Họa sĩ Lê Anh Vân là một trong những người yêu thích vẽ tranh các con giáp. Ông chia sẻ về những bức tranh hổ đã vẽ xong hoặc đang hoàn thiện của mình: “Mùa xuân năm nay tôi đã vẽ tới 7-8 tác phẩm tranh hổ. Tôi dự định cứ vẽ, rồi sẽ trưng bày tại nhà, mời anh em họa sĩ đến chơi ngắm tranh cho vui”. Hầu như năm nào ông cũng vẽ tranh con giáp. Cách đây đúng 12 năm, ông cũng đã vẽ hổ. Tranh hổ của ông thời kỳ đó biểu hiện sức mạnh, sự uy dũng, dữ tợn. “Năm đó tôi vẽ bức tranh hai con hổ trắng đen tranh giành mặt trời rất dữ dội. Nhưng năm nay không khí xuân khác, tôi vẽ hổ cũng khác, yên bình, tình cảm hơn, thư thái hơn, vui vẻ hơn. Tôi vẽ tình cảm của mẹ con nhà hổ. Hổ của mùa xuân năm nay không dữ dội mà còn có tình cảm với nhau.”
Đối với họa sĩ Lê Anh Vân, hổ và mèo trong 12 con giáp là những con vật đẹp, mang lại sự hứng khởi cho người vẽ. Bản thân hình ảnh hổ và mèo đã đẹp, nhưng mỗi con lại có một tính chất riêng. “Hổ là con vật được ví với chúa Sơn Lâm, là biểu tượng của sức mạnh, cho nên các bức tranh hổ tôi thường vẽ cùng với mặt trời. Năm nay tôi muốn thể hiện sự thay đổi của một giai đoạn mới, cho nên phải vẽ với tinh thần khác. Họa sĩ nào cũng muốn trong tác phẩm của mình có cái riêng, có sự phong phú, đa dạng nhưng vẫn là mình. Không phải chỉ vẽ theo một cách, mà người ta còn thể hiện cách suy nghĩ, cách tư duy rất riêng không ai có được”. Với họa sĩ Lê Anh Vân, những bức tranh vẽ con giáp mỗi năm với ông cũng là con đường, là cách mà họa sĩ kết nối mình với người xem. Mỗi bức tranh có một tinh thần riêng mà họa sĩ gửi gắm vào đó và đem chia sẻ với mọi người.
Năm nào cũng vẽ các con giáp, họa sĩ cho biết, có những con giáp rất khó vẽ, thí dụ như con rắn, nhưng vẫn có người đặt hàng tranh rắn, vì họ yêu được cách thể hiện con vật này qua hội họa. “Con hổ qua hội họa cũng đẹp nhưng dữ dội. Nhưng tôi thích vẽ con hổ với một tình cảm khác, và nó phải mang tình cảm riêng của mình”-họa sĩ chia sẻ.
Còn với họa sĩ, nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát (Đường Lâm, Sơn Tây), năm Giáp Dần ghi dấu một dấu mốc mới trong sự nghiệp của anh, với 2.000 bức tượng hổ hiện đang được gấp rút hoàn thành.
Họa sĩ Tấn Phát chia sẻ, anh có ý tưởng làm bộ sưu tập tượng hổ từ cách đây 2 năm. Từ cách đây 2 tháng, anh đã bắt đầu trưng bày những tác phẩm hoàn thiện đầu tiên. Đến khoảng hơn 700 bức tượng đã hoàn thành. Bộ sưu tập này là một sự cố gắng và quyết tâm rất lớn của anh bởi vì số lượng tác phẩm rất nhiều, đều là tác phẩm độc bản. Anh cho biết, giữa đời sống công nghiệp hóa, nhiều tác phẩm nghệ thuật bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tính chất công nghiệp và khuôn mẫu. “Tôi muốn các tác phẩm của tôi dành sự tôn vinh cho sáng tạo. Tôi đưa vào chất liệu sơn mài để khơi gợi tình cảm với các ngành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam”-họa sĩ chia sẻ.
