Góp phần định hướng nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội

Với quy mô tham dự khoảng 10.000 người cùng nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 2.000 chỉ tiêu lao động, hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 được kỳ vọng sẽ tiếp tục thành công của những lần tổ chức trước. Qua đó, góp phần vào công tác định hướng nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ký hợp tác tại Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022. (Ảnh: TRUNG HIẾU)
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ký hợp tác tại Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022. (Ảnh: TRUNG HIẾU)

Giáo dục nghề nghiệp đồng hành với doanh nghiệp và thị trường lao động

Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái sâu và khiến các mô hình kinh doanh, hợp tác truyền thống bị thay đổi. Chính vì thế, việc đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, sáng tạo và có khả năng thích nghi với biến động xã hội đang trở nên vô cùng quan trọng. Cũng từ thực tế này, việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới hay triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng càng cần được thực hiện sát sao.

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động là một trong những giải pháp cực kỳ quan trọng. Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu để hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, hiệu quả, có kỹ năng nghề cao phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Trong khuôn khổ hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động là một trong những giải pháp cực kỳ quan trọng. Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu để hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, hiệu quả, có kỹ năng nghề cao phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng cho hay, Hà Nội là nơi tập trung nhu cầu lớn nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là địa phương có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn nhất nước. Hơn 300 đơn vị giáo dục nghề nghiệp hằng năm tổ chức tuyển sinh và đào tạo hơn 200 nghìn lượt người, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề, có kỹ năng trình độ chuyên môn đứng đầu cả nước.

Những năm gần đây, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tham mưu và chỉ đạo có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động. Hiệu quả của các hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động những năm qua đã góp phần giúp chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Thủ đô Hà Nội ngày càng được nâng lên.

“Năm 2021, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số đào tạo lao động của Hà Nội đứng đầu cả nước. Một số tỉnh, thành phố đã lấy cách làm của Hà Nội về gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động là một hoạt động mẫu để vận dụng thực hiện ở địa phương mình”, TS Trương Anh Dũng chia sẻ.

Góp phần định hướng nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội ảnh 1

Các đại biểu thăm gian trưng bày của Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Việt Nam bên lề hội nghị. (Ảnh: HHT)

TS Trương Anh Dũng mong muốn, các tập đoàn, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục hỗ trợ về nguồn lực, tăng cường phối hợp mức độ tham gia để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động, góp phần tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Dũng cũng đề nghị, các doanh nghiệp cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động, đặc biệt các nghề khoa học-kỹ thuật, công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai. Đây là dữ liệu quan trọng để phân tích, dự báo nhân lực và nhu cầu kỹ năng tương lai.

Hà Nội có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn nhất nước. Hơn 300 đơn vị giáo dục nghề nghiệp hằng năm tổ chức tuyển sinh và đào tạo hơn 200 nghìn lượt người.

Hơn thế nữa, doanh nghiệp cũng cần tham gia sâu vào các khâu của quá trình đào tạo. Đó là quá trình từ xây dựng các chuẩn đào tạo, trao đổi chuyên môn, cập nhật các tiến bộ khoa học-công nghệ đến tổ chức đào tạo, triển khai hiệu quả quá trình đào tạo tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách tuyển dụng, sử dụng trả lương, tiền công theo kỹ năng và năng lực hành nghề của người lao động, chính sách đãi ngộ, tôn vinh người lao động có kỹ năng, tay nghề cao để thúc đẩy người lao động tham gia học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, hướng đến xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động đa dạng hóa các hình thức hợp tác, phương thức kết nối, linh hoạt trong việc tổ chức thực hiện từ công tác tuyển sinh, đào tạo, đánh giá, tuyển dụng. Đồng thời, điều chỉnh ngành nghề, chương trình đào tạo, để các em học sinh-sinh viên sau khi tốt nghiệp bên cạnh kiến thức, kỹ năng nghề giỏi, còn có kỹ năng nghề, kỹ năng số, ngoại ngữ và kỷ luật, tác phong công nghiệp tốt. Điều này tạo cơ hội có việc làm với thu nhập tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động Thủ đô và các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Chú trọng tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh

Trong giai đoạn hiện nay, gắn đào tạo nghề với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và xu thế của thị trường lao động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ vào học nghề. Từ đó, hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 đặt mục tiêu hàng đầu là định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh từ sớm và kết nối có hiệu quả việc ký kết tuyển dụng.

Chị Dương Thị Nguyệt, giáo viên khoa Điện-Điện tử (Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội), cho biết: “Hiện tại, số lượng các em học sinh tìm hiểu hoặc tham gia làm quen, học nghề ở lứa tuổi trung học cơ sở, các lớp ở mức 9+, với lứa tuổi từ 14 trở lên, tại trường gia tăng hằng năm. Việc định hướng, chuyển đổi tư duy học và làm, tiếp cận nghề nghiệp sớm cho thấy khá hiệu quả. Nhiều em học sinh sau khi tham gia vào học nghề đã có định hướng lâu dài và phù hợp”. Khi đó, việc học bổ túc văn hóa sẽ là bổ trợ kèm theo, còn các em sẽ chủ đạo học và làm nghề, có nghề sớm và đáp ứng nhu cầu của bản thân cũng như xã hội.

Như vậy, có thể thấy, nếu như mô hình trước đây là học trước, làm sau thì nay thực hiện ngược lại, khi trường nghề cho sinh viên tiếp cận ngay với các cơ sở đào tạo nghề hoặc doanh nghiệp. Từ đây, lực lượng lao động có tay nghề sẽ được hình thành sớm và vững chắc, tránh được tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Dự các hoạt động bên lề của hội nghị lần này, nhiều học sinh được tiếp cận với các thông tin và định hướng thực tế, thay vì chỉ là những giờ học hướng nghiệp trên giảng đường.

Em Bùi Trung Hiếu, học sinh lớp 9A8, trường THCS Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Được thầy cô trao đổi và tham dự buổi hôm nay, em cũng cảm thấy có phần nào định hướng khi được tiếp cận với các trường ưa thích”.

Em Bùi Hoàng Tùng (Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Đan Phượng) vốn đã có những định hướng việc làm cá nhân. Việc được gặp gỡ và trao đổi thêm với các doanh nghiệp, trường nghề cũng làm em thấy có thêm cơ hội để tìm kiếm việc làm phù hợp.

Còn anh Thiều Quang Thao, giáo viên trường THCS Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, nhận xét: “Chương trình như thế này khá bổ ích, tổ chức để tiếp cận các em học sinh ở lứa tuổi trẻ là vô cùng phù hợp. Đây là cơ hội tiếp xúc, định hướng suy nghĩ, sở thích cho học sinh từ sớm, qua đó giúp các em có thể lựa chọn con đường học tiếp hay tham gia vào làm nghề”.

Hiện tại, Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số, đồng thời tỷ lệ sinh cũng giảm trong nhiều năm qua. Vì vậy, việc đưa lực lượng lao động vào thị trường sớm sẽ rất quan trọng.

Trong thời gian tới, để nguồn nhân lực chủ đạo này có định hướng nghề nghiệp tốt hơn, có kiến thức thực tế và kỹ năng nghề tốt, công tác hướng nghiệp, đào tạo cần thực sự gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Song hành với đó, đẩy mạnh hơn nữa áp dụng những mô hình giáo dục chuyên nghiệp, bài bản để người lao động thích ứng và phát huy hiệu quả bản thân trong điều kiện đa dạng hóa thị trường lao động và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.