Hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh

NDO -

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các địa phương trong việc tiêu thụ nông sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn vải tại Hải Dương ngày 18-5.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn vải tại Hải Dương ngày 18-5.

Kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm ước đạt 42,4 tỷ USD

Năm tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 42,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu (NK) ước khoảng 19,57 tỷ USD, tăng 51,0%; xuất siêu khoảng 3,27 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cụ thể, tháng 5, kim ngạch XK ước đạt 5,01 tỷ USD, tăng 40,2% so với tháng 5-2020, tăng 1,3% so với tháng 4-2021; trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính ước đạt 1,75 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,52 tỷ USD, thủy sản đạt 750 triệu USD và chăn nuôi đạt 41 triệu USD,…

Tính chung 5 tháng, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với 5 tháng năm 2020. Trong đó, XK nhóm nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13,0%; lâm sản chính đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%; thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12,0%; chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%.

Năm tháng đầu năm, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cao su, chè, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm; quế,…

Trong đó, cao su, chè, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu cao su tăng 58,7% khối lượng, và 93,9% giá trị; xuất khẩu chè tăng 6,5% và 10,4% giá trị; xuất khẩu hạt điều tăng 18,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị; xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tăng 15,6% về khối lượng và tăng 27,5% về giá trị.

Riêng hồ tiêu dù khối lượng XK giảm, đạt 124 nghìn tấn, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhờ giá XK bình quân tăng nên giá trị XK vẫn tăng và đạt 387 triệu USD, tăng 25,2%. Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Sản phẩm chăn nuôi tăng 43,9%; cá tra tăng 7,8%; tôm tăng 4,9%; sản phẩm gỗ tăng 74,8%; mây, tre, cói thảm tăng 76,8%; quế tăng 52,1%.

Hai mặt hàng giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, gồm: Cà phê giảm 11,4% về khối lượng và 5% giá trị; gạo giảm 11,3% khối lượng và giảm 0,7% về giá trị.

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh -0
Năm tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 42,4 tỷ USD. 

Về thị trường xuất khẩu, ước giá trị XK nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 46,5% thị phần; châu Mỹ chiếm 27,0%; châu Âu chiếm 10,1%; châu Đại Dương chiếm 1,3%; và châu Phi chiếm 1,7%. Trong đó, bốn thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 24,6% (giá trị tăng 63,6% so với cùng kỳ năm ngoái), 22,6% (+36,2%), 6,6% (+9,6%) và 4,9% (+17,5%).

Ở chiều ngược lại, năm tháng đầu năm, kim ngạch NK các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 19,57 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,04 tỷ USD, tăng 126,9%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 23,2%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 881,2 triệu USD, tăng 25,8%; nhóm lâm sản chính khoảng 1,34 tỷ USD, tăng 42,3%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 36,5%.

Tiếp tục các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương phục vụ chỉ đạo điều hành của Bộ, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước, Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Chủ động, tích cực phối hợp, hỗ trợ các các địa phương, ngành hàng triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay.

Chuẩn bị tổ chức các Hội thảo, diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu phù hợp với tình hình dịch Covid-19.

Phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay; phối hợp với Bộ Công thương triển khai phương án điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2021 theo cam kết quốc tế trong WTO.