Hỗ trợ, tạo việc làm cho người dân có đất bị thu hồi

Thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đi cùng với đó là vấn đề tạo việc làm cho người lao động nói chung và người có đất bị thu hồi nói riêng, giúp người dân ổn định đời sống. Trong nhiều năm qua, công tác này luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và chú trọng thực hiện từ cấp Trung ương đến cơ sở, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, cần được giải quyết thấu đáo.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty TNHH Deli Việt Nam, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh ĐĂNG ANH)
Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty TNHH Deli Việt Nam, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Bài 1: Bảo đảm việc làm và thu nhập cho người dân

Thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội gắn với tạo việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất luôn là vấn đề thời sự và có sự gắn kết với nhau trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thời gian qua, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo trên cơ sở các quy định của pháp luật, tuy nhiên tại một số địa phương lại khoán trắng cho người lao động tự học nghề, tự tìm việc làm.

Gắn thu hồi đất với tạo việc làm

Tỉnh Thái Nguyên hiện có năm khu công nghiệp và một khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, với diện tích đất khoảng 1.328 ha. Các khu, cụm công nghiệp thu hút hơn 100 nghìn lao động vào làm việc, trong đó lao động là người Thái Nguyên chiếm hơn 60% với độ tuổi trung bình từ 27 đến 32.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, thu nhập bình quân của người lao động tại các khu, cụm công nghiệp khoảng 8,7 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó thu nhập bình quân của người lao động nói chung trên toàn tỉnh là 7,2 triệu đồng/người/tháng.

Ngay từ khi lập dự án quy hoạch, thu hồi đất phục vụ phát triển, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thống nhất chủ trương và thực hiện mức bồi thường hỗ trợ người dân tại các dự án. Cụ thể, cùng với mức tiền bồi thường về đất ở, đất nông nghiệp theo quy định, UBND tỉnh còn áp dụng mức hỗ trợ đào tạo và tìm việc làm cho người bị thu hồi đất với số tiền bằng ba lần mức bồi thường về đất nông nghiệp.

Cùng với đó, Trung tâm đào tạo và hỗ trợ việc làm của tỉnh và các huyện thường xuyên mở lớp dạy nghề cho người dân có nhu cầu, nhất là những người bị thu hồi đất. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bị thu hồi đất được học nghề và vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên chính quê hương mình.

Ông Hoàng Văn Úy, 53 tuổi, là một trong số nhiều hộ dân tại tổ dân phố Thơm, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình bị thu hồi đất phục vụ dự án đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội cho biết, gia đình ông bị thu hồi hơn 900 m2 đất thổ cư và ba sào đất nông nghiệp. Cùng với diện tích đất đền bù tái định cư, gia đình ông được nhận 3,1 tỷ đồng tiền đền bù, trong đó gồm tiền đền bù về nhà, đất, tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm. Hiện, gia đình ông có hai người con đang làm việc tại Khu công nghiệp Điềm Thụy với mức lương ổn định. Một người con vừa bước vào độ tuổi lao động đang học nghề với mong muốn tiếp tục vào khu công nghiệp để làm việc.

Tại Hà Nam, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thu hồi hơn 1.500 ha đất để thực hiện 246 dự án, đi cùng với đó là hàng nghìn gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất sản xuất. Đây là bài toán lớn đặt ra đối với chính quyền trong việc đào tạo, hỗ trợ việc làm cho người dân.

Xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là người bị thu hồi đất nông nghiệp, năm 2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3571/KH-UBND triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất.

Bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo, tìm việc làm cho người bị thu hồi đất với mức tiền gấp ba lần mức bồi thường về đất nông nghiệp, UBND tỉnh còn hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí đối với trình độ sơ cấp và hỗ trợ học phí đối với trình độ trung cấp, cao đẳng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Từ năm 2021 đến 2023, tỉnh đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động nông thôn, với tổng kinh phí hỗ trợ 3 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề chiếm 91%, thu nhập bình quân của lao động nông thôn sau đào tạo nghề trung bình hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều "khoảng trống" trong đào tạo nghề

Thực tế cho thấy, việc thu hồi đất tập trung phần lớn vào đất canh tác nông nghiệp và vùng đông dân cư, tập trung vào một số xã, nhất là ở vùng ven khu đô thị lớn (khoảng 70%-80%). Tính chung, đất nông nghiệp bị thu hồi tuy chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng diện tích đất nông nghiệp, nhưng lại gây mất việc làm cho người lao động.

