Hiệu quả từ thực hiện luân chuyển cán bộ

Nhằm tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương, thời gian qua các cấp ủy đã thực hiện luân chuyển cán bộ gắn với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương. Việc này tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện, trưởng thành nhanh và toàn diện, vững vàng hơn.

Lãnh đạo xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản (Nam Ðịnh) thăm hỏi các hộ dân hiến đất làm đường.
Lãnh đạo xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản (Nam Ðịnh) thăm hỏi các hộ dân hiến đất làm đường.

Ði luân chuyển là dịp tự rèn luyện, trau dồi kiến thức, cọ xát với thực tiễn để trưởng thành, khẳng định phẩm chất, năng lực và trình độ của người cán bộ trước nhiệm vụ được tổ chức tin tưởng.

Khi cán bộ chủ chốt không là người địa phương

Thành phố Nam Ðịnh quyết tâm xây dựng thành phố văn minh, hiện đại gắn với đô thị thông minh, là trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng, giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu đó đặt ra yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân phải đồng lòng, nhất trí, cùng chung quyết tâm mới có thể hoàn thành khối lượng công việc lớn.

Ðồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nam Ðịnh được luân chuyển về làm Bí thư Thành ủy Nam Ðịnh vào cuối tháng 12/2019. Với kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm làm Bí thư Tỉnh đoàn, Bí thư Huyện ủy Vụ Bản, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy nên khi nhận nhiệm vụ mới tại thành phố Nam Ðịnh, đồng chí nhanh chóng nắm bắt tình hình địa phương, tiếp cận toàn diện các mặt công tác, sâu sát cơ sở, tạo sự liên hệ với nhân dân.

Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn luôn nêu gương trước những việc khó, phức tạp như giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công hàng chục dự án, công trình xây dựng hạ tầng có quy mô lớn. Ðồng chí trực tiếp cùng các thành viên Hội đồng giải phóng mặt bằng đến tận nhà người dân vận động, đối thoại, giải thích cho mọi người hiểu chủ trương, quyết tâm phát triển của thành phố, cũng như những lợi ích thiết thực của dự án. Nhờ đó, người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đồng thuận với phương án đền bù, đơn thư khiếu nại được giải quyết rốt ráo, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm thời gian thi công nhiều dự án, như: Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh, tuyến Hà Nội-TP Hồ Chí Minh, Khu đô thị mới phía nam sông Ðào thành phố Nam Ðịnh.

Ở huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên), cách đây chưa lâu, một số xã quản lý đất đai yếu kém, để xảy ra việc lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, gây bức xúc trong nhân dân; một số xã nội bộ mất đoàn kết... Tình hình này ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển chung của huyện.

Tháng 12/2020, Tỉnh ủy phân công, điều động, bố trí đồng chí Nguyễn Văn Ðoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Phù Cừ. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí cùng cấp ủy, chính quyền rà soát quy chế làm việc, đồng thời tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vấn đề, trong đó có công tác cán bộ. Huyện ủy đã tiến hành xử lý, kỷ luật nghiêm những cán bộ vi phạm; thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ, kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo ở một số xã, từng bước ổn định tình hình tại các địa bàn.

Theo đồng chí Lê Văn Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên, chuyển biến rõ nét nhất ở Phù Cừ là Huyện ủy đã ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, có trách nhiệm trước công việc và nhân dân; đã đề ra được những quyết sách phù hợp, nhằm khắc phục tồn tại, khơi dậy các nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Thực tế cho thấy, cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu cấp ủy khi không là người địa phương không những khắc phục được tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ mà còn giúp cấp ủy, chính quyền tại chỗ tiếp thu những vấn đề mới, tích cực trong tư duy, từ đó thay đổi lề lối, tác phong công tác, nâng cao trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Luân chuyển cán bộ cũng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý sớm trưởng thành, giàu kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh; khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ; kịp thời bổ sung, thay thế một số đồng chí lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ.

Hiệu quả từ thực hiện luân chuyển cán bộ -0

Lãnh đạo thành phố Nam Ðịnh kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 tại địa bàn. 

Để đạt kết quả cao hơn

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nam Ðịnh, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh luân chuyển, điều động 22 đồng chí từ tỉnh về huyện; hai người từ huyện sang huyện; 33 đồng chí từ huyện, thành phố về xã, phường, thị trấn; từ xã sang xã có 12 đồng chí.

