Hiệu ứng từ mô hình “Bảo vệ dòng sông, khai thông dòng chảy”

NDO -

Tuy mới bắt đầu triển khai thực hiện từ đầu năm 2020 đến nay, nhưng mô hình “Bảo vệ dòng sông, khai thông dòng chảy” của Thành đoàn Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần làm cho thành phố thêm sáng, xanh, sạch đẹp, đặc biệt là nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường.

Các đoàn viên, thanh niên thể hiện tính tiên phong, không ngại khó
Các đoàn viên, thanh niên thể hiện tính tiên phong, không ngại khó

Theo anh Trương Thanh Đảo, Bí thư Thành đoàn Ngã Bảy: Lâu nay, vẫn có không ít người dân sống dọc theo các tuyến sông và các điểm chợ của thành phố Ngã Bảy còn thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi, càng làm cho tình hình rác thải trên sông ngày một nhiều, làm ảnh hưởng đến môi trường và dòng chảy của các tuyến kênh, sông trên địa bàn. Từ thực tế này, Ban Thường vụ Thành đoàn Ngã Bảy đã đưa ra sáng kiến xây dựng mô hình “Bảo vệ dòng sông, khai thông dòng chảy”. 

Mục tiêu của mô hình này là tiếp tục phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và tinh thần tiên phong của đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, làm cho thế giới ngày một sạch hơn. Đặc biệt là làm sao tạo được hiệu ứng phong trào chống rác thải nhựa và bảo vệ dòng sông quê hương trên địa bàn thành phố. 

Thế là ngay từ đầu năm 2020, đội xung kích được thành lập, với 7 thành viên là cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tham gia mô hình và được triển khai tại phường Ngã Bảy.

Khó khăn bước đầu là khó tránh khỏi, nhất là về kinh phí tổ chức, phương tiện đi lại trên sông để trục vớt rác. Vì không có phương tiện, các lực lượng gặp nhiều khó khăn trong vớt rác cặp mé sông.

Nhưng cũng chính việc làm ý nghĩa, có tính cộng đồng cao ấy, đã khơi dậy những tấm hảo tâm và đã tài trợ mua cho một chiếc ghe composite và một máy honda để thực hiện các hoạt động vớt rác trên các tuyến kênh, sông. 

Để tiện cho việc vớt rác, các đoàn viên tham gia mô hình đã “thiết kế” thêm tấm vỉ sắt đặt lên hai bên thành ghe, rồi dùng cây cù móc để vớt rác, rất tiện lợi. Từ việc làm có ý nghĩa này đã tạo sức lan tỏa, thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia.

Đến nay, mô hình có thêm nhiều thành viên mới, nâng tổng số lên 15 thành viên và địa bàn hoạt động được nhân rộng thêm hai phường (Hiệp Lợi và Lái Hiếu).

Hàng tháng các thành viên của mô hình sẽ luân phiên nhau ra quân để vớt rác dưới dòng sông, xử lý các điểm nóng về rác thải tại các công viên, chợ, các tuyến kênh, sông trên địa bàn thành phố.

Hiệu ứng từ mô hình “Bảo vệ dòng sông, khai thông dòng chảy” -0
 

Hôm gặp chúng tôi, em Nguyễn Quốc Nhân, đoàn viên của phường Ngã Bảy và là thành viên tham gia mô hình, bày tỏ: “Công việc vớt rác vừa cực, vừa dơ, nhưng em thấy rất vui, vì đã góp phần nhỏ bé của mình trong việc bảo vệ, gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp, bảo vệ dòng sông quê em, cũng như qua hình ảnh tụi em vớt rác, góp phần tuyên truyền bà con tiểu thương, người dân sống ven sông nâng cao ý thức, tích cực hơn trong bảo vệ môi trường”.

Có thể nói, hoạt động của mô hình cũng là một hình thức tuyên truyền trực quan rất sinh động. Chính hình ảnh đó, đã tạo hiệu ứng, sức lan tỏa rất lớn trong việc nâng cao ý thức, cùng nhau bảo vệ môi trường sống và được người dân hưởng ứng tích cực.

Bác Lê Ngọc Dũng, tiểu thương ở chợ Ngã Bảy, cho biết: “Trước đây, mặc dù có thùng rác công cộng, nhưng nhiều tiểu thương có thói quen là đổ rác thải xuống dòng sông Lái Hiếu này cho tiện, không phải xách đi xa. Nhưng nhìn tụi nhỏ đi nhặt từng võ, chai, cọng rác, đặc biệt là rác chợ rất dơ, thấy mà thương lắm. Vì thấy, người lớn chúng tôi cũng truyền nhau phải đổ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường chung”.

Còn cô Dương Thị Hoa ở khu vực 2, phường Lái Hiếu, nói rằng: “Do sống cặp sông Lái Hiếu, nên trước đây bà con có thói quen vứt rác xuống sông. Từ khi có các em dọn rác sạch sẽ dòng sông, ai cũng rất đồng tình hưởng ứng. Thay vì vứt rác xuống sông, nhiều bà con nơi đây để rác gọn gàng trước nhà và hàng ngày đều có xe rác trung chuyển của công ty công trình đô thị thu gom và đổ đúng nơi quy định”.

Bí thư Thành đoàn Ngã Bảy, Trương Thanh Đảo, cho biết: “Phát huy kết quả đạt được, tới đây, chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình này ra ba đơn vị còn lại của thành phố Ngã Bảy, gồm phường Hiệp Thành, xã Đại thành và Tân Thành, vì các đơn vị này đều có chợ gắn liền với các tuyến sông. Mục tiêu vẫn là làm sao để tạo hiệu ứng, lan toả sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên, người dân và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần cùng xây dựng xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị, làm cho bộ mặt thành phố Ngã Bảy ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp”.