Hiệu quả luân chuyển cán bộ ở Bảo Thắng

NDO - Với phương châm “việc tìm người”, “lấy hiệu quả công việc làm thước đo, đánh giá cán bộ”, Huyện ủy Bảo Thắng (Lào Cai) đã tích cực luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở, tạo chuyển biến rõ nét ở địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải cách hành chính, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở các xã, thị trấn.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Đảng ủy thị trấn Phong Hải Vũ Trung Dũng (áo trắng, bìa trái) kiểm tra đổ bê tông đường giao thông đến hộ gia đình ở thôn Ải Nam, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Phong Hải Vũ Trung Dũng (áo trắng, bìa trái) kiểm tra đổ bê tông đường giao thông đến hộ gia đình ở thôn Ải Nam, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) Vũ Trung Dũng cùng chúng tôi đến thôn Ải Nam, địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, là một trong những địa bàn xa xôi, khó khăn, nhất là về đường giao thông và tỷ lệ hộ nghèo cao của thị trấn Phong Hải.

Từ thực tế đó, để phát triển kinh tế, xóa nghèo nhanh và bền vững, Đảng ủy thị trấn Phong Hải tập trung “đột phá” làm đường giao thông nông thôn, tạo “mạch máu” lưu thông, thúc đẩy nuôi trồng cây, con phù hợp theo hướng hàng hóa, giao thương thuận lợi để tăng giá bán và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Đang cùng người dân trực tiếp đổ bê tông đoạn đường liên gia đến 9 hộ dân cuối cùng ở khu Đồi chè, Trưởng thôn Cư Seo Mười báo cáo nhanh với Bí thư Dũng về tiến độ, kết quả làm đường giao thông, trồng chè và chuối xuất khẩu.

Anh Mười phấn khởi cho biết, Bí thư Dũng thường xuyên sâu sát, có mặt kiểm tra và đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, cho nên bà con trong thôn tin tưởng và tự nguyện hiến đất, góp công để làm đường giao thông, đến nay đã cứng hóa toàn bộ hệ thống đường trục thôn và đường đến từng hộ của thôn Ải Nam, việc đi lại thuận tiện, dễ dàng. Bà con trồng chè, nuôi gà đen bản địa, làm du lịch sinh thái để tăng thu nhập, xóa nghèo, vươn lên khá giả.

Đồng chí Vũ Trung Dũng được luân chuyển từ Trưởng phòng Tư pháp huyện Bảo Thắng về làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Phong Hải từ tháng 3/2020, mới hơn 2 năm nhưng đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét ở địa phương, nổi bật là phát triển hệ thống giao thông theo hướng cứng hóa.

Cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, thị trấn Phong Hải huy động bà con dân tộc thiểu số ở các thôn vùng cao, vùng sâu hiến hơn 30 nghìn m2 đất, đóng góp hơn 2,2 tỷ đồng để làm 46 tuyến đường giao thông nông thôn, với chiều dài 52,8km; trong đó, đã cứng hóa 39 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 42,8km, bảo đảm đi lại và giao thương hàng hóa thuận lợi 4 mùa.

Hiệu quả luân chuyển cán bộ ở Bảo Thắng ảnh 1

Đồng chí Phạm Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Gia Phú (người mặc áo màu xanh) kiểm tra sản phẩm tinh bột nghệ đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh ở Hợp tác xã nông sản, dược liệu Mạnh Hương.

Ở xã Gia Phú, chúng tôi trao đổi với Bí thư Đảng ủy Phạm Văn Tùng về phát triển nông nghiệp xanh, xây dựng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP để đưa địa phương trở thành “trung tâm” OCOP, đạt tới gần một nửa số sản phẩm OCOP của toàn huyện.

Đánh giá đúng, phân tích kỹ lợi thế vùng đất bãi ven sông Hồng, có trục đường chính là quốc lộ 4E đi qua, gần Khu công nghiệp Tằng Loỏng và thành phố Lào Cai, Đảng ủy xã Gia Phú ra nghị quyết tập trung phát triển nông sản, thực phẩm sạch theo hướng sản lượng lớn và đạt chuẩn OCOP, gắn với chế biến để có thị trường tiêu thụ ổn định, đạt giá trị gia tăng cao.