Ðối với tỉnh Hưng Yên, tính đến tháng 9/2020, trong thường trực cấp ủy của 10 huyện, thành phố, thị xã, đều có cán bộ không là người địa phương. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, số cán bộ không là người địa phương được điều động, luân chuyển, bố trí từ cấp huyện về xã là hơn 30 người; từ xã này sang xã khác hơn 20 người. Công tác luân chuyển kết hợp bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương ở các tỉnh nói trên cho thấy, phần lớn cán bộ đi luân chuyển còn trẻ, có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng động, kịp thời nắm bắt tình hình, nhất là những tồn tại của địa phương, từ đó xác định rõ nhiệm vụ của bản thân, xây dựng kế hoạch cùng tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đạt hiệu quả. Cán bộ được luân chuyển về giữ chức danh bí thư cấp ủy cấp huyện mà trước đó đã là cấp trưởng hoặc cấp phó các sở, ban, ngành ở tỉnh, có nhiều kinh nghiệm trong môi trường công tác rộng lớn, cho nên các đồng chí cơ bản phát huy được trình độ, năng lực và sở trường công tác, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ðồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Ðịnh cho rằng, để công tác luân chuyển cán bộ đạt được hiệu quả như mong muốn thì ngoài sự giúp đỡ của tập thể cấp ủy nơi đến, cán bộ được luân chuyển phải biết kết hợp hài hòa yếu tố chuyên môn, tính chuyên nghiệp với công tác dân vận. Người cán bộ mới đến địa bàn phải khẩn trương sâu sát tình hình, thường xuyên gần gũi người dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, học hỏi từ cách nói chuyện, nếp nghĩ của người dân, từ đó xây dựng cách thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác luân chuyển cán bộ ở các địa phương nêu trên vẫn có những hạn chế. Việc thực hiện luân chuyển cán bộ cấp tỉnh về huyện còn ít. Luân chuyển, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý từ huyện này sang huyện khác, từ xã này sang xã khác thực hiện được chưa nhiều. Ở nhiều xã, chủ yếu lãnh đạo chủ chốt là người địa phương, đã qua nhiều vị trí công tác ở xã, giàu kinh nghiệm, nhưng chưa được đào tạo bài bản, ít nhiều để quan hệ thân quen, họ hàng làm ảnh hưởng đến công tác, phương pháp làm việc cũ, còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Một số địa phương, đơn vị chưa có phương pháp phù hợp trong đánh giá cán bộ luân chuyển gắn với đề bạt, bổ nhiệm sau luân chuyển. Chưa tổ chức tốt việc gặp gỡ, trao đổi, quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xác định nhiệm vụ đối với cán bộ dự kiến luân chuyển và cán bộ đã luân chuyển.

Cấp ủy, cán bộ một số nơi cho rằng, việc luân chuyển cán bộ cấp tỉnh về huyện chưa thực hiện được nhiều vì liên quan số lượng cấp ủy viên của các huyện. Khi luân chuyển một cán bộ cấp tỉnh về huyện thì đồng thời phải tính toán, sắp xếp, luân chuyển một huyện ủy viên hoặc ủy viên thường vụ cấp huyện. Việc luân chuyển cán bộ cấp xã lên huyện cũng khó là vì muốn lên công chức huyện thì phải qua sát hạch và phải có dịp, có chủ trương. Mặt khác, dù đã hội đủ các tiêu chí, điều kiện nhưng không phải lúc nào cũng có thể luân chuyển cán bộ xã lên huyện vì có những vị trí công tác ở huyện đòi hỏi chuyên môn sâu, thậm chí phải có thời gian làm chuyên viên ở đó để nắm việc ngay từ đầu… Cá biệt, còn tình trạng coi việc luân chuyển cán bộ như "giải pháp tình thế", gây tâm tư cho người cán bộ và địa phương nơi tiếp nhận. Một số địa phương chưa xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ theo tinh thần Quy định số 98-QÐ/TW ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, do đó chưa tạo động lực cho cán bộ luân chuyển toàn tâm, toàn ý trong công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Một số cán bộ được luân chuyển, điều động chưa gương mẫu, chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thậm chí vi phạm kỷ luật đảng, bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật.

Ðể công tác luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương trong thời gian tới đi vào nền nếp, đạt hiệu quả hơn, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, cấp ủy các địa phương cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết là thực hiện đúng tinh thần Quy định số 98-QÐ/TW ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Cần căn cứ năng lực, sở trường của từng người, cũng như yêu cầu nhiệm vụ của địa phương để xem xét, giao nhiệm vụ phù hợp cho cán bộ. Chú trọng hơn việc gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; tạo môi trường để mỗi cán bộ đều có điều kiện rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành bằng phẩm chất và tài năng, yên tâm và tuyệt đối tin tưởng vào sự phân công của tổ chức ■

Bài và ảnh: Trần Khánh, Phạm Hà, Hoàng Lâm