Hỗ trợ, kết nối việc làm dịp cuối năm

Theo thông lệ, vào dịp cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng cao. Ðiển hình ở các ngành nghề thương mại-dịch vụ, sản xuất, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử... Doanh nghiệp tuyển dụng qua nhiều kênh khác nhau, như mạng internet, các trung tâm môi giới tuyển dụng, tổ chức phiên hội chợ việc làm, phát tờ rơi về địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động tìm hiểu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh HẠNH LÊ)
Người lao động tìm hiểu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh HẠNH LÊ)

Nhiều doanh nghiệp mời gọi, thu hút người lao động bằng cách thực hiện nhiều chính sách như: thưởng lương, trợ cấp tiền nhà trọ cho những người ở xa, mua thẻ bảo hiểm y tế... Tuy nhiên, thực tế, trong khi chi phí của doanh nghiệp có giới hạn, thì người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông vốn không gắn kết với bất kỳ một doanh nghiệp nào, thường có xu hướng “nhảy việc”, nên ngoài số ít tập đoàn, công ty lớn, thì các doanh nghiệp khác đành “bó tay” trong tuyển dụng, nếu không chịu chi ra những khoản đãi ngộ đột biến.

Ông Trần Hải Nam, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu đồ mỹ nghệ tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), ký được một hợp đồng lớn xuất khẩu đồ thủ công, mỹ nghệ và cần tới hơn 100 lao động. Ông Nam cho biết: “Công ty đã phải đưa ra ưu đãi bằng lương ngày trong hai tháng trước Tết với giá 250.000 đồng/ngày với người mới, và 300.000 đồng/ngày với thợ có tay nghề. Thậm chí người chưa biết nghề còn được đào tạo và hứa hẹn thưởng thêm doanh thu, nhận làm chính thức... nhưng vẫn chưa đủ số lượng nhân công”.

Tại những điểm vui chơi, giải trí, dịch vụ du lịch, việc tìm nhân viên càng khó khăn hơn. Ðể đáp ứng nhu cầu, các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ-thương mại kinh doanh ngành nghề này đang phải chật vật với các khoản lương, thưởng để giữ chân nhân viên phục vụ vào thời điểm cuối năm. Chị Hoàng Anh, quản lý nhân sự Công ty H.A, chuyên về vui chơi, giải trí cho biết: “Chúng tôi phải đưa ra cơ chế đặc biệt cho các nhân viên dịp Tết Nguyên đán, thậm chí đã phải đưa vào các điều khoản hợp đồng có từ trước để ràng buộc họ. Nhưng nhiều lao động vẫn sẵn sàng “cắt lương” để nghỉ hoặc chuyển việc. Thực tế nêu trên cho thấy, chưa nói tới lao động có tay nghề, mà chỉ với lao động phổ thông cũng đủ khiến các doanh nghiệp “đau đầu”. Tuyển dụng đã khó, rồi còn phải gấp rút đào tạo trong thời gian ngắn cũng mất nhiều kinh phí, đồng thời còn lo lắng về chất lượng lao động không bảo đảm, mất an toàn.

Về phía người lao động, sau một thời gian về quê tránh dịch Covid-19, trở lại thành phố để tìm việc làm phù hợp cũng không phải điều dễ dàng. Là người đã tham gia ứng tuyển tại một số doanh nghiệp, chị Lê Vân, quê Yên Bái từng làm trong lĩnh vực du lịch cho biết: “Thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng, bất động sản, dịch vụ, văn phòng, công nghệ.

Còn đối với những người có nhu cầu tìm việc ở lĩnh vực dệt may, khách sạn, dịch vụ du lịch thì không dễ. Cũng áp lực tìm kiếm việc làm mới, anh Trần Văn Tiến (Phúc Thọ, Hà Nội) đi gần 40km đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Anh Tiến cho hay, cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà anh phải nghỉ việc từ đầu tháng 8 đến nay. Công việc của anh là sửa chữa điện lạnh. Thời gian qua, anh đã “rải” hồ sơ rất nhiều nơi, nhưng vẫn chưa có hồi âm.

Lý giải về vấn đề chênh lệch cung-cầu lao động, nhất là vào dịp cuối năm, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, đây là quy luật của thị trường. Có thời điểm người lao động đi tìm việc rất lớn, nhưng nguồn cung việc làm lại thấp, ngược lại có những thời điểm nhu cầu lớn, nhưng lượng lao động đi tìm việc lại ít hơn. Mặt khác, đại dịch Covid-19 kéo dài hơn hai năm đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, khiến thị trường lao động tại thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung bị ảnh hưởng nặng nề. Ðặc biệt là tình trạng người lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp không thể xuất hàng sang các nước bạn, một số doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, trì hoãn sản xuất do không hiệu quả, thua lỗ...

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp nhiều cơ quan và các quận, huyện liên tiếp tổ chức Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp, tạo việc làm cho lao động Thủ đô. Trong 10 tháng đầu năm 2022, hơn 183.000 lao động đã được giải quyết việc làm, đạt 114,4% kế hoạch giao trong năm, tăng hơn 46.400 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 34% so với 10 tháng đầu năm 2021.

Những tháng cuối năm, thị trường lao động Hà Nội vẫn phải đối mặt những khó khăn, thách thức. Ðể tiếp tục hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp kết nối với nhau hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường các hoạt động kết nối cung-cầu, các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cần phối hợp đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại, xu hướng dịch chuyển ngành nghề, nhằm tìm ra những chính sách mới phù hợp để bảo đảm việc làm cho người lao động.

Ðể có thể thu hút, giữ chân người lao động trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng tăng cao mà việc tuyển dụng lại không dễ dàng, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp cần có các chính sách hấp dẫn về tiền lương, thu nhập, chế độ khác cho người lao động, nhất là lao động có tay nghề.

TRẦN THẮNG HUY

Chuyên gia Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội