“Giữ chân” người lao động tại các khu công nghiệp Bắc Ninh

NDO - Thị trường lao động cả nước trong những tháng cuối năm có chiều hướng tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2021, riêng tỉnh Bắc Ninh đã, đang ghi nhận nhiều điểm sáng, với các giải pháp, chính sách chủ động nhằm giữ chân người lao động từ doanh nghiệp và chính quyền địa phương, góp phần giảm nguy cơ thiếu hụt lao động trong các khu công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều công nhân ở các khu công nghiệp của Bắc Ninh được các công ty hỗ trợ nhiều chính sách để yên tâm làm việc. (Ảnh: Nguyễn Hải)
Nhiều công nhân ở các khu công nghiệp của Bắc Ninh được các công ty hỗ trợ nhiều chính sách để yên tâm làm việc. (Ảnh: Nguyễn Hải)

Với 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động trên tổng số 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tỉnh Bắc Ninh đã đáp ứng nhu cầu việc làm cho hơn 300 nghìn lao động.

Bên cạnh việc tận dụng tối đa lợi thế sẵn có, chính quyền, doanh nghiệp và người lao động tại Bắc Ninh đã, đang triển khai các giải pháp, chính sách giữ chân người lao động để phát triển công nghiệp bền vững. Đồng thời, góp phần ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt nguồn lao động sản xuất trước khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu.

Chuyển dịch công nhân giữa các khu công nghiệp

Anh Đào Văn Đức (28 tuổi, quê Bắc Giang), công nhân tại khu công nghiệp Yên Phong cho biết, qua thực tế làm việc tại nhiều công ty ở phía bắc, anh quyết định lựa chọn khu công nghiệp Bắc Ninh bởi môi trường làm việc và chính sách hỗ trợ của các công ty tại đây được nhiều người lao động đánh giá cao.

“Thời gian tới, ngoài thu nhập đảm bảo nhu cầu cơ bản, tôi cũng như các công nhân khác đều mong sẽ có thêm chế độ đãi ngộ mới về ăn uống, đi lại hoặc được hỗ trợ về nhà ở, nhà cho thuê để có thể gắn bó lâu dài với khu công nghiệp”, anh Đức bộc bạch.

Trực tiếp phụ trách 120 công nhân thuộc Công ty HFS VINA, anh Đỗ Văn Hưng chia sẻ, lãnh đạo và công đoàn công ty đã phối hợp chặt chẽ trong việc chăm lo, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người lao động.

Ngoài ra, các thành viên trong từng tổ cũng chủ động giúp đỡ các công nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mắc bệnh để người lao động có thể yên tâm làm việc và tăng sự gắn kết trong tập thể.

HFS VINA hiện có 400 cán bộ, công nhân lao động với mức thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/tháng. Ban lãnh đạo công ty hiện đang tập trung mở rộng quy mô sản xuất, tăng thêm số lượng lao động mới và hỗ trợ tốt hơn cho công nhân đã gắn bó.

Dưới góc độ doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, ông Lee Cheon Ho, Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hyosung Financial System Vina (HFS VINA), ở khu công nghiệp Yên Phong Bắc Ninh, đơn vị chuyên sản xuất các loại máy rút tiền ATM cũng nhận thấy xu hướng chuyển dịch lao động giữa các khu công nghiệp thời gian gần đây.

Ông Lee Cheon Ho đề xuất các ban, ngành liên quan cùng doanh nghiệp cần xác định yếu tố, nguyên nhân dẫn đến xu hướng thay đổi công việc của người lao động. Từ đó, có thể phòng tránh trước “làn sóng” nghỉ việc của công nhân trong các khu công nghiệp. Đồng thời, phía doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu thêm giải pháp giữ chân công nhân lâu dài để đảm bảo việc sản xuất không bị gián đoạn.

Thực tế, dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt là thách thức khủng hoảng nguồn nhân lực bảo đảm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ông Rasika, Trưởng phòng Vận hành R-Pac Việt Nam, đơn vị chuyên sản xuất bao bì thuộc khu công nghiệp Yên Phong chia sẻ, khi đơn hàng từ các đối tác quốc tế của R-Pac đều sụt giảm, công ty chỉ giảm bớt ca làm thêm giờ và chia đều việc cho công nhân, hạn chế tình trạng cắt giảm lao động khi chờ việc.

“Thay vì ngay lập tức cho công nhân nghỉ việc khi doanh nghiệp gặp khó, chúng tôi chọn cách hỗ trợ thêm chính sách và đồng hành với người lao động lúc khó khăn sau dịch Covid-19”, ông Rasika nhấn mạnh.

