Hiệu quả “ngân hàng dê” ở vùng biên giới Sơn La

NDO - Tại các xã vùng biên giới của tỉnh Sơn La, có nhiều câu chuyện, việc làm ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã và đang được lan tỏa. Trong đó, phải kể tới câu chuyện học tập Bác và vận dụng vào thực tiễn của những người lính áo xanh, góp phần làm đổi thay cuộc sống của đoàn viên thanh niên người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ bàn giao “ngân hàng dê” cho gia đình đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn xã Chiềng Khương.
Lễ bàn giao “ngân hàng dê” cho gia đình đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn xã Chiềng Khương.

Sơn La là tỉnh còn nghèo, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các bản vùng cao biên giới, nhiều bạn trẻ thường kết hôn khá sớm. Do vậy, nhiều cặp vợ chồng còn quá trẻ, kinh nghiệm sống để phát triển kinh tế chưa có, dẫn tới những cái khó khăn cứ đeo đẳng mà không lối thoát.

Trước thực trạng đó, mô hình "ngân hàng dê" ra đời nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Đây là một mô hình rất ý nghĩa và thiết thực do Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương (Bộ đội Biên phòng tỉnh) và Đoàn xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) phối hợp thực hiện.

Học Bác từ việc nhỏ

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, chia sẻ: "Dù là việc làm nhỏ, nhưng mô hình “ngân hàng dê” là nội dung tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa 12 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” gắn với đó là Nghị quyết của Đảng ủy xã Chiềng Khương và chương trình hành động của Đoàn xã về "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp". Chương trình đã đáp ứng được yêu cầu và sự cần thiết của đoàn viên thanh niên đang cần được giúp đỡ, hỗ trợ phát triển kinh tế”.

Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách” hai đơn vị đã tự nguyện đóng góp gây quỹ để mua dê giống. Ngay khi đề xuất và đi vào hoạt động đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ lãnh đạo của hai đơn vị, đặc biệt là bà con nhân dân nơi đây đồng tình ủng hộ cao.

Trung tá Mùa Láo Thắng, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương, chia sẻ: “Chiềng Khương là xã biên giới của huyện Sông Mã, có 21 bản trong đó có tám bản giáp biên với bốn dân tộc Kinh, Thái, Xinh Mun và Khơ Mú cùng sinh sống. Nhiều bạn trẻ là đoàn viên thanh niên đồng bào dân tộc mới lập gia đình muốn vươn lên trong cuộc sống mà không có kinh nghiệm thực tiễn hay những kiến thức khoa học để áp dụng vào cuộc sống”.

Hiệu quả “ngân hàng dê” ở vùng biên giới Sơn La ảnh 1

Đàn dê của gia đình đoàn viên Lò Văn Khoản, bản Híp, xã Chiềng Khương đã sinh sản.

Thấu hiểu những khó khăn trên, Chi Đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương và Đoàn xã Chiềng Khương đã tích cực phối hợp, chủ động tham mưu với cấp ủy hai đơn vị xây dựng mô hình “ngân hàng dê” và đưa mô hình vào chương trình hành động trọng tâm gắn với tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Hiện mô hình này đã bước vào năm thứ sáu và khẳng định được tầm quan trọng, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang lại hiệu quả rất thiết thực, rõ nét, hỗ trợ được nhiều gia đình trẻ vùng biên giới có nguồn thu nhập ổn định.

Sau khi đóng góp tiền để mua dê giống, sẽ được trao cho những gia đình đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn luân phiên nuôi rẽ (tức là khi dê mẹ đẻ xong là sẽ chuyển tiếp dê bố mẹ sang cho hộ gia đình khó khăn khác tiếp theo để nuôi gây giống). Hội đồng quản trị của “ngân hàng dê” do hai đơn vị đứng ra tổ chức điều hành.