Hiện tại, xã Gia Phú đã quy hoạch vùng rau chuyên canh gần 20ha, hằng năm cung cấp ra thị trường hơn 800 tấn rau, củ, quả các loại với chất lượng cao, bảo đảm an toàn, đạt giá trị canh tác 150 triệu đồng/ha.

Nhờ xác định đúng hướng, Gia Phú hiện có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, đó là thịt trâu sấy, thịt lợn sấy, tinh bột nghệ, trà bí đao... Nhờ vậy, sản phẩm tiêu thụ tốt, tạo thu nhập ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Qua nhiều lần luân chuyển vị trí cán bộ, đồng chí Phạm Văn Tùng đã phát huy trình độ chuyên môn về tài chính, tác phong sâu sát, am hiểu đời sống đồng bào khi cùng tập thể Đảng ủy lãnh đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết đề ra, hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở địa phương, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh.

Khi được luân chuyển về xã Gia Phú, đồng chí Tùng cho rằng, mình có điều kiện được tiếp cận, học hỏi và làm việc trong 1 môi trường với nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề tổng thể hơn, từ đó, có điều kiện để học hỏi, rèn luyện và trưởng thành hơn.

Huyện ủy Bảo Thắng xác định, luân chuyển cán bộ một mặt giúp địa phương, cơ quan, đơn vị cấp dưới tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cán bộ, mặt khác tạo điều kiện cho cán bộ được học tập, từng bước nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, tổ chức và điều hành, đồng thời tạo điều kiện để rèn luyện, thử thách cán bộ trong công việc.

Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy Bảo Thắng Nguyễn Đức Dũng cho biết, Huyện ủy ban hành Quy định số 11 và Kế hoạch số 35 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo từ huyện xuống xã, thị trấn; luân chuyển giữa các xã, thị trấn với nhau và luân chuyển giữa ngành này sang ngành khác.

“Khi đưa cán bộ có năng lực cao tại các phòng, ban của huyện về công tác tại xã, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương với nhau, huyện ủy ưu tiên cán bộ trẻ và sắp xếp vị trí lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương”, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Đức Dũng cho biết.

Kết quả, từ năm 2017 đến nay, Huyện ủy Bảo Thắng đã luân chuyển 14 đồng chí về công tác tại các xã, thị trấn giữ chức vụ chủ chốt ở cơ sở; 3 đồng chí từ xã này sang xã khác; 1 đồng chí từ ngành này sang ngành khác.

Công tác sàng lọc, sắp xếp luân chuyển cán bộ đã khắc phục đáng kể tư tưởng cục bộ địa phương, tạo những thay đổi tích cực trong tác phong, phương pháp, lề lối làm việc.

Theo Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng Trần Minh Sáng, công tác luân chuyển, nhất là việc thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp xã không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp đã khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương, đơn vị; tránh được tình trạng “1 người làm quan, cả họ được nhờ”, quan hệ thân quen, chống chạy chức, chạy quyền; tránh được bè phái, tham nhũng đối với cán bộ làm việc ở những vị trí, ngành nghề, địa bàn mang tính nhạy cảm.

Khi đưa cán bộ có năng lực cao tại các phòng, ban của huyện về công tác tại xã, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương với nhau, huyện ủy ưu tiên cán bộ trẻ và sắp xếp vị trí lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Đức Dũng

Tiêu chí đánh giá cán bộ luân chuyển là căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ, lấy kết quả khắc phục những hạn chế, yếu kém làm thước đo. Nhờ đó, việc điều động, luân chuyển đã giúp tháo gỡ những nút thắt trong công tác cán bộ; giúp xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý trưởng thành, giàu kinh nghiệm, sáng tạo hơn, bản lĩnh chính trị vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu công việc đề ra.

Có những cán bộ đã sáng suốt trong lãnh đạo, sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức phát sinh từ thực tiễn vì lợi ích chung, tạo được bước phát triển mới, đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, góp phần xây dựng Bảo Thắng trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lào Cai.