Trong gần 9.000 lễ hội hằng năm ở Việt Nam, Hội Gióng Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là lễ hội độc đáo, đặc sắc với những nghi lễ, màn diễn hào hùng, náo nhiệt.
Đây là hội trận diễn tả Thánh Gióng đánh giặc ngoại xâm, có quy mô hoành tráng với gần 1.000 diễn viên, được tổ chức trong một không gian rộng lớn kéo dài hơn 3 km trên địa bàn xã Phù Đổng.
Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn là lễ hội vùng, tầm cỡ quốc gia đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Không để cộng đồng quay lưng với di sản
Với nhiều giá trị riêng biệt, đến nay, Hội Gióng Phù Đổng được nhân dân bảo tồn, lưu giữ, trao truyền liên tục qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Hội Gióng Phù Đổng: “Nhiều người biết sự tích Thánh Gióng, nhưng không biết đến Hội Gióng Phù Đổng, nhầm lẫn về nơi Thánh Gióng sinh ra, lớn lên, đi đánh giặc. Họ chỉ biết đến Sóc Sơn và gọi đền Sóc (nơi Thánh Gióng bay về trời) là Đền Gióng. Cũng vì vậy, Hội Gióng Phù Đổng xứng đáng được biết đến rộng rãi hơn không chỉ ở nước ta mà còn cả trên thế giới”.
Với mong muốn lan tỏa hình ảnh, lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của Thánh Gióng Phù đổng Thiên Vương tới nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, năm 2022, con cháu quê hương Phù Đổng đã thành lập Hợp tác xã Du lịch Hội Gióng Phù Đổng. Đây là mô hình cộng đồng vừa trực tiếp thực hành, vừa trao truyền di sản văn hóa.
Tổ chức phi lợi nhuận này tập hợp thành viên hội là các ông hiệu, phường Ải Lao, đội quân phù giá và những người tâm huyết, sẵn sàng đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị của Hội Gióng Phù Đổng.
Các hội viên vừa khôi phục các điệu hát, múa trong lễ hội, đồng thời tổ chức diễn xướng các trò dân gian trong Hội Gióng định kỳ vào chủ nhật, thứ ba hằng tháng.
Có thể nói, cũng như nhiều cộng đồng khác đã và đang nỗ lực, tự thân bảo vệ di sản, với tấm lòng trân trọng di sản của cha ông, cộng đồng Hội Gióng Phù Đổng đang đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể này.
Tuy nhiên, thực trạng diễn xướng lễ hội ở nhiều nơi đã và đang không đúng thời điểm, không đúng không gian riêng của di sản, từ đó đặt ra vấn đề: Nên hay không nên tổ chức lễ hội nhiều lần trong năm? Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhìn nhận: Phần lễ có tính thiêng, còn phần hội thuộc về cộng đồng.
Bên cạnh những lễ hội được tổ chức hằng năm, có những lễ hội truyền thống ba năm mới tổ chức một lần (tam niên đáo lệ), 5 năm một lần, thậm chí 20 năm một lần.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên lan tỏa giá trị của lễ hội cũng như đưa lễ hội đến gần hơn với cộng đồng, xã hội bằng cách tổ chức lễ hội nhiều lần trong năm và phần nào đó liên quan đến việc thu hút khách du lịch. Nhưng, cũng có không ít ý kiến cho rằng, nếu làm vậy sẽ thế tục hóa, giải thiêng lễ hội, không bảo tồn được giá trị độc đáo, bản sắc lễ hội.
Trước xu hướng trình diễn, diễn xướng, sân khấu hóa lễ hội, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long nhận định: Nếu khuyến khích việc tổ chức các lễ hội một năm nhiều lần sẽ khiến lễ hội bị tách ra khỏi bối cảnh, không gian văn hóa cũng như tính thiêng và bản chất của lễ hội.
Ngay như Hội Gióng Phù Đổng gắn với truyền thuyết, thời gian thiêng và tâm thức cộng đồng, nếu diễn ra trong lễ hội làng, người xem là khán giả, là cộng đồng; nhưng khi mang ra trình diễn, mang lên sân khấu nhiều lần trong năm, cộng đồng sẽ không coi lễ hội là di sản và cho rằng đây như các môn trình diễn nghệ thuật khác.