Mặc dù Chính phủ đã có những quy định cụ thể hỗ trợ cho những người mất đất được đào tạo nghề mới hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng với số tiền hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề từ 300-700 nghìn đồng/người, người dân chỉ có thể tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn với các nghề đơn giản. Lao động lớn tuổi (hơn 35 tuổi), chưa qua đào tạo rất khó tìm việc làm trong khi phần lớn họ là những lao động chính trong gia đình.

Tại thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi áp dụng mức hỗ trợ từ 3 đến 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại và không vượt quá 2 ha mỗi hộ; đối với đất lâm nghiệp, mức hỗ trợ bằng 3,5 lần giá đất lâm nghiệp và không quá 5 ha. Việc hỗ trợ học phí đào tạo nghề được xác định trong phương án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Căn cứ điều kiện thực tế của hộ gia đình, cá nhân xác định mức hỗ trợ làm cơ sở đưa vào phương án bồi thường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đồng chí Lữ Ngọc Út, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Quảng Ngãi, khi thực hiện thu hồi đất, người dân nhận tiền bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi việc làm, đào tạo nghề cùng lúc. Sang khu tái định cư, nhiều hộ dân dùng tiền đền bù, tiền học nghề, chuyển đổi việc làm để xây dựng nhà mới, lo cho con cái với nhiều chi phí khác. Vì vậy, chi phí dành cho học nghề, chuyển đổi việc làm bị dùng không đúng mục đích và bị vô hiệu hóa. Bên cạnh đó, do các cơ sở đào tạo nghề của nhiều địa phương chỉ đào tạo các nghề phổ thông như may, thủ công mỹ nghệ, thú y… nhưng không có địa chỉ "đầu ra" cụ thể khiến người dân không mặn mà. Năm 2023, huyện Nghĩa Hành đã quy hoạch và thực hiện các dự án, công trình trên diện tích đất thu hồi 210 ha của hơn 2.000 hộ dân.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hùng, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Nghĩa Hành, người dân chỉ nhận tiền chuyển đổi nghề nghiệp mà không đăng ký nhu cầu đào tạo nghề. Từ năm 2021 đến nay, đơn vị này cũng chưa nhận đăng ký nhu cầu đào tạo nghề của người bị thu hồi đất.

Còn tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, mặc dù có nhiều dự án hạ tầng, giao thông liên quan thu hồi đất, nhưng đến nay huyện vẫn chưa thống kê, chưa triển khai công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.

Nhiều người lao động bị rơi vào cảnh thất nghiệp sau khi đã có công việc ổn định do bất cập trong các quy định của pháp luật.

Theo bà Vũ Thị Minh Phương, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách tuyển lao động vào khoảng tháng 11 hằng năm với hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm. Khi hết hợp đồng, doanh nghiệp không gia hạn hợp đồng mà tuyển người mới vào làm việc cũng với thời hạn hợp đồng 1 năm. Điều này dẫn đến cứ vào dịp cuối năm lại có một lượng lớn người lao động bị mất việc làm và mất thu nhập chính đáng. Nhiều công nhân trong các khu công nghiệp của tỉnh cũng nêu bất cập liên quan chính sách tiền lương. Cụ thể, theo quy định về mức lương tối thiểu vùng, các địa phương của tỉnh Hà Nam thuộc khu vực vùng 3 và vùng 4 với mức lương tối thiểu vùng được quy định là 3,640 triệu và 3,250 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều địa phương lân cận được quy định thuộc vùng 2 với mức lương tối thiểu vùng là 4,160 triệu đồng/tháng. Điều này dẫn đến người lao động chịu nhiều thiệt thòi, không yên tâm làm việc và luôn có xu hướng chuyển sang những địa phương có mức lương tối thiểu vùng cao hơn.

(Còn nữa)