Hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ viễn thông công ích

Từ năm 2006 đến nay, chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đã được thực hiện thông qua 3 chương trình: Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010 theo Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg; Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg và hiện nay là Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 theo Quyết định số 2269/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa: TTXVN)
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Mục tiêu của các chương trình này là hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích và hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho đối tượng cần được hỗ trợ. Trong đó, nhiệm vụ hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích đã được dành nguồn kinh phí khá lớn cho triển khai và đạt được một số kết quả bước đầu.

Năm 2024, ước tính người dân đã được hỗ trợ hơn 763 tỷ đồng để sử dụng dịch vụ gọi điện đến số khẩn cấp của cơ quan công an (số 113), cơ quan cứu hỏa (số 114) hay cơ quan cấp cứu (số 115); hơn 26 tỷ đồng đã được chi trả cho dịch vụ nhắn tin cảnh báo người dân trong trường hợp khẩn cấp hoặc các dịch vụ viễn thông phục vụ phòng chống thiên tai, địch họa và tìm kiếm cứu nạn; hơn 516 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất, truy cập internet băng rộng cố định; gần 14 tỷ đồng phục vụ người dân sử dụng internet tại các điểm cung cấp dịch vụ cộng đồng;…

Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu quyền lợi được hưởng từ những chính sách dịch vụ viễn thông công ích, đồng thời phải làm nhiều thủ tục đăng ký dẫn đến chậm nhận được hỗ trợ. Trong khi đó, vai trò và trách nhiệm của địa phương chưa được đề cao trong triển khai và không có thông tin để giải quyết kịp thời vướng mắc xảy ra. Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông cũng phải thực hiện nhiều thủ tục thanh toán các khoản chi phí đã bỏ ra để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho người dân. Thậm chí, một số doanh nghiệp có thể gặp rủi ro không được thanh toán nếu cung cấp dịch vụ cho các hộ đã nhận hỗ trợ từ doanh nghiệp khác.

Từ thực tế nêu trên, để đổi mới phương thức thực hiện, nâng cao hiệu quả hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, các chuyên gia đề xuất cần đẩy mạnh chuyển đổi số ở hoạt động này.

Việt Nam cần xây dựng các nền tảng số phục vụ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, kết nối với cơ sở dữ liệu của từng địa phương, với nền tảng số quản lý khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông cũng như các cơ sở dữ liệu khác như Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia,… để giảm bớt chi phí và thủ tục khi triển khai. Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát kỹ, cập nhật kịp thời thông tin về các gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, giảm thời gian sàng lọc các hộ không còn đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn hỗ trợ, rút ngắn thời gian xác nhận để kịp thời có số liệu cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tới các đối tượng thụ hưởng.

Một số ý kiến cũng cho rằng, cần mở rộng phạm vi đối tượng được hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích để hoàn thành mục tiêu chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục triển khai hạ tầng viễn thông rộng khắp tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các xã đặc biệt khó khăn. Ở những nơi này, công tác y tế, giáo dục cũng đang rất cần kết nối internet để phục vụ người dân, triển khai dạy học trực tuyến hoặc kết nối tri thức. Vì vậy, các cơ sở giáo dục, y tế tại các vùng khó khăn cần được bổ sung vào danh mục đối tượng được thụ hưởng dịch vụ viễn thông công ích.