Thông tin từ diễn giả Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại NielsenIQ Việt Nam, chia sẻ tại Hội thảo “Bí quyết kinh doanh trong bối cảnh tiêu dùng thay đổi”, ngày 16/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm BSA (Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp) tổ chức.
Tại hội thảo, diễn giả phân tích tổng hợp bức tranh toàn diện về thị trường tiêu dùng nhanh (FMCG) hiện nay.
Riêng trong ngành này, trong quý I/2024, chỉ số tăng trưởng ghi nhận 0,0%, khả quan hơn con số âm đầu tiên hậu Covid-19 là -3,6% ở quý IV/ 2023. Về kinh tế, mối lo ngại và khó khăn vẫn còn đó nhưng người tiêu dùng đang dần dần cởi mở hơn trong việc chi tiêu.
“Đọc vị” những hành vi tiêu dùng mới
Theo khảo sát của NIQ (NielsenIQ) về tâm trạng của người tiêu dùng về tình hình kinh tế của mình trong quý I/2024, có 59% cảm thấy tài chính của mình tốt hơn và 13% vẫn còn lo ngại về vấn đề tài chính.
Trong quý IV/2023, thị trường đã có những chỉ số không đạt được kỳ vọng thì trong quý I năm nay, phần trăm (%) số người tiêu dùng cảm thấy tốt hơn đã có sự tăng nhẹ, từ 53% lên 59%. Ba tháng đầu tiên của năm nay ghi nhận thay đổi tích cực về tâm trạng của người tiêu dùng.
Có thể nhận thấy nhiều sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên thị trường hiện nay, rõ nhất là sự thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến.
Ngành hàng tiêu dùng công nghệ điện tử ở Việt Nam tăng trưởng trong bối cảnh chung
Theo Vietnam Shopper Trends 2024, người tiêu dùng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có nhiều “chiến lược” tiết kiệm khi kinh tế chưa vững: 36% người tiêu dùng mua sắm online để dễ dàng trong việc so sánh giá, tiết kiệm chi phí đi lại; 35% chú ý đến các chương trình khuyến mãi và 33% kiểm soát tổng chi tiêu cho mỗi giỏ hàng. Có 68% người Việt Nam kiểm tra giá cả hầu hết sản phẩm (theo kết quả phỏng vấn người tiêu dùng tháng 3/2024), vì vậy, cho dù đã “thoáng” hơn nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn rất quan tâm đến khía cạnh giá cả của sản phẩm.
Quang cảnh hội thảo. |
Hầu hết người tiêu dùng phát sinh việc mua sắm ngoài kế hoạch ban đầu, theo đánh giá từ chuyên gia NielsenIQ Việt Nam, và đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp tận dụng không gian cửa hàng, sắp xếp có tính toán để tạo không gian mua sắm kích cầu tiêu dùng.
Thí dụ, 55% những sản phẩm dầu gội sẽ được phát sinh trong lúc mua hàng, cửa hàng có thể tận dụng đặt sản phẩm trong khu vực dễ nhìn, diễn giả Ngọc Dung gợi ý.
Năm 2024 là một năm “yêu thích sự ổn định” của nhiều người tiêu dùng khi chỉ số ghi nhận: 75% người tiêu dùng chỉ thỉnh thoảng trải nghiệm những sản phẩm mới, và 42% người tiêu dùng chỉ quan tâm chương trình khuyến mãi của thương hiệu họ yêu thích.
Điều này cho thấy, người tiêu dùng không mấy háo hức trải nghiệm sản phẩm mới như trước đây.
Bí quyết kinh doanh trong bối cảnh thay đổi
“Đúng điểm bán, đúng sản phẩm, đúng mức giá, đúng hình thức trưng bày, và đúng hoạt động kích cầu”, đây là 5 yếu tố chính mà các chuyên gia từ NielsenIQ Việt Nam đề xuất để bảo đảm hoạt động kinh doanh bán lẻ hiện nay.
Bên cạnh thấu hiểu hành vi tiêu dùng của khách hàng, diễn giả Ngọc Dung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định đúng điểm bán.
Doanh nghiệp nên ưu tiên chọn khu vực “ăn nên làm ra” có chỉ số tăng trưởng dương và tiềm năng phát triển tốt.
Điều này giúp bảo đảm sản phẩm của doanh nghiệp sẽ tiếp cận được đúng đối tượng khách hàng mục tiêu.
“Khi lập kế hoạch cần xác định đâu là sản phẩm cần tung ra, đâu là lúc cần điều chỉnh giá cả, số lượng”, theo diễn giả.
Để sản phẩm nổi bật hơn khi đứng cạnh các sản phẩm khác, cách trưng bày cũng là một yếu tố quan trọng. Thương hiệu cần có chiến lược kết nối với các nhà bán lẻ để thiết kế không gian trưng bày sản phẩm một cách trực quan và hấp dẫn nhất.
Bên cạnh đó, các chương trình quảng cáo, khuyến mãi, một số chiến dịch hoạt động cộng đồng… có tác dụng kích cầu nên được thường xuyên đánh giá và cải tiến để tăng độ nhận diện, tạo thiện cảm thương hiệu trong mắt người tiêu dùng.