Hội Gióng đã trở thành di sản đại diện nhân loại bởi tính gắn kết cộng đồng và gắn với tính thiêng, chỉ được tổ chức một năm một lần vào ngày hội chính. Cộng đồng không nên tổ chức diễn xướng, làm sai khác với bản chất của hồ sơ khi Việt Nam trình ghi danh với UNESCO.
Hỗ trợ để gìn giữ di sản đúng cách
Khuyến khích các cộng đồng trao truyền, huy động các nguồn lực chung tay gìn giữ di sản, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan khuyến cáo, Hội Gióng là lễ hội mang tính chất của cộng đồng đậm nét và độc nhất vô nhị ở Việt Nam, vì vậy cộng đồng nên tuân theo những quy định, khuyến nghị của UNESCO, không biến lễ hội thành diễn xướng, xa rời tinh thần, bản chất của di sản.
Đưa ra thí dụ về trường hợp Lễ hội Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, bà Loan nhấn mạnh: Lễ hội phải thuộc về cộng đồng, do cộng đồng đứng ra tổ chức, từ các nghi lễ, lễ tế, lễ rước kiệu cho đến phần hội.
Tuy nhiên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa nâng cấp, sân khấu hóa, tổ chức các đoàn chèo, tuồng đóng vai Vua Lê Lợi, huy động ca sĩ, diễn viên, học sinh, sinh viên các đoàn nghệ thuật đóng vai đánh trống hội. Chương trình sân khấu hóa vô tình đã biến cộng đồng thành khán giả đứng xem và cũng từ đó dường như không coi di sản là của mình nữa.
Đáng nói, trước đây, người dân rất tự hào, vinh dự được lựa chọn để tham gia lễ hội, còn bây giờ cơ quan quản lý nhà nước lấn sân, làm thay công việc của cộng đồng, không đúng với bản chất của lễ hội. Cần khẳng định một điều, di sản thuộc về cộng đồng thì cộng đồng sẽ có trách nhiệm trao truyền, gìn giữ.
Chủ động phát huy vai trò chủ thể của di sản, vừa giữ gìn nguyên gốc và bản sắc vốn quý của văn hóa truyền thống, đồng thời thổi luồng sinh khí mới tiếp sức cho di sản tồn tại trong cuộc sống đương đại, không thương mại hóa, không giải thiêng di sản, bên cạnh sự tự giác và chủ động của cộng đồng dân cư xã Phù Đổng trong công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, cần có sự định hướng của các cơ quan quản lý về văn hóa trong đánh giá sản phẩm du lịch văn hóa diễn xướng Hội Gióng Phù Đổng, đồng thời tư vấn hướng đi đúng trong bảo vệ và giữ lửa cho di sản.
Đây cũng là băn khoăn của nhiều cộng đồng đang nắm giữ di sản. Điều này vừa thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của các thế hệ kế cận gìn giữ di sản, vừa mong muốn có các biện pháp ứng xử hài hòa trong gìn giữ và phát huy giá trị di sản, không làm di sản biến dạng.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong duy trì và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, trước xu hướng sân khấu hóa lễ hội, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, UNESCO ghi danh Hội Gióng vì yếu tố cộng đồng bảo vệ di sản.
Vì vậy, không phải tìm cách làm khác đi mới giới thiệu được di sản rộng rãi. Hội Di sản văn hóa Việt Nam sẽ đồng hành cộng đồng Hội Gióng Phù Đổng để chuyển tải câu chuyện văn hóa di sản, tín ngưỡng và lễ hội đi đúng hướng.
Từ trường hợp cộng đồng gìn giữ di sản Hội Gióng Phù Đổng, có thể thấy, bên cạnh vai trò trung tâm của cộng đồng, rất cần sự chung tay của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp... hướng dẫn, định hướng, đầu tư để chuyển tải câu chuyện di sản và bảo vệ di sản đúng với bản chất.
Bên cạnh sự tôn trọng giá trị sáng tạo, vai trò bảo lưu và trao truyền các di sản văn hóa của cộng đồng, cần tránh việc can thiệp thái quá, hành chính hóa cách tổ chức lễ hội làm triệt tiêu tính sáng tạo, chủ động của cộng đồng.
Ngoài ra, cần có những giải pháp, cách làm vừa quảng bá di sản mà không làm sai lệch hay hủy hoại di sản.