Phòng chống ô nhiễm từ hoạt động tái chế kim loại màu

Thời gian gần đây, hoạt động tái chế, luyện kim loại màu của một số cơ sở sản xuất ở xã Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) ngày càng phức tạp. Lượng khói bụi độc hại, chất thải, nước thải từ các cơ sở sản xuất hòa trong không khí, thẩm thấu vào đất, ngấm vào các dòng kênh… làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho người dân. Trong khi đó, việc xử lý tồn dư nhiễm độc chì do những lò nấu chì thủ công của người dân làng nghề Đông Mai trước kia cũng chưa được quan tâm thỏa đáng.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Làng nghề Đông Mai.
Một góc cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Làng nghề Đông Mai.

Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo Nguyễn Văn Chuyển cho biết: Từ nhiều năm qua, nhiều hộ người dân thôn Đông Mai có nghề thu mua các sản phẩm công nghiệp thải loại để tháo dỡ và tái chế chì thô. Có thời điểm, tất cả hộ trong thôn làm các công việc liên quan nghề này. Do không có biện pháp phòng tránh nên gần như toàn bộ đất và nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo kết quả phân tích mẫu đất, nước tại thôn Đông Mai cho thấy hàm lượng chì đều vượt mức cho phép hàng chục lần. Cơ quan chức năng cũng lấy mẫu máu của gần 400 trường hợp người dân xã ở đây để xét nghiệm. Kết quả cho thấy tỷ lệ người bị nhiễm độc chì là hơn 60%. Để ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm, chính quyền địa phương đã quy hoạch khu đất cách xa khu dân cư cho các doanh nghiệp sản xuất tập trung, đồng thời yêu cầu các hộ dân không tái chế chì bằng lò nấu thủ công tại nhà.

Giải pháp này đã phần nào hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường và nhiễm độc chì cho người và vật nuôi. Địa phương cũng đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung công suất 800 m3/ngày đêm cấp nước cho người dân thôn Ðông Mai. Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, đo hàm lượng chì trong đất sân, vườn nhà của 536 hộ từng tái chế chì; khám, điều trị thải độc cho hơn 150 trẻ em tại thôn Ðông Mai có hàm lượng chì trong máu...

Sau khi di chuyển các cơ sở sản xuất, trên cơ sở đánh giá của đoàn kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho hai doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động tái chế và sản xuất các sản phẩm từ chì là Công ty TNHH Ngọc Thiên và Công ty TNHH Làng nghề Đông Mai. Tuy vậy, với khối lượng chì tái chế lên tới hàng trăm nghìn tấn mỗi năm thì số lượng chất thải rắn, khí thải, bụi xả ra môi trường chung quanh khu vực sản xuất là rất lớn.

Mới đây, cơ quan chức năng địa phương đã bắt quả tang Công ty TNHH Ngọc Thiên, một trong số các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực tái chế, sản xuất kim loại màu có trụ sở tại xã Chỉ Đạo, vận chuyển và chôn lấp trái phép chất thải rắn độc hại chưa qua xử lý. Đáng chú ý, Công ty Ngọc Thiên là một trong số các doanh nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho các hoạt động liên quan tái chế, sản xuất kim loại màu. Trong năm 2023, tại Kết luận Thanh tra số 06/KL-BTNMT ngày 11/4/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp này cũng đã bị xử phạt vì nhiều vi phạm liên quan vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại hình thành trong quá trình sản xuất.

Đối với Công ty TNHH Làng nghề Đông Mai, doanh nghiệp này thực chất là tập hợp của các hộ làm nghề tái chế chì thủ công ở thôn Đông Mai. Ông Lê Văn Phiếu, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc công ty cho biết, công ty đã đầu tư hệ thống lọc khói, thu bụi chì nên đã hạn chế nguồn khí thải ô nhiễm, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định. Ngoài ra, hệ thống nước thải cũng đã được dồn vào hồ chứa qua hệ thống lọc trước khi xả ra hệ thống thoát nước… Ông Phiếu cũng khẳng định, sau khi có Kết luận thanh tra số 65/KL-BTNMT ngày 29/6/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường công ty đã khắc phục những vấn đề bất cập và đủ điều kiện để tiến hành sản xuất. Ngày 22/10/2024, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá tác động môi trường cũng đã kiểm tra, làm việc với doanh nghiệp.

Bức xúc trước hành vi gây ô nhiễm của các cơ sở tái chế, sản xuất kim loại màu trên địa bàn, nhiều người dân thôn Đông Mai đã gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng. Ngày 3/10/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TNMT thành lập tổ kiểm tra đột xuất đối với hai doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế, sản xuất kim loại màu là Công ty cổ phần Thương mại Tuấn Kiệt Hưng Yên và Công ty TNHH Kim loại màu Trường Hưng. Riêng Công ty Ngọc Thiên, cơ quan công an đang điều tra, xác minh hành vi vi phạm quả tang và Công ty TNHH Làng nghề Đông Mai do đoàn kiểm tra của Bộ về ĐTM đã có lịch làm việc nên Sở đề nghị dừng kiểm tra để tránh chồng chéo.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên Trần Đăng Anh cho biết: Sau khi di dời các cơ sở sản xuất, tái chế chì ra khu riêng thì tình trạng ô nhiễm do hoạt động sản xuất, tái chế kim loại màu trên địa bàn xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, đặc biệt là ở khu vực làng nghề Đông Mai đã giảm nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những bất cập do ảnh hưởng từ các hoạt động sản xuất, tái chế chì ở thôn Đông Mai còn cần thời gian và rất khó khăn do lượng chì ngấm vào đất, nguồn nước ngầm, nước mặt được hình thành từ rất lâu.

Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm đất, nguồn nước và nhiễm độc chì ở khu vực thôn Đông Mai, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất UBND tỉnh duy trì và giảm dần số lượng cơ sở sản xuất, tái chế kim loại màu trên toàn địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh các biện pháp cải tạo dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm dòng sông Bắc Hưng Hải và các hệ thống thoát nước chung quanh các khu, cụm công nghiệp…■