GS -TS Hoàng Xuân Cơ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết, nguồn nội tại ảnh hưởng tới bụi PM2.5 tại Hà Nội chỉ đóng góp khoảng 30%, nguồn còn lại là tại các tỉnh lân cận và xa hơn là nguồn xuyên biên giới. Đặc biệt, nguồn tự nhiên tại Hà Nội đóng góp khá nhiều.
Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, thành phố Hà Nội đã thiết lập và quản lý, vận hành ổn định, liên tục 10 trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn Thành phố; Xây dựng Dự án Hệ thống mạng quan trắc môi trường với quy mô đầu tư mới: 33 trạm quan trắc không khí tự động (trong đó 20 trạm cố định, 12 trạm cảm biến và một xe quan trắc lưu động). Cùng với đó, cơ giới hóa, tăng tần suất công tác quét rác, hút bụi hằng ngày trên các tuyến đường. Đồng thời, tăng cường thu gom rác thải sinh hoạt; triển khai xử lý rác thải rắn xây dựng bằng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại; Đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng tập trung: Xây dựng, ban hành nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng...
TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, Chính phủ cần có các hành động để giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn không khí không chỉ là trách nhiệm của một cơ quan, tổ chức mà đó là sự phối hợp của các đơn vị.