Hình tượng rồng đậm chất cố đô tại Lễ hội Xuân Giáp Thìn Thừa Thiên Huế

NDO - Từ ngày 3 đến 14/2 (từ ngày 22 tháng Chạp đến ngày 5 tháng Giêng), Ủy ban nhân dân thành phố Huế tổ chức Lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 "Tinh hoa đất trời, chuyển mình bứt phá" tại công viên Lý Tự Trọng nhằm khẳng định vị thế trung tâm văn hóa, du lịch, đô thị động lực của tỉnh cũng như khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Các bạn trẻ hào hứng lưu lại những khoảnh khắc trước hình tượng cặp "rồng chầu mặt nguyệt".
Các bạn trẻ hào hứng lưu lại những khoảnh khắc trước hình tượng cặp "rồng chầu mặt nguyệt".

Lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 là chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội mùa xuân “Xuân cố đô”. Đây là chương trình quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Huế, được đầu tư kỹ lưỡng cả về chất và lượng, đem đến không khí ngày xuân tươi vui cho người dân trên địa bàn, đồng thời góp phần tô điểm Cố đô dịp Tết cổ truyền.

Hình tượng rồng đậm chất cố đô tại Lễ hội Xuân Giáp Thìn Thừa Thiên Huế ảnh 1

Đông đảo người dân địa phương và khách du lịch tìm đến Lễ hội.

Là Cố đô địa linh nhân kiệt, Huế gắn bó với hình ảnh con rồng quyền uy, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng của đất trời. Xuân Giáp Thìn này, thay vì tạo hình linh vật được nhân cách hoá như các năm trước, Công ty Cổ phần Sao Tháng Tám Việt Nam (AGS) được Ủy ban nhân dân thành phố Huế giao nhiệm vụ lựa chọn mang đến ngôn ngữ thiết kế mới nhằm tôn vinh tầm vóc, sự thiêng liêng và tính thẩm mỹ đó.

Hình tượng rồng đậm chất cố đô tại Lễ hội Xuân Giáp Thìn Thừa Thiên Huế ảnh 2

Không khí ấm áp đầy sắc màu tại Lễ hội.

Khu vực Bia Quốc học mở đầu với hình tượng 2 con rồng đối xứng ở thế “rồng chầu mặt nguyệt” hướng về Bia, tạo thành hình thái vòm tự nhiên, bao quanh bởi tạo hình bông sen Huế truyền thống. Mặt rồng vươn cao về phía trời xanh, tỏ rõ khát vọng một thành phố Huế vươn lên phát triển, hướng đến trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong năm 2025.

Hình tượng rồng đậm chất cố đô tại Lễ hội Xuân Giáp Thìn Thừa Thiên Huế ảnh 3

Cặp rồng hướng về Bia Quốc học rực rỡ sắc màu đón Tết.

Tạo hình linh vật rồng tại khu vực Bia Quốc Học được nhóm thiết kế lên ý tưởng và nghiên cứu công phu các chất liệu để vừa lột tả được đường nét uyển chuyển của thân rồng, lại vừa mang những nét đặc trưng của văn hóa cung đình Huế độc đáo, tạo ra linh vật rồng mang tính truyền thống gần gũi, bình dị nhưng sống động, giàu tính biểu cảm.

Bên cạnh đó, vảy rồng được nghiên cứu mô phỏng ngói thanh lưu ly Huế, loại ngói được sử dụng phổ biến cho các công trình cung điện, lăng tẩm và đền chùa Cố đô, là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa đất và trời, đặt vào đó hy vọng về một cuộc sống mưa thuận gió hòa, êm ấm và ổn định.

Hình tượng rồng đậm chất cố đô tại Lễ hội Xuân Giáp Thìn Thừa Thiên Huế ảnh 4

Du khách nước ngoài không thể bỏ qua những hình ảnh của cặp "rồng chầu mặt nguyệt".

Tại Đài phun nước, đơn vị thiết kế lựa chọn hình ảnh “Ấn Quốc gia tín bảo” - bảo vật hoàng cung quý báu của triều Nguyễn để làm cảm hứng thiết kế. Đây được coi là trọng khí quốc gia, vật bảo chứng cho sự hiện diện và xác nhận ý chí, mệnh lệnh của vua chúa thời xưa.

Kết hợp với tứ “Cá chép hóa rồng” truyền thống, thiết kế đại diện cho quá trình chuyển mình không ngừng nghỉ của Huế, tiến tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Dáng “Phi long tại thiên” mang khí thế hiên ngang, ung dung tự tại giữa mây xanh, như một lời cầu chúc cho năm mới tốt lành, phát triển và bứt phá của thành phố.

Hình tượng rồng đậm chất cố đô tại Lễ hội Xuân Giáp Thìn Thừa Thiên Huế ảnh 5

Góc nhìn xa hướng tới khu vực Đài phun nước.

Đến với đầu cầu Phú Xuân, AGS tự hào tái hiện đại cảnh thuyền rồng du lịch trên sông Hương. Ra đời từ đầu những năm 1990 của thế kỷ 20, thuyền rồng là một nét đẹp cổ kính, duyên dáng của vùng đất kinh kỳ, biểu tượng của ngành du lịch phát triển lâu đời và mạnh mẽ.

Dưới bàn tay chèo lái của những người vạn đò, chiếc thuyền rẽ đi giữa dòng Hương Giang thơ mộng, rực rỡ vươn lên giữa ngàn vạn đóa hoa bằng những nét cắt, cấu trúc bay bổng và phóng khoáng. Đại cảnh này là lời tri ân gửi đến biểu tượng văn hóa đặc sắc của cố đô, cũng như thể hiện sự tôn vinh đối với những người lao động đang miệt mài xây dựng nên vẻ đẹp xứ Huế.

Hình tượng rồng đậm chất cố đô tại Lễ hội Xuân Giáp Thìn Thừa Thiên Huế ảnh 6

Đại cảnh thuyền rồng du lịch sông Hương ở đầu cầu Phú Xuân.

Tiếp nối cảm xúc của những đại cảnh trước, Cầu Trường Tiền mở ra một không gian thơ mộng với con đường uốn lượn theo hình dáng của rồng. Điểm nhấn của thiết kế là vành nón Huế cách điệu, được sắp xếp khéo léo, tạo thành một tổng thể hài hòa, rực rỡ đặc trưng của ngày đầu năm mới nhưng không hề mất đi vẻ yêu kiều, sâu lắng của xứ Huế mộng mơ. Đây cũng là năm đầu tiên mà lễ hội Xuân trưng bày lan tại đại cảnh này để người dân địa phương có thể lui tới chụp ảnh và thưởng thức hoa xuân.

Hình tượng rồng đậm chất cố đô tại Lễ hội Xuân Giáp Thìn Thừa Thiên Huế ảnh 7

Không gian thơ mộng cạnh Cầu Trường Tiền.

Bên cạnh những đại cảnh hùng tráng, đường hoa Huế cũng được trang hoàng với những tiểu cảnh tinh tế, mang đậm màu sắc dân gian Huế. Các nét văn hóa cổ truyền và chi tiết của linh vật rồng được đội ngũ sáng tạo AGS trân trọng gửi gắm vào hình dáng, chất liệu của từng tiểu cảnh. Mỗi chiếc vảy rồng đều ẩn chứa những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả đội ngũ thiết kế, nhằm đem đến vẻ đẹp hoàn mỹ và tinh tế, xứng tầm “con rồng xứ Huế”.