Theo Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay cả nước có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm và đời sống.

Trong đó, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 441 với tổng số gần 625.000 lao động. Đáng chú ý, hơn 240.000 công nhân dệt may, da giày, chế biến gỗ đang thiếu việc làm dịp cuối năm do doanh nghiệp cắt giảm hoặc chờ đơn hàng.

TS Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, hiện nay có rất nhiều người lao động thường xuyên thay đổi công ty giữa các khu công nghiệp khác nhau.

Phần lớn sự dịch chuyển lao động nằm ở nhóm công nhân có mức lương tối thiểu hoặc dưới tối thiểu, ít xảy ra ở nhóm đã có thu nhập ổn định. Khi người lao động thấy lương không thể tăng hoặc công việc không thể phát triển thêm thì họ buộc phải thay đổi để tìm môi trường làm việc tốt hơn, mức lương khá hơn.

“Giữ chân” người lao động tại các khu công nghiệp Bắc Ninh ảnh 1

Một góc phân xưởng lắp ráp hoàn thiện máy ATM tại Công ty HFS VINA. (Ảnh: Nguyễn Hải)

Cần có giải pháp giữ chân người lao động

Để thu hút nguồn nhân lực mới và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài, theo TS Phạm Thị Thu Lan đề xuất các doanh nghiệp cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chế độ lương, thưởng và bảo hiểm. Đồng thời, chú trọng điều chỉnh kịp thời các chính sách hỗ trợ, chế độ đãi ngộ, để người lao động yên tâm làm việc.

“Cần hỗ trợ thêm sinh hoạt phí, thêm trợ cấp khoảng thời gian ngừng việc, thiếu việc để người lao động có nguồn thu đủ để bảo đảm cuộc sống tối thiểu tại các khu công nghiệp”, TS Phạm Thị Thu Lan cho biết.

Việc thu hút người lao động bằng mức lương hấp dẫn nhưng không tạo công việc đều đặn, thu nhập không tăng theo thời gian hoặc môi trường làm việc quá khắc nghiệt sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị người lao động “rời bỏ” không quay lại.

Nắm bắt được thực trạng trên, thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đồng đều các hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút người lao động.

Tỉnh đã triển khai các Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và hợp tác xã, công nhân và người lao động nhằm điều chỉnh chính sách, đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời tới các cá nhân và tập thể. Đồng thời, đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp và công nhân để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó với địa phương.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh đã hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh với tổng số lao động đủ điều kiện được phê duyệt là 163.619 lao động; tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ gần 200 tỷ đồng.

Đồng thời, các cấp ngành địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện chi trả hỗ trợ cho hơn 8.100 đơn vị, doanh nghiệp; 368 hộ kinh doanh; hơn 604 nghìn người...

Ông Nguyễn Kim Triều, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ. Vì vậy, đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, chú trọng nâng cao tay nghề, đào tạo kỹ năng nghề được coi là giải pháp trọng tâm để phục hồi bền vững thị trường lao động thời gian tới.

Bài toán bảo đảm cung-cầu nguồn lao động phục vụ sản xuất lâu dài cần sự cân bằng giữa lợi ích của người lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ, bộ, ngành và chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, giảm thuế, mặt bằng,… để từ đó doanh nghiệp có thể chia sẻ lại cho người lao động.

Các dự án FDI đang hoạt động tại tại các khu công nghiệp Bắc Ninh phát huy hiệu quả và tiếp tục tăng vốn đầu tư, tuyển dụng lao động số lượng lớn, mở rộng quy mô sản xuất.… Tính riêng 10 tháng năm 2022, thu hút đầu tư nước ngoài của Bắc Ninh đạt 1,85 tỷ USD, trong đó số vốn điều chỉnh tăng thêm là 1,636 tỷ USD.

Đến hết quý III/2022, các khu công nghiệp Bắc Ninh sử dụng tổng 314.644 lao động; trong đó lao động địa phương là 85.843 người (chiếm 27,82%), lao động nữ là 174.649 người (chiếm 55,50%), lao động nước ngoài 6.498 người (chiếm 2,065%). Trong đó, khu công nghiệp Quế Võ với 106.815 lao động và Yên Phong với 90.096 lao động là 2 cụm công nghiệp sử dụng nhiều nhân lực nhất. So với với quý 2/2022 thì tổng số lao động tại các khu công nghiệp của Bắc Ninh giảm 5.417 người.