Trong đó, hơn 12 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Phần lớn các công trình xây dựng cơ bản đầu tư bằng nguồn vốn công đã phát huy hiệu quả tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ các thôn, xã hơn 4.827 tỷ đồng, cùng với lượng vốn do nhân dân đóng góp và huy động từ xã hội hóa đã nâng cấp hơn 1.000 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa hơn 85,7 km kênh mương thủy lợi; đầu tư xây mới hơn 1.150 phòng học và mua sắm bàn, ghế, trang thiết bị đồ dùng học tập; đầu tư xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp 13 chợ nông thôn; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống văn hóa, y tế cơ sở, hệ thống lưới điện, bưu chính viễn thông, nhà ở dân cư...; góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới khang trang, đồng bộ. Đến hết năm 2017, 87 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 60% số xã của tỉnh; bình quân toàn tỉnh đạt 18 tiêu chí/xã...
Tuy nhiên, tình hình quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ở giai đoạn trước năm 2017 còn một số tồn tại, hạn chế, chậm được khắc phục. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tổng số nợ đọng XDCB trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến ngày 31-12-2016 hơn 973 tỷ đồng; trong đó, nợ các dự án thuộc Chương trình xây dựng NTM hơn 572 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến nợ đọng XDCB tăng cao là do việc thực hiện các quy định pháp luật về chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án ở một số địa phương đơn vị chưa nghiêm; tình trạng quyết định đầu tư dự án còn nhiều và dàn trải, chưa xác định rõ về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, nhất là ở cấp xã. Công tác quản lý nhà nước của chính quyền và một số cơ quan có trách nhiệm có lúc, có nơi còn hạn chế; chưa kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh việc phê duyệt dự án khi không bố trí được vốn. Việc lồng ghép, bố trí vốn đối ứng và huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư ở nhiều công trình, dự án còn hạn chế, chưa kịp thời. Nhiều nhà thầu chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn, hoặc chưa tích cực phối hợp chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ quyết toán...
Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý đầu tư XDCB, đầu tư công đúng quy định của Nhà nước, khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB, Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên đã tiến hành giám sát tình hình quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, nợ đọng XDCB. HĐND tỉnh đã ra nghị quyết về kết quả giám sát tình hình quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, nợ đọng XDCB, yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB, tăng cường công tác quản lý đầu tư công...
Trong xây dựng kế hoạch đầu tư XDCB phải bố trí đủ vốn thanh toán các dự án, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Kiên quyết không bố trí vốn cho công trình mới khi chưa bố trí đủ vốn cho các công trình đã hoàn thành. Tiếp tục thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, đề án, dự án, các nguồn vốn để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác xử lý đất dôi dư, đấu giá quyền sử dụng đất cho người dân làm nhà ở theo quy hoạch được duyệt ở những nơi có điều kiện, có nhu cầu để huy động nguồn lực của địa phương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Chú trọng và tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về XDCB.
Các cấp, các ngành phải kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư: chỉ được phê duyệt, thực hiện dự án khi cân đối được nguồn vốn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vốn đầu tư; không yêu cầu các nhà thầu ứng vốn thi công khi chưa có kế hoạch vốn; thực hiện quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình, quản lý vốn, nghiệm thu, thanh quyết toán vốn và bảo hành công trình theo đúng quy định.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch hằng năm của các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã phải xây dựng kế hoạch trả nợ XDCB, ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng XDCB và dự án sớm hoàn thành để phát huy hiệu quả đầu tư theo đúng chỉ đạo; nợ vốn ở cấp ngân sách nào, thì ngân sách cấp đó phải chịu trách nhiệm chính để bố trí thanh toán. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn và thanh quyết toán vốn đầu tư; bố trí vốn trả nợ dứt điểm các dự án đã hoàn thành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án đầu tư XDCB trong xây dựng NTM; nếu phát hiện huyện nào, xã nào không bố trí vốn trả nợ, mà tiếp tục khởi công mới các dự án hoặc làm phát sinh nợ đọng XDCB trong xây dựng NTM thì cấp có thẩm quyền phải nghiêm túc xem xét, kiên quyết xử lý theo quy định...
Việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Hưng Yên về kết quả giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, nợ đọng XDCB của các cấp, các ngành trong thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực: nợ đọng trong XDCB đã giảm 26%; hàng nghìn công trình, dự án đã được xử lý, quyết toán theo quy định, giảm 85% so trước thời điểm giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên (năm 2017). Các cấp, ngành đã quan tâm, ưu tiên bố trí thanh toán nợ XDCB, các dự án hoàn thành, các dự án chuyển tiếp hoàn thành theo tiến độ. Hoạt động đầu tư công đã được các sở, ngành, địa phương thực hiện, kiểm soát chặt chẽ hơn; tính toán cơ cấu nguồn vốn, khả năng cân đối các nguồn vốn để thực hiện dự án; nhất là các dự án khởi công mới, giai đoạn 2016 - 2020 bảo đảm thời gian theo quy định... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.