Ý kiến nhà nông

Hỗ trợ nông dân nuôi tôm công nghệ cao

Tại tỉnh Long An, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Nếu như trước đây, nuôi tôm hơn 2.000 m2, thu hoạch được hai tấn, thì nay nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thu hoạch đạt năm đến sáu tấn, đem lại lợi nhuận khá cao. Hiện, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh quan tâm đến các mô hình này. Tuy nhiên, việc nhân rộng không dễ vì phần lớn các hộ nuôi còn hạn chế về vốn, khó tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư.

Theo các hộ nông dân, để nuôi tôm theo mô hình ứng dụng này, phải có vốn đầu tư lớn, lót bạt ni-lông chung quanh bờ ao nuôi, toàn bộ diện tích nuôi phải được trải bạt, lắp hệ thống xi-phông đáy ao để thu gom thức ăn thừa, các chất cặn bã trong quá trình nuôi. Ngoài ra, cần diện tích phụ trợ gồm ao nuôi tôm giống, hệ thống ao lắng để lọc sinh học và xử lý mầm bệnh trước khi cấp nước vào ao nuôi. Theo đó, số vốn đầu tư ban đầu rất cao. Chưa kể, khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các hộ nông dân cần được các đơn vị chuyên môn hướng dẫn, tập huấn.

Hiện, tỉnh Long An thực hiện bốn mô hình thí điểm nuôi tôm công nghệ cao ở hai huyện Cần Giuộc và Cần Ðước. Theo ngành chức năng, mỗi mô hình phải đầu tư hơn 500 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, mô hình thí điểm ở Long An mới chỉ dừng lại ở mức 120 triệu đồng/ha, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Từ thực tế nêu trên, các hộ dân mong muốn tham gia mô hình nuôi tôm công nghệ cao rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường chuyển giao kỹ thuật thông qua các buổi trình diễn thực tế về nuôi tôm công nghệ cao. Ðồng thời, có thể hỗ trợ người nuôi một phần kinh phí khi thực hiện mô hình thí điểm để đồng sức với người dân trong phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản giá trị kinh tế cao.