Đầu tháng 5/2022, quận Tây Hồ đã trao 12 quyết định về điều động, luân chuyển cán bộ từ quận xuống phường, từ phường lên quận, giữa các phòng, ban với nhau và giữa các phường với nhau. Các cán bộ được luân chuyển, điều động đều tỏ rõ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới.
Nâng "chất" cho cán bộ
Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy phường Tứ Liên, tân Trưởng phòng Kinh tế quận Nguyễn Việt Cường cho biết, anh thấy vinh dự khi nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo quận, cho nên ngay sau khi nhận quyết định sẽ bắt tay ngay vào công việc để bảo đảm tiếp cận nhanh nhất với công việc mới.
Không chỉ ở Tây Hồ, nhiều địa phương khác của Hà Nội cũng đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ. Tại huyện Sóc Sơn, nhiều cán bộ cấp phòng, ban cũng vừa được luân chuyển vị trí công tác. Huyện Mê Linh tập trung luân chuyển cán bộ, tăng cường cho các xã khó khăn như: Văn Khê, Tiền Phong, Thạch Đà, Hoàng Kim, Tam Đồng, Tiến Thắng, Quang Minh...
Đây là những việc làm cụ thể hóa Quy định số 07-QĐ/TU ngày 17/11/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố". Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ, cán bộ trong quy hoạch; có triển vọng phát triển; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác tốt; việc luân chuyển cán bộ phải có kế hoạch cụ thể và lộ trình từng bước thực hiện. Thời gian cán bộ luân chuyển ít nhất là ba năm (36 tháng) đối với một chức danh (trừ chức danh kiêm nhiệm), trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ban Thường vụ Thành ủy nêu rõ, tăng cường phát hiện, điều động cán bộ có năng lực, kết quả công tác tốt, có chiều hướng phát triển để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ; đồng thời, kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi về hưu. Cán bộ đã giữ chức vụ cấp trưởng hai nhiệm kỳ liên tục và những cán bộ luân chuyển, điều động để thực hiện chủ trương không phải là người địa phương, khi luân chuyển, điều động chủ yếu bố trí làm cấp trưởng. Cán bộ trẻ luân chuyển để đào tạo, rèn luyện chủ yếu bố trí làm cấp phó.
Việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của địa phương, cơ quan, đơn vị; được thực hiện công khai, theo kế hoạch. Nghiêm cấm lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ.
Lấy hiệu quả là hàng đầu
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngay sau khi có Quy định số 07 và Kế hoạch của Thành ủy, Ban Thường vụ Quận ủy đã khẩn trương ban hành Kế hoạch về "Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý giai đoạn 2022-2025". Trong đó, quận xác định luân chuyển cán bộ phải lấy tiêu chí chất lượng, hiệu quả công việc là hàng đầu. "Việc này nhằm tạo điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường, tăng cường những địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, tránh sức ỳ...", đồng chí Lê Thị Thu Hằng nói.
Ở cấp thành phố, từ đầu năm 2022 đến nay, gần 10 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đã được điều động vị trí công tác mới. Ngay đầu tháng 5/2022, bốn cán bộ đã được điều động về các quận, huyện, trong đó có hai Phó Bí thư Thành đoàn là đồng chí Lý Duy Xuân (sinh năm 1984) và Bùi Thị Lan Phương (sinh năm 1985) được luân chuyển về làm Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Trì và Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ. Nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Bùi Thị Lan Phương khẳng định, dù cương vị công tác mới có nhiều khó khăn, thách thức, vẫn luôn quyết tâm, phấn đấu, rèn luyện trau dồi kiến thức, kỹ năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, từ cuối năm 2017 đến nay, 104 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đã được luân chuyển, điều động về các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã. Nhờ đó, cán bộ được rèn luyện trong thực tiễn, qua đó trưởng thành và nhiều đồng chí đã được bầu hoặc bổ nhiệm vào vị trí cao hơn. Từ kết quả này, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố đều xác định sẽ tập trung thực hiện Quy định số 07-QĐ/TU gắn với thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo". Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nhấn mạnh, trọng tâm của thành phố là tăng cường luân chuyển cán bộ, thực hiện luân chuyển dọc, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị; luân chuyển giữa các vị trí công tác trong cùng một đơn vị. Mục tiêu là đến năm 2025, hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; từng bước bố trí chức danh chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương; phấn đấu sắp xếp khoảng 50% số bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị.