Sáng 16-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp bàn các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ và đặc biệt là vận hành liên hồ chứa. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.
Đại diện Bộ Công thương cho biết đã ban hành văn bản chỉ đạo yêu cầu tổng rà soát tất cả hồ chứa, đặc biệt đối với những hồ nằm trong khu vực đang chịu ảnh hưởng của lũ lụt đề tính toán kỹ, kiểm tra tránh tình trạng như thủy điện Rào Trăng 3.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: “Hiện tại nước về hồ khu vực sông Đà đang giảm, các hồ chứa ở khu vực phía bắc không đáng ngại. Các hồ thủy điện của EVN ở khu vực Bắc Trung Bộ đã bảo đảm tích nước đến 90- 95%. Các hồ ở khu vực Tây Nguyên nước mới ở mức thấp chủ yếu ở khoảng 40-80%. Các hồ khu vực phía nam mực nước đang ở mức thấp.
“Trong thời gian tới EVN sẽ tập trung theo dõi chặt chẽ nước về các hồ thủy điện, phối hợp chặt chẽ với địa phương để điều tiết nước, bảo đảm an toàn. Tăng cường giám sát, kiểm tra khu vực hồ, hạ du, công trình thủy công, nhà máy. Các công trình vận hành của nhà máy, kiểm tra các công trình liên quan khác”, ông Ngô Sơn Hải nói.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi Đồng Văn Tự cho biết, hiện tại ở khu vực phía bắc có 2.543 hồ thủy lợi, chỉ có 19 hồ có cửa van điều tiết. Hiện taị, cơ bản các đã đầy nước, còn số ít hồ đang ở mức thấp. Đặc biệt có 18 hồ đang tràn tự do, ba hồ đang xả tràn; 51 hồ chứa đang thi công, 81 hồ đang hư hỏng cần quan tâm theo dõi.
Khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ, chỉ có 47 hồ chứa có cửa van điều tiết, còn lại tràn tự do. Có 55 hồ bị hư hỏng nếu gặp mưa lớn khoảng 200-300mm dễ xảy ra sự cố,...
Khu vực Bắc Trung Bộ có hai hồ Hương Điền, Bình Điền đang xả rất thấp, đề nghị tăng xả lên 1.000-1.500 m3/giây để đón lũ vào ngày 17 và 18-10. Khu vực Tây Nguyên có 1.246 hồ chứa chỉ có 25 hồ có cửa van điều tiết.
Bảo đảm an toàn vận hành hồ chứa
Phát biểu Tổng kết cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Năm nay thiên tai vô cùng phức tạp, đặc biệt dị thường, cho đến nay vẫn giữ được cục diện các hồ an toàn như thế này là đáng hoan nghênh. Thủy điện Rào Trăng 3 gặp sự cố lúc thi công chứ không ở giai đoạn vận hành. Tuy nhiên, không được chủ quan với việc vận hành, bảo đảm an toàn hồ chứa”.
Theo ông Cường, tâm điểm gây mưa lớn sắp tới ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ trong hoàn cảnh các hồ đang đầy ắp nước, dấu hiệu mưa chưa giảm nên hết sức chú ý.
Khu vực phía bắc, nếu chú ý làm tốt thì sẽ đạt mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn hồ dập vừa tích nước dự trữ đủ cho mùa khô phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế.
Khu vực Bắc miền trung, tất cả hồ nhỏ cơ bản đầy nước, hồ lớn còn công năng tích, hết sức chú ý vì những hồ lớn nằm trong lõi mưa rất lớn sắp tới vì vậy không được chủ quan.
“Cần chú ý những hồ chứa đang sửa chữa, xuống cấp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không chủ quan. Năm 2016 chúng ta đã có bài học lũ chồng lũ cho đến tận ngày 31-12. Vì vậy cần tuân thủ tuyệt đối theo công điện của Thủ tướng. Để nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử các đoàn kiểm tra xuống các địa bàn để chỉ đạo, khắc phục, ứng phó”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Hà Tĩnh và Quảng Bình sẽ mưa lớn do áp thấp nhiệt đới
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, đặc điểm của áp thấp nhiệt đới là khi trên biển thì đi rất nhanh, nhưng khi vào bờ lại đi chậm, kết hợp với không khí lạnh nên duy trì lâu và dịch dần lên phía Bắc.
Mưa trên đất liền kéo dài và mở rộng ra phía Bắc. Mưa lớn nhất nằm ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, phía nam Nghệ An cũng có thể là trọng điểm mưa.
Do đó, từ ngày 16 đến 21-10 ở Trung Bộ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có khả năng mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa từ nay đến 21-10 ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình phổ biến 500-800mm, có nơi trên 900mm.
Giai đoạn mưa lớn nhất là từ 17 đến 19-10; ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế phổ biến 300-500mm, có nơi trên 500mm; ở các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên phổ biến 200-300mm, có nơi trên 350mm”, ông Lâm nhận định.
Theo ông Lâm, từ ngày 16 đến 19-10 ở Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Mưa với cường độ lớn khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tăng cao ở vùng núi các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, trong 24 giờ tới các khu vực có nguy cơ cao là các tỉnh Thanh Hóa tới Quảng Bình. Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở những khu vực này.
“Thời tiết ở Huế từ hôm nay mưa tăng trở lại, kéo dài nhiều ngày. Tổng lượng mưa từ nay đến 21-10 có thể đạt 200-300mm. Sau ngày 21-10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài. Chưa thấy dấu hiệu hết hẳn mưa ở khu vực Trung Trung Bộ trong thời gian tới vì đến ngày 22-10 lại có mưa trở lại do ảnh hưởng của gió mùa Đông bắc”, ông Lâm nhấn mạnh.