Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ được thành lập từ năm 2008 do các gia đình người Dao ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì thành lập. Ngay từ ban đầu, hợp tác xã khai thác giá trị vùng nguyên liệu chè Shan tuyết bản địa, sản xuất các sản phẩm chè hữu cơ nhằm tạo sự khác biệt, lợi thế so sánh với các sản phẩm chè trong nước.
Do đó, hợp tác xã đã liên kết với các hộ trồng chè, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái cho người dân, bảo đảm vùng nguyên liệu không bị tác động bởi thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời phối hợp các ngành chức năng xây dựng vùng chè Shan tuyết hữu cơ. Hiện nay, hợp tác xã có 140ha chè Shan tuyết được cấp giấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và 270ha tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.
Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ Lý Mùi Mương, hiện hợp tác xã có sáu dòng sản phẩm khác nhau mang thương hiệu Fìn Hò Trà. Bình quân mỗi năm, hợp tác xã thu mua từ 650 tấn đến 900 tấn chè búp tươi của người dân, tiêu thụ từ 90 đến 100 tấn chè thành phẩm. Ngoài thị trường Việt Nam, đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc. Doanh thu của hợp tác xã đạt bình quân 10 tỷ đồng/năm.
Thôn Phìn Hồ có 50 hộ dân chăm sóc gần 70ha chè Shan tuyết cổ thụ. Từ khi Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ thành lập, chè búp tươi của người dân đã có đầu ra ổn định với giá thành cao. Hiện nay, người dân chủ yếu thu hái chè búp tươi để chế biến ra các sản phẩm chè chất lượng cao như bạch trà, hồng trà với giá bán bình quân từ 250 nghìn đến 300 nghìn đồng/kg tùy từng loại. Mỗi năm, sản lượng chè thu hái của thôn được hơn 40 tấn, đem lại nguồn thu lớn và ổn định cho người dân. Từ một thôn vùng cao nghèo khó, đời sống của người dân thôn Phìn Hồ nay đã thay đổi nhờ nghề làm chè, cả thôn không còn hộ đói nghèo, một số hộ chịu khó đã có của ăn của để.
Để phát triển chuỗi giá trị chè hữu cơ, tỉnh Hà Giang sớm triển khai các chính sách hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng chè theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng chỉ dẫn địa lý vùng chè Hà Giang; hỗ trợ đầu tư công nghệ chế biến cho các cơ sở sản xuất. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển chuỗi giá trị chè hữu cơ. Trọng tâm là xây dựng hồ sơ để cấp giấy chứng nhận chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho gần 12.000ha; xây dựng và được công nhận chỉ dẫn địa lý “Chè Shan tuyết Hà Giang” cho gần 17.000ha; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong các cơ sở chè, đã có 14 cơ sở được cấp chứng nhận HACCP, ISO.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang Hoàng Hải Lý cho biết: Để phát triển chuỗi liên kết sản xuất chè hữu cơ một cách bền vững, tỉnh đã phân định diện tích từng vùng chè, từ đó định hướng vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến liên kết với người dân sản xuất chè hữu cơ. Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đổi mới công nghệ, thay đổi tập quán sản xuất để làm chè sạch.
Từ các chính sách phát triển chuỗi giá trị chè hữu cơ, định hướng phân vùng nguyên liệu cho nên tại các vùng chè Shan tuyết của tỉnh đều đã hình thành được mối liên kết giữa cơ sở chế biến và người dân từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái cho đến chế biến. Hiện đã có hơn 60 cơ sở chế biến, doanh nghiệp, hợp tác xã được phân vùng nguyên liệu và hình thành mối liên kết với gần 10 nghìn hộ trồng chè riêng lẻ để sản xuất, chế biến ra các sản phẩm chè hữu cơ.
Việc hình thành mối liên kết để xây dựng chuỗi giá trị chè hữu cơ giúp các cơ sở chế biến có vùng nguyên liệu ổn định về sản lượng, giá thành đầu vào, bảo đảm chất lượng. Người làm chè cũng được hỗ trợ về kỹ thuật để vườn chè phát triển tốt, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm chè búp tươi ổn định với giá thành hợp lý.
Với sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh mỗi năm hơn 90 nghìn tấn, không chỉ người dân ở thôn Phìn Hồ mà ở nhiều xã, thôn vùng cao ở các huyện Vị Xuyên, Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang cũng có thu nhập ổn định từ việc liên kết sản xuất, chế biến chè Shan tuyết hữu cơ. “Thời gian tới ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai các chính sách để người dân, các cơ sở chế biến tiếp cận với nguồn vốn xây dựng và duy trì vùng nguyên liệu sạch, đổi mới công nghệ chế biến, mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại. Triển khai các chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến chè quy mô lớn, là đầu tàu, “bà đỡ” cho các cơ sở chế biến nhỏ, lẻ”, ông Hoàng Hải Lý khẳng định.