Bệnh nhân Nguyễn Văn P (huyện Ba Vì) bị bệnh thoát vị bẹn và được chỉ định mổ nội soi. Nếu trước đây bệnh nhân P phải chuyển lên tuyến trên để tiến hành phẫu thuật, điều trị, thì từ ngày 26/2/2024, kỹ thuật khó này sẽ được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì phẫu thuật trực tiếp tại đơn vị. So với mổ mở, mổ nội soi giúp bệnh nhân đỡ đau hơn, hiệu quả điều trị tốt hơn và thời gian phục hồi nhanh hơn.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì: Kỹ thuật mũi nhọn mổ nội soi điều trị thoát vị bẹn đã được Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa Ba Vì theo mô hình "bệnh viện chị-em". Đây là một kỹ thuật chuyên sâu, trước đây bệnh nhân thường phải chuyển lên tuyến trên để khám và điều trị. Việc chuyển giao không chỉ tại bệnh viện mà đội ngũ y bác sĩ còn trực tiếp xuống tuyến dưới "cầm tay chỉ việc".
Để thực hiện được kỹ thuật này, các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã làm việc, trao đổi chi tiết với các bác sĩ Khoa Ngoại (Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân; xem xét, đánh giá các kết quả xét nghiệm, dự kiến phương pháp, kế hoạch phẫu thuật và chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết để thực hiện mổ nội soi.
Đánh giá về mô hình đang triển khai tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Bác sĩ chuyên khoa II Trần Kiên Quyết, Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, các bác sĩ, nhân viên của hai bệnh viện ngoài chuyển giao các kỹ thuật, phẫu thuật, chúng tôi còn tổ chức các buổi hội chẩn trực tuyến, cho nên tất các ca bệnh khó đều được hội chuẩn chính xác, kịp thời, qua đó điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Ngành Y tế Thủ đô ứng dụng nhiều kỹ thuật mới hiệu quả
Với mô hình “Bệnh viện chị-em” bệnh viện tuyến trên có sự giúp đỡ thường xuyên và mọi mặt cho bệnh viện tuyến dưới; thay vì một hay một vài cá nhân ở tuyến trên được cử xuống tuyến dưới giúp đỡ. Tuy nhiên, nhờ mô hình này cả một khoa, phòng của bệnh viện tuyến trên sẽ có nhiệm vụ giúp đỡ cho một khoa phòng của bệnh viện tuyến dưới cùng hội chuẩn, cùng xử trí cấp cứu, cùng thông qua mổ và cùng tham gia phẫu thuật, với bác sĩ của y tế tuyến dưới.
Với sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đã đạt được những chỉ tiêu quan trọng như: Nâng số lượt khám chữa bệnh mỗi ngày tăng lên tăng 130%, vì trước đây mỗi ngày có khoảng 1.000 đến 1.200 lượt người khám, chữa bệnh, nay mỗi ngày bệnh viện tiếp đón khoảng 1.500 lượt người đến khám, chữa bệnh. Nhiều kỹ thuật hiện đại đã được chuyên giao và các y, bác sĩ của bệnh viện đã làm chủ các kỹ thuật này và triển khai thường quy tại đơn vị.
Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì khám sức khỏe cho người dân trên địa bàn. |
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trần Thị Nhị Hà cho biết: Sau một thời gian triển khai, Mô hình “Bệnh viện chị-em” đã góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới. Qua đó, giúp người bệnh được khám chữa bệnh ngay tại địa phương mà không cần phải đi xa, tiết kiệm được thời gian và chi phí khám chữa bệnh.
Ngành y tế Hà Nội xác định, y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân sinh sống tại các khu vực điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Do vậy, ngành sẽ tiếp tục triển khai thí điểm mô hình và nhân rộng Mô hình “Bệnh viện chị-em” với quyết tâm cao nhất, nhằm thay đổi chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn Thủ đô.