Hiệu quả từ dự án ODA lĩnh vực y tế

Từ khi thành lập, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện khám, chụp động mạch vành cho gần một nghìn người bệnh. Trong số đó, hơn 600 người bệnh được can thiệp, đặt stent... cứu sống kịp thời.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Những năm trước đây Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Ninh chỉ có Khoa tim mạch, mỗi năm có cả trăm người bệnh bị chứng bệnh nhồi máu cơ tim cấp, gia đình họ phải hồi hộp, vất vả, tìm mọi cách vượt hàng trăm cây số đưa về bệnh viện tuyến trên ở tại Hà Nội để cấp cứu. Vất vả, lo âu nhất là những người bệnh nghèo, ở ngoài đảo và vùng sâu, vùng xa, dù đã được người thân đưa về BVĐK tỉnh, nhưng cũng chỉ được các thầy thuốc điều trị bằng phác đồ nội khoa, giúp bệnh tạm ổn định rồi chuyển lên các bệnh viện tuyến trên điều trị tiếp. Nhiều người bệnh hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, không lên được tuyến trên về nhà để rồi hằng ngày nơm nớp lo bệnh tái phát, lần sau nặng hơn lần trước, thậm chí đe dọa tính mạng.

Cách đây bốn năm, BVĐK tỉnh Quảng Ninh được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện loại một, Ban Giám đốc mong muốn có một trung tâm tim mạch (TTTM) hoàn chỉnh để khám, mổ tim, chụp động mạch vành, đặt stent và chữa các căn bệnh hiểm nghèo về tim mạch cho người bệnh. Nhưng đó là điều không phải dễ, vì muốn xây dựng một TTTM tương đối hoàn chỉnh phải có đủ hai yếu tố: Con người (vững tay nghề, hiểu biết chuyên môn sâu, say mê nghề nghiệp) và cơ sở vật chất (hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, từ các phòng khám đến các thiết bị y tế hiện đại).

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tại hội nghị xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã mời được một dự án ODA về y tế của Chính phủ Cộng hòa Áo cho bệnh viện tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 15 triệu ơ-rô. Theo Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Ninh Trịnh Văn Mạnh, lần đầu thực hiện một dự án ODA có đến hơn 180 hạng mục. Có hệ thống thiết bị y tế tim mạch chuyên sâu, hồi sức cấp cứu hiện đại, ngang tầm với các TTTM của các bệnh viện tuyến trung ương để mổ tim mở, nong động mạch vành, đặt stent động mạch vành và các mạch máu ngoại vi của động mạch thận, chân, tay; điều trị các rối loạn nhịp tim nguy hiểm, dễ gây tử vong.

Sau gần ba năm, toàn bộ hơn 180 hạng mục đã hoàn thành: Xây dựng hạ tầng cơ sở khang trang; mua sắm các thiết bị y tế mới, hiện đại và sắp xếp các thiết bị rất khoa học theo yêu cầu chuyên môn... Cùng với quá trình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, BVĐK tỉnh Quảng Ninh cũng ký hợp đồng về đào tạo thầy thuốc, chuyển giao công nghệ với các bệnh viện đầu ngành như: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Tim Hà Nội...

Chính nhờ kết quả của dự án, dù mùa đông năm ngoái có nhiều ngày rét đậm, số người bệnh nghi mắc bệnh nhồi máu cơ tim nhập viện khá đông, các thầy thuốc của trung tâm làm việc vất vả hơn nhưng đã cứu sống được nhiều người bệnh thuộc diện “nghìn cân treo sợi tóc”, trong đó nhiều người ở vùng biển đảo, vùng xa, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người. Bà Phạm Thị Ngọc ở huyện đảo Cô Tô, bị đau thắt ngực đột ngột dữ dội và hôn mê, được đưa về bệnh viện tỉnh bằng tàu thủy. Quá trình chiếu chụp, làm các xét nghiệm, gia đình đã nghĩ đến việc lo hậu sự. Nhưng sau đặt stent ba ngày, bà được xuất viện về với người thân.

Một trường hợp khác, các bác sĩ Bệnh viện TP Móng Cái liên lạc xin tư vấn về người bệnh Nguyễn Văn Mộc bị đau thắt ngực, tiên lượng rất xấu. Rào cản lớn nhất lúc này là khoảng cách từ Móng Cái về TP Hạ Long gần 200 km. Hai bệnh viện lên phương án: Bệnh viện Móng Cái chở người về, bệnh viện tỉnh cử phương tiện cùng cán bộ đi đón. Gặp nhau ở thị trấn Tiên Yên, hai bên bàn giao người bệnh, sau khi xử lý nội khoa, người bệnh được đưa thẳng về BVĐK tỉnh. Tại đây, một ê-kíp chờ sẵn để chụp và triển khai các can thiệp. Nhờ được cấp cứu, can thiệp kịp thời, ba ngày sau anh Mộc được xuất viện, mạnh khỏe.