Hiện, mức cho vay theo dự án nhóm, hộ tại địa phương đã nâng từ 30 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ và từ 300 triệu đồng/nhóm lên 600 triệu đồng/nhóm, mở ra cơ hội mới cho phát triển các mô hình kinh tế tập thể tại địa phương.
Giúp nông dân đa dạng sinh kế
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận Lê Thanh Hùng cho biết: Trước năm 2011, khi chưa thực hiện Đề án "Thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh Thuận", nguồn vốn ủng hộ của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh chỉ có 182 triệu đồng. Từ khi thực hiện đề án đến nay, nguồn vốn đã tăng lên hơn 26,7 tỷ đồng, tăng rất nhiều lần so với trước đây và tăng hơn 1,2 tỷ đồng so với chỉ tiêu đề án đặt ra. Hoạt động từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp các cấp hội xây dựng nhiều mô hình kinh tế theo hướng thiết thực, hiệu quả, giúp cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chúng tôi về thăm huyện Thuận Nam, một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc có sừng. Tại hộ nông dân Thập Văn Quá ở thôn Phước Lập-Tam Lang, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, một trong những nông dân được địa phương đánh giá là hộ tiêu biểu về phát triển kinh tế nhờ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, cuộc sống gia đình hiện nay đã ổn định, có điều kiện nuôi các con học tập.
Ông Thập Văn Quá chia sẻ: "Trước đây, do không có vốn đầu tư sản xuất cho nên thu nhập từ ba sào lúa (3.000 m2) sản xuất hai vụ/năm không đủ trang trải cuộc sống. Đầu năm 2023, thông qua Hội Nông dân xã Phước Nam, tôi được Hội Nông dân huyện Thuận Nam xét duyệt cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân mua một con bò đực, ba con bò cái để nuôi sinh sản. Đến đầu năm 2024, ba con bò cái đã sinh được ba bê con, nâng tổng đàn bò của gia đình lên bảy con. Dự định cuối năm 2024, tôi sẽ bán hai con bò đực để lấy tiền sửa lại nhà ở. Nhờ thu nhập từ nuôi bò sinh sản kết hợp với sản xuất hơn 100 triệu đồng/năm, cuộc sống cải thiện hơn trước nhiều".
Còn anh Lê Quyết Chiến ở thôn Nhị Hà 2, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam cho biết: "Nhờ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, hơn hai năm qua, gia đình tôi có điều kiện cải tạo lại vườn và đầu tư trồng sáu sào (6.000 m2) cây mãng cầu (cây na). Hiện, toàn bộ diện tích trồng đều phát triển tốt, vườn cây mãng cầu đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm". Mô hình này được nhân rộng, nhiều hộ trong vùng cũng đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao trên nền đất cũ, thu nhập tăng đáng kể, đời sống của người dân ngày tốt hơn trước rất nhiều.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Nam Trần Quốc Hoàn cho biết: Từ năm 2014 đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã giải ngân thực hiện 59 dự án, với gần 13 tỷ đồng; trong đó, có 47 dự án chăn nuôi bò, dê sinh sản và vỗ béo, ba dự án cây ăn quả, một dự án thủy sản, một dự án tưới nước tiết kiệm. Hầu hết hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đã phát triển sản xuất và vươn lên khá giả. Thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều tổ, nhóm nông dân đã liên kết, hợp tác giúp nhau phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tháng 9/2023, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện hai dự án giảm nghèo, gồm: Dự án hỗ trợ trồng táo liên kết theo chuỗi giá trị tại thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn với tổng kinh phí 3,3 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách nhà nước 36%, vốn đối ứng của hộ dân 64%) cho 25 hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo tham gia theo hình thức liên kết với doanh nghiệp sản xuất trong 36 tháng và Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị tại thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc hơn 900 triệu đồng, ưu tiên hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến thăm vườn táo trĩu quả đang cho thu hoạch của hộ nông dân Dương Tấn Chín ở thôn Nha Húi, xã Nhơn Sơn, ông Chín bộc bạch: "Trước đây, hai sào (2.000 m2) đất của gia đình chủ yếu trồng các loại rau, màu, thu nhập rất bấp bênh, nhưng từ tháng 9/2023, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, tôi chuyển sang trồng táo theo tiêu chuẩn táo sạch, mọi chi phí đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc được doanh nghiệp hỗ trợ, nay thu hoạch lứa đầu tiên hơn hai tấn, doanh nghiệp bao tiêu với giá 12.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, tôi lãi hơn 30 triệu đồng, nhờ đó, kinh tế gia đình khởi sắc hơn".
Đến nay, đa số diện tích táo thuộc dự án hỗ trợ đều phát triển tốt, có 20/25 hộ đã thu hoạch táo, năng suất bình quân khoảng 1,2 tấn/sào. Sản phẩm đầu ra được Hội Nông dân liên kết với doanh nghiệp bao tiêu với giá ổn định 12.000 đồng/kg, giúp nông dân thôn Nha Húi an tâm sản xuất.
Nhiều hộ tận dụng đất trống dưới giàn táo để trồng cỏ, nuôi dê, tăng thêm thu nhập để vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong sáu tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức giải ngân cho 26 dự án/194 hộ, với kinh phí hơn 7,7 tỷ đồng, phối hợp hệ thống ngân hàng giúp hội viên phát triển sản xuất, với tổng dư nợ hơn 2.000 tỷ đồng.
Tháo gỡ khó khăn cho Quỹ hỗ trợ nông dân
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận Lê Thanh Hùng, thực tế trong nhiều năm qua, "rào cản" lớn nhất đối với hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển kinh tế gia đình là thiếu vốn sản xuất và thiếu khoa học-kỹ thuật. Nay, cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc và đã từng bước tháo gỡ được "rào cản" bằng cách trao cho người nghèo "chiếc cần câu", như: Hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, đào tạo nghề, chia sẻ kinh nghiệm..., giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong các cấp Hội Nông dân đã góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo nhanh, bền vững. Các mô hình tiên tiến, xây dựng nông thôn mới; thực hiện sản xuất thực phẩm an toàn gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phong trào "Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" tiếp tục được duy trì và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, hiện tại nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân để đầu tư các mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao,… còn rất nhiều, nhưng nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân chưa tương xứng, chưa đáp ứng được mong muốn. Nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách cấp bổ sung, việc vận động ủng hộ còn gặp khó khăn do trùng lặp nhiều cuộc vận động khác của tỉnh, nên chưa đạt yêu cầu, rất mong được Trung ương và tỉnh quan tâm hơn nữa để tăng nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân hoạt động tốt hơn.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung và phương thức hoạt động, nhất là hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhằm tiếp tục trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nông dân; đồng thời là điều kiện, phương tiện, công cụ cho hoạt động công tác của Hội.
Hội cũng sẽ triển khai mạnh mẽ chương trình phối hợp với các ngân hàng Chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn để hỗ trợ vốn giúp nông dân liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh tham gia các chuỗi liên kết giá trị; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, ưu tiên hỗ trợ vốn cho các dự án nhóm hộ, nhằm tập hợp những hội viên nông dân để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển chi/tổ Hội Nông dân nghề nghiệp làm tiền đề xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi tư duy từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp vì ba mục tiêu: năng suất cao, chất lượng cao và giá trị cao.
"Trong tháng 7/2024, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận và Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2024-2030. Theo đó, hai bên phấn đấu đến năm 2030 hỗ trợ thành lập mới ít nhất năm hợp tác xã và 60 tổ hợp tác nông nghiệp, có ít nhất 45% số hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập; có khoảng 30% số hợp tác xã được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững", Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận Lê Thanh Hùng nói.