Điểm đặc biệt trong các tác phẩm hổ của họa sĩ Nguyễn Tấn Phát là đó không chỉ là những tác phẩm đơn thuần, mà còn được họa sĩ bổ sung thêm những công năng về mỹ thuật ứng dụng. Thí dụ, anh kết hợp dáng hổ với ghế ngồi, lọ hoa, khay đựng… Nhưng không chỉ dừng ở mức độ là một sản phẩm tạo hình đẹp, họa sĩ còn gửi gắm vào đó những câu chuyện thú vị, những ý nghĩa riêng, hoặc tâm trạng cho tác phẩm.
“Những tác phẩm của tôi luôn gắn với những trăn trở của người sáng hoặc mang những câu chuyện tích cực về hổ. Thí dụ tôi gắn hổ với những chú mèo trên lưng để gợi nhớ những câu chuyện ngụ ngôn giữa mèo và hổ, hoặc người đánh trống, chơi đàn trên lưng hổ để có sự tương tác giữa con người và loài hổ. Một trong những hình tượng mà tôi thấy ưng ý nhất là bức tượng với chiếc tổ chim trên lưng hổ, điều đó mang ý nghĩa một cuộc sống bình an trên lưng hổ. Hổ vẫn mang một sức mạnh uy dũng, nhưng không làm hại các sinh vật khác mà còn bảo vệ, che chở”, họa sĩ nói.
Theo họa sĩ Nguyễn Tấn Phát, hổ là một đề tài không dễ. Hổ khó trong tạo hình, và còn khó bởi tư duy tạo hình, phần lớn mọi người e dè trong việc tạo hình hổ. “Để tạo dáng được những hình hổ khác nhau sao cho phong phú, hấp dẫn người xem đã là chuyện khó, tôi còn phải tìm cách làm sao cho con hồ gần gũi, hiền hòa hơn”-anh bày tỏ.
Được biết, dự kiến khoảng 30/4, bộ sưu tập tượng hổ sơn mài của họa sĩ Nguyễn Tấn Phát sẽ hoàn thành toàn bộ và trưng bày tại Thành cổ Sơn Tây. Còn mùa xuân này, với những chú hổ đầu tiên vừa hoàn thiện, anh gửi gắm lời chúc đến mọi người: “Tôi rất muốn mang hình tượng hổ này gửi gắm một lời chúc bình an, mạnh mẽ, uy dũng, độc lập trong công việc như đặc tính của con hổ tới tất cả mọi người”.
Mùa xuân năm nay, họa sĩ trẻ Minh Ngọc cũng là cái tên được nhắc đến nhiều với bộ tranh hổ theo phong cách tranh Hàng Trống. Điểm đặc biệt của bộ tranh là bức Ngũ Hổ được vẽ tay kết hợp với thiết kế đồ họa. Để có được bức tranh này, Minh Ngọc đã bỏ công dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu hình tượng hổ ở các đình làng, viện bảo tàng, tranh, tượng hổ. Bức tranh cô vẽ trong khoảng 3 tuần, tranh được xây dựng bằng đồ họa nhưng vẽ tay hoàn toàn. Sự kết hợp này là minh chứng cho sức sáng tạo của thế hệ trẻ ngày nay dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của cha ông.
Minh Ngọc từng chia sẻ: “Khó nhất khi phục dựng tranh Hàng Trống, là phải nghiên cứu rất nhiều tích và phong cách tạo hình khác nhau của tranh. Sau đó, phải cân nhắc xem nên kế thừa và cải thiện điều gì. Cuối cùng, tác giả phải để lại được dấu ấn về tính cách của mình trong bức tranh”. Và bộ sưu tập của cô họa sĩ trẻ trong triển lãm do Tạp chí Xưa và Nay phối hợp Hội quán Di sản tổ chức, cùng với các tác phẩm của nhiều họa sĩ, tác giả tên tuổi khác đã thực sự ghi một dấu ấn mới trong sự nghiệp của cô.