơ đã chi trả bổ sung do thiếu sót công trình, mồ mả, cây cối hoa màu, bổ sung do chính sách, đơn giá bồi thường trước đây chưa được phê duyệt cho nên chưa làm được hồ sơ hoàn ứng. Vì vậy, đề nghị tỉnh cho địa phương căn cứ hồ sơ chi trả, hồ sơ kiểm kê áp giá đã hoàn thiện để phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, hoàn ứng.
Mặc dù quá thời hạn nhưng các đơn vị thi công dự án hạ tầng du lịch biển Lộc Hà vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục để hoàn ứng, giải ngân vốn. |
Cần chế tài đủ mạnh
Số liệu từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Hà Tĩnh, trong tổng số 95 tỷ đồng vốn tạm ứng tại 12 dự án mà đơn vị được giao làm chủ đầu tư, đơn vị đã ban hành 76 văn bản đến 28 đơn vị, thực hiện thu hồi, nộp trả lại ngân sách nhà nước gần 20 tỷ đồng. Theo đại diện Ban quản lý, mặc dù đơn vị đã chủ động thực hiện các biện pháp thu hồi vốn tạm ứng, tuy nhiên do các dự án được thực hiện từ lâu, chuyển giao qua nhiều giai đoạn cho nên việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành gặp nhiều khó khăn, dẫn đến kết quả thu hồi vốn tạm ứng chưa đạt kỳ vọng.
Ðơn cử, theo quy định, đến năm 2013, Công ty cổ phần tập đoàn Thaigroup phải hoàn 58,5 tỷ đồng vốn tạm ứng của hạng mục xây dựng hạ tầng khu tái định cư phục vụ dự án Khu liên hợp Gang thép và cảng nước sâu tại Vũng Áng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện hoàn ứng do vướng mắc trong công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành. Nếu đơn vị không chấp hành việc hoàn dư tạm ứng, Ban sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền thu hồi theo quy định.
Theo đại diện Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương nghiệm thu, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để hoàn ứng tại các công trình đã có khối lượng. Riêng các dự án đã tạm ứng vốn nhưng chưa triển khai, yêu cầu các đơn vị phải nộp ngay vốn tạm ứng về ngân sách để giảm số dư…
Cùng với việc chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án báo cáo cụ thể nguyên nhân các công trình, dự án chưa có thủ tục, hồ sơ để hoàn tạm ứng, tỉnh cần yêu cầu các đơn vị thực hiện cam kết cụ thể theo các mốc thời gian cũng như biện pháp thực hiện hoàn ứng. Tỉnh cần có những chế tài đủ mạnh đối với các chủ đầu tư, ban quản lý có dự án, công trình có số dư tạm ứng kéo dài qua các năm, không thu hồi hoàn ứng. Lấy tiến độ giải ngân và tình hình dư nợ tạm ứng quá hạn làm tiêu chí đánh giá, nhận xét thi đua hằng năm.
Ðối với các dự án, công trình có số dư tạm ứng quá hạn kéo dài khi hợp đồng xây dựng không còn hiệu lực hoặc thời gian thực hiện hợp đồng đã chấm dứt mà nguyên nhân là do nhà thầu đã sử dụng vốn tạm ứng nhưng việc sử dụng không đúng mục đích, chưa có khối lượng để thanh toán hoàn trả tạm ứng, tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc thực hiện cưỡng chế thu hồi theo quy định ■