Hỗ trợ các tỉnh phía nam ổn định sản xuất

NDO -

Cùng với việc đẩy mạnh kết nối cung - cầu nông sản, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục hỗ trợ các tỉnh phía nam ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Hỗ trợ các tỉnh phía nam ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Hỗ trợ các tỉnh phía nam ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Theo đó, sáng ngày 9/9, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động kết nối cung - cầu nông sản thời gian qua và kế hoạch sản xuất tại các tỉnh phía nam thời gian tới.

Kết nối hơn 1.400 đầu mối cung cấp nông sản

Thông tin từ Tổ công tác 970 cho biết, Tổ đã thực hiện kết nối hơn 1.400 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm gồm: rau củ 386 đầu mối; trái cây 365 đầu mối; thủy hải sản 493 đầu mối; lương thực 83 đầu mối; các mặt hàng khác 63 đầu mối. Tổ đã tổ chức vận hành trang web kết nông cung cầu sản phẩm tại địa chỉ https://htx.cooplink.com.vn nhằm đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản. Từ đó, kết nối tiêu thụ thành công với sản lượng 300- 400 tấn/ngày, cao điểm có ngày hơn 1.000 tấn nông sản. Dự báo, lượng hàng hóa được tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng nhanh khi tiểu thương các chợ đầu mối lớn tại thành phố Hồ Chí Minh được hoạt động trở lại.

Đặc biệt, thông qua kết nối các đầu mối nông sản, Tổ đã phối hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ cung ứng hàng hóa theo yêu cầu của người dân thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương thông qua túi đặt hàng combo. Hiện, Tổ đã cung ứng cho 5 địa bàn của thành phố Hồ Chí Minh bao gồm Bình Thạnh, Gò Vấp, Quận 4, Quận 12, thành phố Thủ Đức khoảng 400 tấn/ngày và vẫn bảo đảm nguồn cung cho các quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh khi có yêu cầu

Về sản xuất, kết quả đến hết tháng 8/2021, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đạt sản lượng 16,86 triệu tấn lúa, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực cho phần thiếu hụt của vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo bảo đảm yêu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu. Bên cạnh lúa, Tổ công tác 970 cũng ổn định sản xuất các mặt hàng khác, như: rau đạt 3,83 triệu tấn; trái cây 4 triệu tấn. Về chăn nuôi, đàn lợn ước khoảng 8 triệu con, sản lượng 869.000 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020; tổng đàn gia cầm ước đạt 154,7 triệu con, sản lượng 343.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,006 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hỗ trợ sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm

Theo Cục Trồng trọt, sản xuất lúa vụ đông xuân 2021-2022 là vụ chính của đồng bằng sông Cửu Long, diện tích gieo trồng khoảng 1,5 triệu ha với sản lượng hơn 10 triệu tấn lúa, có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, sản lượng nhiều, giá thành thấp, giá bán cao, đáp ứng các mục tiêu về lợi nhuận, xuất khẩu, tăng trưởng và an ninh lương thực cho toàn vùng Nam Bộ. Do đó, các nhu cầu vật tư nông nghiệp để cung ứng phục vụ cho sản xuất vụ lúa này cần được chuẩn bị sớm, trong đó cấp bách nhất là lúa giống vì tính chất nghiêm ngặt về thời vụ. Theo tính toán, toàn vùng có thể thiếu khoảng 50-70.000 tấn lúa giống. Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Trong điều kiện sản xuất bình thường khả năng sử dụng giống đạt phẩm cấp có thể chiếm tỉ lệ 75-80%, phần còn lại do nông dân tự chọn lựa để giống, nhưng trong trường hợp dịch Covid-19 do việc thu hoạch, sơ chế bảo quản giống tại công ty và hệ thống sản xuất giống nông hộ gặp khó khăn nên việc cung ứng giống đạt phẩm cấp cho sản xuất có thể thiếu so với nhu cầu do các ruộng sản xuất giống không được thu hoạch và vận chuyển kịp thời để sơ chế nên không đạt các tiêu chuẩn làm giống; Các doanh nghiệp và hệ thống kinh doanh hạt giống ở cấp tỉnh, huyện, xã bị giới hạn về lưu thông, vận chuyển, chế biến nên khả năng cung ứng giống không kịp thời vụ sản xuất và nông dân khó tiếp cận giống lúa theo mong muốn…

Đối với chăn nuôi, hình thức chăn nuôi trang trại vẫn cơ bản duy trì được tốc độ tăng trưởng trong khi có dịch, nhưng hình thức chăn nuôi nông hộ giảm nhiều, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Nguyên nhân là do tâm lý của người chăn nuôi chưa xác định được khi nào thì dịch bệnh được kiểm soát, trong khi giá sản phẩm xuống thấp, giá thức ăn tăng cao. Điều này có thể dẫn đến khan hiếm cục bộ sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là sản phẩm thịt gà trong dịp Tết Nguyên đán do nhu cầu tiêu thụ tăng từ 10 - 20%.

Trước thực tế đó, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Tổ công tác 970 sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Tổ công tác của các Bộ ngành và 18 tỉnh thành Nam Bộ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường kết nối cung cầu nông sản nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân thành phố cũng như các tỉnh lân cận.

Theo Thứ trưởng, đối với 19 tỉnh, thành Nam Bộ cần xây dựng kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách bảo đảm sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài. Trong chuỗi sản xuất, chế biến nông lâm sản và thủy sản, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tham gia chuỗi sản xuất (từ sản xuất giống đến chế biến) để bảo đảm đủ nhân lực cho hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản thười gian tới.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam