Hiệu quả của Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” ở Bắc Ninh

NDO - Sau hơn 1 năm được thành lập Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” của tỉnh Bắc Ninh đã phát huy hiệu quả, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, duy trì ổn định hoạt động sản xuất. Đây chính là “cầu nối” giữa chính quyền và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang tham quan Công ty Cổ phần Manutronics Việt Nam, Khu công nghiệp Tiên Sơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang tham quan Công ty Cổ phần Manutronics Việt Nam, Khu công nghiệp Tiên Sơn.

Đến nay, kênh Zalo của Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” đã thu hút được trên 7.300 doanh nghiệp, người dân quan tâm, đăng ký, theo dõi, tương tác thường xuyên hoạt động của kênh; với 40.000 lượt xem các tin bài viết và trên 3.000 tin nhắn phản ánh, kiến nghị hoặc vướng mắc cần giải đáp.

Hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời

Ngày 17/7/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chính thức ra mắt Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” (tư vấn hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất, chống dịch an toàn nhất) do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn làm Tổ trưởng.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Tổ phản ứng nhanh "3 nhất" được thành lập trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp trên địa bàn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Mục tiêu của Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” là nắm bắt kịp thời, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ cho doanh nghiệp, giảm thiểu tác động của đại dịch, bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo đúng tinh thần “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất.

Nói về vai trò của Tổ phản ứng nhanh “3 nhất”, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, Tổ được thành lập trên cơ sở kế thừa và phát huy mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” ra đời từ năm 2016 nhằm tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp và là cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” ra đời chính là sự nâng cấp, cải tiến cả về quy mô và cách thức triển khai để phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh hiện nay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và an toàn nhất.

Năm 2021, Công ty TNHH Goertek Vina gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước những khó khăn đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là Tổ phản ứng nhanh "3 nhất” đã trực tiếp đến công ty giải quyết những khó khăn, vướng mắc, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho công ty phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Len Zhang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Goertek Vina, Khu Công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, chúng tôi thực sự cảm kích trước sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của Tổ phản ứng nhanh "3 nhất" đã giúp doanh nghiệp chúng tôi tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đây là cách làm sáng tạo chưa có tiền lệ thể hiện quyết tâm của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương luôn đồng hành, tháo gỡ mọi khó khăn, tạo bình đẳng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Theo ông Len Zhang, với những chính sách thuận lợi, thông thoáng và sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh, Công ty Goertek Vina đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt xa dự tính so với lúc quyết định đầu tư tại Bắc Ninh. Vì thế, chúng tôi đã quyết định điều chỉnh vốn của Dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện từ 260 triệu USD lên 565,7 triệu USD, tăng 305,7 triệu USD so với dự tính ban đầu, tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, sau hơn 1 năm triển khai, Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” đã thực sự trở thành cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa các sở, ngành, địa phương với người dân, doanh nghiệp; tạo niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; góp phần bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, từng bước làm thay đổi văn hóa ứng xử của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước các cấp.

Thông qua việc lắng nghe, ý kiến phản ánh của doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn của từng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển góp phần tăng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bắc Ninh. Kết nối mạng lưới và thúc đẩy sáng kiến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà quan liêu không cần thiết.

Bên cạnh những mặt tích cực, thời gian qua, công tác truyền thông, tuyên truyền về Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” vẫn còn một số hạn chế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chưa biết đến chức năng giải đáp thắc mắc, ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số ý kiến phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp còn tình trạng trả lời quá hạn; công tác phối hợp giữa các sở, ngành địa phương, phòng ban đơn vị trong thực thi nhiệm vụ có lúc chưa được đồng bộ, chặt chẽ, chưa thực sự linh hoạt…

Theo ông Vương Quốc Tuấn, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tập trung phục hồi đầu tư, khôi phục các hoạt động kinh doanh, dịch vụ; đẩy mạnh hoạt động cải cách hành chính, đề ra các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh chú trọng công tác đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ, tăng cường kết nối khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước; triển khai Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển; chuyển đổi phương châm “Tư vấn hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất và khôi phục sản xuất kinh doanh nhanh nhất” nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tương tác và chia sẻ thông tin giữa các sở, ngành về dữ liệu doanh nghiệp; xây dựng quy định về giải quyết kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp; để tăng cường tính pháp lý và chế tài đối với các đơn vị và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.