Cô giáo Vũ Thị Ánh Tuyết, giáo viên chủ nhiệm lớp 8C1 Trường trung học cơ sở Tô Hiệu (Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: Trong một năm học có tối thiểu ba lần họp cha mẹ học sinh thì các cuộc họp đều được giáo viên đổi mới và có những hình thức tổ chức khác nhau. Để có một cuộc họp thành công thì mỗi giáo viên sẽ tự xây dựng kịch bản họp của lớp.
Cụ thể, trước ngày diễn ra cuộc họp, các học sinh trong lớp tự tay thiết kế sơ đồ tư duy trên khổ giấy A0, viết những nhận xét ưu điểm và nhược điểm cũng như những đề xuất, mong muốn với cô giáo, nhà trường và cha mẹ học sinh.
Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn áp dụng trò chơi đổi vai làm giáo viên và học sinh để thấu hiểu, cảm thông, để đồng hành cùng giáo viên và các con.
Theo cô giáo Tuyết, mục đích mà cô muốn hướng đến mỗi dịp họp cha mẹ học sinh là học sinh được chia sẻ, cha mẹ hiểu con hơn; nắm bắt kịp thời những thay đổi tâm sinh lý của các con và đưa ra các biện pháp giáo dục tốt nhất.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển toàn diện cho học sinh, Trường tiểu học chất lượng cao Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) còn quan tâm đến việc trao đổi, chia sẻ và đồng hành cùng các bậc cha mẹ học sinh.
Cô giáo Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước đây, cuộc họp cha mẹ học sinh chỉ có giáo viên nói, phổ biến các khoản đóng góp. Trong môi trường sư phạm, cần phải có sự vào cuộc, đồng hành, gắn kết giữa cha mẹ học sinh và nhà trường.
Vì vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên đổi mới phương pháp họp cha mẹ học sinh. Trong cuộc họp, không chỉ giáo viên làm diễn giả mà học sinh cũng được phân công báo cáo tình hình học tập, kỷ luật của lớp, được biểu diễn văn nghệ, việc làm này giúp các con tự tin trình bày trước đám đông. Qua đó, cha mẹ sẽ thấy được con mình đã trưởng thành như thế nào.
Bên cạnh đó, cha mẹ học sinh cũng được phát biểu những tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của mình với nhà trường. Mỗi một học kỳ, các giáo viên chủ nhiệm sẽ có sự thay đổi trong cuộc họp bằng nhiều hình thức khác nhau để tạo hiệu quả cho cuộc họp.
Nhằm hướng đến một trường học hạnh phúc, lấy học sinh làm trung tâm, theo cô giáo Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhà trường không chỉ đổi mới trong công tác giảng dạy mà còn đổi mới cả trong công tác chủ nhiệm lớp.
Những buổi họp cha mẹ học sinh là dịp để giáo viên, các bậc cha mẹ và học sinh thấu hiểu nhau hơn, từ đó tìm được sự đồng thuận trong phương pháp giáo dục. Trước các buổi họp, các con tự mình nhìn nhận lại bản thân; tự đánh giá góp ý cho nhau; tự làm báo cáo tổng kết và tự xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện trong thời gian tới...
Trong buổi họp, các con được tự tay chuẩn bị không gian tiếp đón bố mẹ, được tự báo cáo bằng nhiều hình thức thú vị và sáng tạo theo cách riêng của các em; được dẫn dắt toàn bộ nội dung chương trình. Nhà trường kỳ vọng mỗi buổi họp sẽ là một câu chuyện, một kỷ niệm đẹp mà ở đó cha mẹ học sinh và giáo viên được chứng kiến sự trưởng thành, bản lĩnh, sự thông minh sáng tạo của các con hơn là câu chuyện điểm số hay thành tích thông thường.
Ấn tượng với hình thức tổ chức họp cha mẹ học sinh, chị Bùi Thị Liên Hương, có con đang là học sinh Trường tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Cô giáo chủ nhiệm lớp rất tâm lý, trong quá trình nhận xét về những học sinh học chưa tốt, cô không nêu tên cụ thể và chủ động trao đổi riêng với cha mẹ.
Ngoài ra, cô còn dành thời gian để giải đáp và tháo gỡ những thắc mắc của các bậc cha mẹ. Trên mỗi bàn học còn có những tấm thiệp nhỏ do cô và các con tự làm để cha mẹ có thể gửi gắm những tình cảm yêu thương của mình đến các con.
Chị Nguyễn Minh Thu, có con đang học tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) mong muốn khi đến họp được lắng nghe giáo viên trao đổi về tình hình học tập cũng như chia sẻ phương pháp học tập và cách dạy con học sao cho hiệu quả. Với hình thức này, sẽ làm giảm đi những căng thẳng trong cuộc họp cũng như chú trọng đến sự phát triển của các con.
Có thể thấy, các trường học đã rất chú trọng đến công tác đổi mới hình thức họp cha mẹ học sinh. Với những sáng tạo, tâm huyết của nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã khiến cuộc họp sẽ trở nên ý nghĩa và thiết thực hơn, góp phần vào công tác đổi mới giáo dục hiện nay.