Để nâng độ che phủ rừng lên mức cao nhất nước như hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã kiên trì thực hiện nhiều giải pháp quan trọng về bảo vệ và phát triển rừng, trong đó tập trung lĩnh vực phổ biến, tuyên truyền, hỗ trợ kinh phí, kiến thức cho người dân có rừng cùng cải thiện sinh kế và tham gia giữ rừng.
Tỉnh đã thành lập Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại để thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ người dân có rừng và các chủ rừng, đồng thời phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức phát động hưởng ứng chiến dịch truyền thông về trồng rừng, phục hồi rừng, giảm nhẹ khí nhà kính. Ðây là chương trình ý nghĩa, giúp người dân nâng cao nhận thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động trồng rừng; hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn.
Những năm qua, các hội viên nông dân tại tỉnh Bắc Kạn đã tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt những kết quả thiết thực. Phong trào đã trở thành nét đẹp văn hóa, mang lại lợi ích nhiều mặt, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững.
Thông qua Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn 2, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp hỗ trợ 26.400 cây giống quế, hồi cho các hộ hội viên nông dân trên địa bàn các xã Tân Sơn (huyện Chợ Mới), Phương Viên (huyện Chợ Ðồn) và Mỹ Phương (huyện Ba Bể) tham gia xây dựng các mô hình trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế...
Tại tỉnh Ðắk Lắk, theo Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Vũ Minh Quân, hiện nay, diện tích có rừng của tỉnh là 497.235,2 ha (có 411.930,9 ha rừng tự nhiên và 85.304,3 ha rừng trồng), trong đó diện tích rừng tham gia cung ứng dịch vụ môi trường là 207.838,84 ha, chiếm khoảng 41,8% diện tích rừng toàn tỉnh.
Sau hơn 10 năm thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, đến nay đã ký được 48 hợp đồng ủy thác.
Tổng nguồn thu của tỉnh bình quân khoảng 80 tỷ đồng/năm, chủ yếu do Quỹ Trung ương điều phối, chiếm khoảng 90%, thu nội tỉnh chiếm khoảng 10%. Ðể bảo đảm quyền lợi của người chăm sóc, bảo vệ rừng, hằng năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đều phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường rừng thực hiện công tác rà soát diện tích rừng và xây dựng bản đồ chi trả bảo đảm chất lượng, đúng thời gian quy định.
Là một trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ thuộc Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA), ngành lâm nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua nhờ có nguồn thu từ hợp đồng này đã góp phần giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đồng thời cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, đời sống của người làm nghề rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2023, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 961.774,37 ha đất có rừng; trong đó, diện tích rừng tự nhiên được hưởng tiền ERPA là 790.352,86 ha của hơn 28.000 chủ rừng và các tổ chức được hưởng lợi.
Triển khai thực hiện ERPA, tại tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý Quỹ và các chủ rừng đã mở tài khoản tại ngân hàng thương mại để tiếp nhận số tiền tạm ứng điều phối từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và Quỹ tỉnh, với tổng số 76 tài khoản (34/39 chủ rừng tổ chức, 42/61 UBND xã).
Toàn tỉnh hiện có diện tích rừng tự nhiên là 393.361,33 ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên bảo đảm đủ điều kiện để chi trả ERPA là 363.889,17 ha, gồm: 39 chủ rừng là tổ chức với diện tích rừng tự nhiên là 171.237,21 ha; 61 chủ rừng là Ủy ban nhân dân cấp xã đang tạm giao quản lý; 24.380 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.
Ðến nay, cơ bản các khoản tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng đã được chi trả cho các chủ rừng, các diện tích rừng chưa đủ điều kiện thụ hưởng đang được tỉnh rà soát, phân loại nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, đúng pháp luật và quy định của Nhà nước đối với người dân...
Việt Nam được các định chế quốc tế đánh giá là nước có nhiều chính sách để bảo vệ và phát triển rừng rất hiệu quả, trong đó chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để hỗ trợ người làm rừng được cho là cách làm điển hình, góp phần bảo vệ rừng bền vững.
Tuy nhiên, còn khoảng trống giữa chính sách và thực hiện chính sách ở các địa phương, cho nên rất cần sự giám sát, theo dõi sát sao hơn để mang lại nhiều hiệu quả thực tế hơn.
Ðối với việc giữ rừng, phát triển rừng thì phải lấy yếu tố cốt lõi là con người, cộng đồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong chống phá rừng, bảo tồn, phát triển rừng bền vững.
Muốn bảo vệ rừng bền vững thì cần tạo sinh kế giúp người dân có hướng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từ đó mới góp phần giảm thiểu hành vi phá rừng lấy đất, lấy gỗ...
Bên cạnh đó, cùng với các chế định tài chính phù hợp, cần có các cách thức giáo dục, truyền thông phù hợp, giúp nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức toàn diện về rừng, phổ biến kiến thức pháp luật về lâm nghiệp, về các chính sách hỗ trợ người dân sống tốt với nghề rừng.