Từ năm 2008, một số nông dân của xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn bắt đầu trồng các loại rau an toàn, rau hữu cơ. Để tham gia mô hình sản xuất rau hữu cơ, nông dân phải thực hiện một khóa tập huấn do các chuyên gia nông nghiệp trực tiếp giảng dạy, trong đó có nội dung cần tuân thủ quy định không sử dụng phân bón hóa học, không dùng chất biến đổi gen, không dùng chất kích thích sinh trưởng và không dùng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Bên cạnh đó, các nhóm sản xuất có các “thanh tra” thường xuyên kiểm tra chéo để kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn nông dân sản xuất đúng quy trình và có hình thức xử lý phù hợp, như không được thu mua sản phẩm trong thời gian nhất định hoặc cấm tham gia sản xuất… Nhờ sản xuất đúng quy trình, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong sản xuất, các sản phẩm rau hữu cơ có chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Đại diện Ủy ban nhân dân xã Thanh Xuân cho biết, ban đầu, vùng rau hữu cơ chỉ hơn 1,5 ha, với gần 10 hội viên tham gia, đến nay đã phát triển hơn 150 hội viên, quy mô 31 ha. Từ khi chuyển sang sản xuất rau hữu cơ, nông dân có thu nhập cao, từ 7-10 triệu đồng/tháng, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Nhiều nông dân ở các xã trong huyện đến Thanh Xuân nghiên cứu, làm theo, từng bước hình thành vùng trồng rau hữu cơ. Thương hiệu “Rau hữu cơ Sóc Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Tại huyện Thường Tín, xã Tân Minh nổi tiếng với vùng trồng rau gia vị các loại, quy mô hơn 220 ha, trong đó hơn 90 ha được công nhận là vùng sản xuất rau an toàn. Để thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hợp tác xã của xã thường xuyên tập huấn kỹ thuật và thành lập nhiều tổ giám sát quy trình sản xuất của nông dân. Hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tạo đầu ra ổn định. Không dừng lại ở đó, hợp tác xã đang tập trung xin cấp mã số vùng trồng rau, xây dựng thương hiệu để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín, với định hướng xây dựng huyện thành vùng kinh tế công nghiệp, nông nghiệp xanh ven đô, thời gian qua, việc phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường luôn là mục tiêu hàng đầu của huyện. Đến nay, huyện Thường Tín có nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch tại các xã Hà Hồi, Thư Phú, Tân Minh, Ninh Sở, Duyên Thái, Tiền Phong và mô hình nông nghiệp giáo dục trải nghiệm ở xã Hồng Vân… Thời gian tới, huyện Thường Tín sẽ tập trung khắc phục những hạn chế về môi trường, có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch, xanh.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, thời gian qua trung tâm đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất rau, hoa, quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, phù hợp với nhu cầu thị trường… Các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông dân đã chủ động nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững thông qua các biện pháp canh tác cải tiến, quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, gồm đúng thuốc, đúng liều lượng, nồng độ, đúng lúc, đúng cách và giảm lượng phân bón vô cơ..., từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, được thị trường đón nhận.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, ngành nông nghiệp Hà Nội có nhiều lợi thế, nhất là vùng đất bãi màu mỡ với hơn 29.000 ha, rất thuận lợi phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phát triển nền nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm ■