Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số tìm việc làm

Đắk Rông và Hướng Hóa là hai huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị có số người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 60% số dân, trong đó tỷ lệ lao động có nhu cầu tìm việc làm rất lớn. Vì vậy, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị xác định, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hướng đi phù hợp để tạo sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy xã hội phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Thanh niên dân tộc thiểu số huyện Đắk Rông (Quảng Trị) tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động.
Thanh niên dân tộc thiểu số huyện Đắk Rông (Quảng Trị) tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tà Rụt Hồ Văn Phong cho biết, có hơn 30 đoàn viên, thanh niên của xã tham gia chương trình giao lưu, đối thoại việc làm đợt này. Đa số các đoàn viên, thanh niên chưa có việc làm ổn định, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhờ chương trình, các đoàn viên, thanh niên được hiểu hơn về các chính sách thiết thực của trung ương và tỉnh quan tâm đến người dân tộc thiểu số (DTTS) cho nên họ đã mạnh dạn tìm hiểu và đăng ký tìm việc làm.

Trước đó, trên địa bàn xã đã có người XKLĐ nhưng chưa nhiều. Từ đầu năm 2022 đến nay, có 12 thanh niên được tuyển dụng sang Nhật Bản làm việc. Hy vọng trong đợt này, từ ý chí quyết tâm của các đoàn viên, thanh niên cùng với sự tư vấn nhiệt tình của các đơn vị, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều lao động địa phương được tuyển dụng đi XKLĐ để thoát nghèo. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Rông Thái Ngọc Châu cho biết thêm, trong 10 tháng đầu năm 2022, huyện có 86 người DTTS tham gia XKLĐ.

Thực tế cho thấy, việc đi XKLĐ tạo việc làm ổn định, thu nhập cao hơn nhiều so với công việc ở nhà. Người lao động đã gửi tiền làm được từ công việc của mình để hỗ trợ cho gia đình, người thân. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện. Nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ có người thân đi làm việc ở nước ngoài.

Tại huyện miền núi Hướng Hóa, theo kế hoạch trong năm 2022 địa phương đẩy mạnh XKLĐ, phấn đấu đưa 60 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, ưu tiên các đối tượng lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS. Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Trần Trọng Kim cho biết, để thực hiện kế hoạch này, huyện triển khai các giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền đối với công tác XKLĐ.

Đặc biệt, huyện tìm hiểu lựa chọn các công ty, doanh nghiệp tư vấn, dịch vụ việc làm, tuyển dụng có trách nhiệm để mở rộng thị trường lao động gắn với việc làm ổn định, tạo thu nhập cao và phù hợp điều kiện làm việc, sinh hoạt và trình độ của người tham gia XKLĐ.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa nguồn nhân lực ở huyện miền núi đi XKLĐ, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hướng Hóa tổ chức cập nhật, phân tích, dự báo thị trường lao động để có những định hướng đúng cho việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ XKLĐ đối với nguồn lực lao động là người DTTS, các lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục, hồ sơ, vay vốn cho người tham gia XKLĐ.

Nhờ làm tốt công tác này, đến nay, huyện Hướng Hóa có 59 người được tuyển dụng XKLĐ sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc…, trong đó có 19 lao động là người DTTS. Các gia đình có người đi XKLĐ cơ bản thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Quan trọng hơn, nhận thức về việc đi XKLĐ của người dân có sự thay đổi lớn, giải quyết được nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất của người dân ở các huyện miền núi. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, anh Hồ Văn Păng, sinh năm 1995, người dân tộc Vân Kiều, ở thôn Tà Rùng, xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa) chia sẻ: “Tôi đi XKLĐ sang thị trường Nhật Bản trong thời hạn ba năm. Tháng 3/2022, tôi sang Nhật Bản và bắt đầu làm công việc ở ngành nông nghiệp. Nhờ chăm chỉ, chịu thương chịu khó học hỏi và lao động, hằng tháng, tôi đều trích được một phần thu nhập của mình để gửi về cho gia đình ở quê nhà”.

Kết quả đạt được về XKLĐ thời gian qua của hai huyện miền núi Đắk Rông và Hướng Hóa là nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và cách làm kiên trì, khéo léo của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị Lê Nguyên Hồng khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước, ổn định cuộc sống, đặc biệt là người lao động đang sinh sống, cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, ở huyện nghèo, huyện miền núi đã góp phần giúp các địa phương chuyển biến, khởi sắc.

Ủy ban nhân dân và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp các địa phương, doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động và tuyển chọn, tạo điều kiện cho thanh niên DTTS tham gia XKLĐ ngày càng nhiều hơn nhằm đạt mục tiêu tạo việc làm và tăng thu nhập bền vững cho người dân miền núi.