Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Vũ Hải Hà khẳng định, Việt Nam luôn coi Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU, trong đó có quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu đã đạt nhiều thành quả vì lợi ích của nhân dân hai bên và góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở hai châu lục và trên thế giới.
Hợp tác về kinh tế là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-EU, trong đó có việc triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA). Thời gian qua, trao đổi thương mại song phương phát triển nhanh chóng và hiệu quả; hai bên phối hợp chặt chẽ nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA; đồng thời, giải quyết một số điểm khác biệt thông qua cơ chế đối thoại và họp định kỳ của các ủy ban.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, để hướng dẫn và triển khai Hiệp định EVFTA, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã sửa đổi, ban hành mới các văn bản ở cấp Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư trong các lĩnh vực liên quan đến thuế quan, nông nghiệp, xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Hiệp định, các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều thách thức do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên toàn thế giới làm suy giảm sức mua của hai thị trường, gây đứt gãy và dịch chuyển chuỗi sản xuất… Các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc hiểu cam kết và quy định của Hiệp định, còn vướng mắc trong thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ…
Để triển khai Hiệp định EVFTA hiệu quả hơn trong thời gian tới, đồng chí Vũ Hải Hà đề nghị EP/EU hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam để tận dụng hiệu quả EVFTA; hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở hạ tầng giúp doanh nghiệp Việt Nam trong đáp ứng các yêu cầu rào cản kỹ thuật trong thương mại, biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động-thực vật. Hỗ trợ đẩy nhanh việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để khắc phục vấn đề thiếu lao động do Covid-19; mong muốn tiếp tục xử lý các vấn đề khác biệt thông qua các cơ chế đối thoại và EU hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi.
Đồng thời, đề nghị EP thúc đẩy các nước thành viên còn lại hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU sớm có hiệu lực, tạo động lực mạnh mẽ hơn thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.
Tại cuộc họp, các nghị sĩ EP đánh giá cao những tiến triển tích cực mà hai bên đạt được trong việc thực thi EVFTA thời gian qua; đồng thời, đánh giá cao cơ chế trao đổi, đối thoại giữa Quốc hội Việt Nam và EP nhằm thúc đẩy việc thực thi hiệp định. Bên cạnh đó, đại diện các Ủy ban của Quốc hội cũng tham gia trao đổi, làm rõ thêm vấn đề cụ thể trong thực thi EVFTA, trong đó có Chương 13 về “Thương mại và phát triển bền vững”...