Hiệu quả từ việc nuôi rẽ dê

Với số vốn ít ỏi ban đầu của các chiến sĩ quân hàm xanh và Đoàn xã Chiềng Khương tự đóng góp đã mua được tám con dê giống địa phương để nuôi rẽ. Qua thời gian đầu nuôi thấy chậm lớn và những con trưởng thành không được to chỉ đạt từ 20kg đến 25kg/con, do vậy hai đơn vị đã bàn bạc thống nhất chuyển sang nuôi giống dê Boer. Đây là loại giống dê lai, nuôi thuần tính và có khả năng thích nghi với khí hậu thời tiết khắc nghiệt nơi đây, sức đề kháng bệnh tốt, ăn tạp, với điều kiện đồi núi nơi đây rất phù hợp việc chăn thả.

Đến thăm gia đình anh Cầm Văn Thảo, ở bản Bó, xã Chiềng Khương, là một gia đình đoàn viên có hoàn cảnh rất khó khăn, tuổi đời còn rất trẻ, hai vợ chồng cưới nhau năm 2016, bố anh Thảo thì bị tai biến, nằm liệt một chỗ, bao nhiêu tiền của làm được đều bán đi để mua thuốc chăm lo dưỡng bệnh cho bố.

Hiệu quả “ngân hàng dê” ở vùng biên giới Sơn La ảnh 3

Bộ đội biên phòng cùng Đoàn xã hướng dẫn anh Nguyễn Văn Duy, hộ đoàn viên hoàn cảnh khó khăn cách chăm sóc cây nhãn.

Năm 2018 gia đình anh Thảo được chuyển giao “ngân hàng dê” từ Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương và Đoàn xã Chiềng Khương. Đến nay anh chị đã nuôi và phát triển đàn dê hơn 40 con. Đây được coi là quỹ dự phòng của gia đình khi có việc đột xuất là có thể bán để giải quyết được ngay và giúp gia đình anh ổn định được cuộc sống, sắm sửa ti-vi mới, tủ lạnh, xe máy và một số đồ gia dụng khác và có tiền bảo đảm cho các con ăn học.

Anh Cầm Văn Thảo, chia sẻ: “Vừa qua tôi không may bị tai nạn giao thông nặng, đe dọa đến cả tính mạng, nếu không có đàn dê này bán để cứu chữa kịp thời thì có thể sẽ ảnh hưởng đến cả sinh mạng và nay sức khỏe của tôi đã dần được hồi phục”.

Với Mô hình “ngân hàng dê” này đã được một số hộ gia đình ở xã khác học tập làm theo. Điển hình như gia đình anh Quàng Văn Đôi, bản Núa Chò, xã Pi Tong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Năm 2019 có dịp đến thăm người thân tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, anh đã bắt gặp mô hình nuôi dê này. Qua đây anh đã tham khảo học tập, đến nay dê đã sinh sản, phát triển rất tốt với hơn 30 con. Tháng ba vừa qua anh đã bán đi 8 con để mua vật tư về chăm sóc vườn xoài. Thấy gia đình anh Đôi nuôi dê phát triển tốt nên một số hộ gia đình khác trong bản cũng đang làm theo.

Hiệu quả “ngân hàng dê” ở vùng biên giới Sơn La ảnh 4

Đàn dê của gia đình anh Quàng Văn Đôi, bản Núa Chò, xã Pi Tong, huyện Mường La.

Qua 5 năm thực hiện mô hình “ngân hàng dê”, từ 8 con dê bố mẹ ban đầu chuyển cho hai hộ, đến nay đã có 8 hộ đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Chiềng Khương được tiếp nhận “ngân hàng dê” với tổng đàn hơn 100 con. Các hộ nhận nuôi rẽ dê giờ đều ổn định được cuộc sống. Với lợi thế và điều kiện thực tế của cơ sở, đây thật sự là hướng đi đúng đắn giúp đoàn viên, thanh niên chuyển đổi và định hướng được mô hình chăn nuôi phù hợp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, là hướng phát triển kinh tế gia đình ổn định và bền vững ở khu vực biên giới.