Bảo vệ tốt hơn quyền của người tiêu dùng

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử cùng sự xuất hiện của nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới mang đến nhiều tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ðây không phải vấn đề mới nhưng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực tế, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Các mặt hàng bị làm giả, làm nhái, nhất là trên các sàn thương mại điện tử rất đa dạng và khó phát hiện do hình ảnh và thông tin sản phẩm sử dụng để quảng bá là thật nhưng sản phẩm giao đến tay người tiêu dùng lại không đúng như vậy. Hậu quả là nhiều cá nhân, người tiêu dùng mua phải sản phẩm, dịch vụ hàng hóa bị lỗi, không phù hợp với tiêu chuẩn của nhà sản xuất, đơn vị bán hàng lúc cam kết.

Theo thống kê, tính từ ngày 15/12/2023 đến 25/4/2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 17.584 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách gần 200 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 80 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 67 vụ có dấu hiệu tội phạm. Chỉ riêng trong tháng 4/2024, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 4.599 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách gần 45 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 15 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 13 vụ có dấu hiệu tội phạm.

Việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ làm giảm niềm tin mà còn ảnh hưởng trực tiếp túi tiền, sức khỏe cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Vì thế, việc bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng là rất cần thiết, nhằm bảo vệ tối đa quyền của người tiêu dùng - vốn luôn rơi vào thế yếu khi tham gia các giao dịch.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 (thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010), quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng. Với khung pháp lý chặt chẽ hơn, khắc phục được những lỗ hổng hiện tại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực, hiệu quả hơn trong việc kiểm soát vấn nạn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng. Luật quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ðồng thời Luật bổ sung quy định quyền của người tiêu dùng trong việc yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng; quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm; và hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn áp dụng để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung các hình thức giao dịch mới như: livestream, thương mại điện tử xuyên biên giới... Trách nhiệm của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, bao gồm nhà sản xuất, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, người bán hàng... được xác định cụ thể, giúp xác định và xử lý vi phạm dễ dàng hơn.

Mặt khác, các chế tài xử phạt cũng được tăng cường, tạo sức răn đe mạnh mẽ hơn. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, phát hiện và xử lý sai phạm là hết sức cần thiết. Về phía người tiêu dùng cần tỉnh táo, thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm cũng như không ngừng nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của mình trong các giao dịch thương mại.