Hiện vật, tư liệu nhắc nhớ một thời gian khó của Báo Thái Nguyên

Dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), Báo Thái Nguyên tổ chức tiếp nhận hiện vật, tư liệu của những người làm Báo Thái Nguyên qua các thời kỳ và khánh thành phòng truyền thống. Qua đây, nhắc nhớ về một thời gian khó để thế hệ trẻ của tờ báo này phấn đấu vươn lên.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà báo Hữu Minh tặng phim tài liệu về liệt sĩ Vũ Xuân cho Báo Thái Nguyên.
Nhà báo Hữu Minh tặng phim tài liệu về liệt sĩ Vũ Xuân cho Báo Thái Nguyên.

Khởi đầu từ một tờ tin, đến nay Báo Thái Nguyên đã có bề dày hơn 60 năm trưởng thành và phát triển. Từng ấy năm, đã có biết bao người làm Báo Thái Nguyên đã ngày đêm trăn trở, lăn lộn thực tế, cải tiến kỹ thuật, đặt nền móng, từ phát hành một kỳ/tuần, 2 kỳ/tuần và phát hành hằng ngày, Báo Thái Nguyên điện tử với 4 thứ tiếng như ngày hôm nay.

Những ngày vừa qua, những người làm Báo Thái Nguyên đã tiếp nhận hàng trăm hiện vật, tài liệu quý, phong phú, từ những trang thiết bị thô sơ đến hiện đại, nói lên quá trình làm báo từ khi còn thủ công, thiếu thốn đến ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số từ hơn 60 năm trước đến nay. Tất cả được trưng bày tại phòng truyền thống của Báo được thiết kế đẹp, khoa học, có điểm nhấn, trọng tâm, góp phần thiết thực giáo dục truyền thống của tờ báo Đảng địa phương.

Nhà báo Hữu Minh, nguyên Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam tặng seri phim tài liệu miêu tả đường hành quân, cuộc sống, chiến đấu, hy sinh của người con ưu tú Thái Nguyên là liệt sĩ Vũ Xuân trong kháng chiến, khi chiếu lên đã gây xúc động cho công chúng.

Hiện vật, tư liệu nhắc nhớ một thời gian khó của Báo Thái Nguyên ảnh 1

Báo Thái Nguyên khánh thành phòng truyền thống.

Nhà báo Hữu Minh dày công xây dựng kịch bản, dày công tìm kiếm tư liệu trong thời gian dài, lăn lộn thực tiễn theo hành trình của Vũ Xuân để làm nên bộ phim dài tập làm xúc động người xem. Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ: Tiếp nhận bộ phim về liệt sĩ Vũ Xuân có ý nghĩa nhắc nhớ những người làm Báo Thái Nguyên hôm nay về tinh thần làm báo tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm cao.

Nhà báo Tiến Vịnh chuyên chụp ảnh tại Báo Thái Nguyên trong thời gian rất dài, người có tính “bọ chó”, nhưng cuối những năm 1980 ông vẫn tỷ mẩn cắt, nối phim trước mỗi lần đi cơ sở, trước mỗi sự kiện lớn. Tặng máy ảnh cũ kỹ và thiết bị làm ảnh cho Báo Thái Nguyên, ông Vịnh kể câu chuyện về nghề trong những năm khó khăn, thiếu thốn, chụp mỗi kiểu ảnh phải tính toán để tiết kiệm phim, chụp xong lại về buồng tối rửa ảnh làm nhiều người viết báo trẻ xúc động.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên là An toàn khu, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ đóng để lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc. Cùng trong thời gian đó, Thái Nguyên là nơi nhiều cơ quan báo chí đóng trụ sở, là cái nôi của báo chí cách mạng Việt Nam.

Là người sinh ra, lớn lên, làm báo và lãnh đạo các cơ quan báo chí của Thái Nguyên, ông Hữu Minh tặng nhiều tư liệu, hình ảnh về việc ông và nhiều người làm Báo Thái Nguyên dày công tìm ra địa điểm Trường dạy làm Báo Huỳnh Thúc Kháng, Báo Nhân Dân in số đầu tại tỉnh Thái Nguyên mà hiện nay đang được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn; nơi các Báo Quân đội nhân dân, Văn nghệ đóng trụ sở. Qua đây, nói lên tình cảm, tinh thần tương tác của những người làm Báo Thái Nguyên với các đồng nghiệp ở Trung ương, hỗ trợ các cơ quan báo này tìm về nguồn cội.

Mỗi tư liệu, hiện vật được trao tặng, trưng bày tại phòng truyền thống Báo Thái Nguyên đều chứa đựng những thông tin, câu chuyện giá trị, góp phần tô đậm thêm những chặng đường lịch sử vẻ vang của Báo Thái Nguyên hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành; góp phần lưu giữ, giáo dục truyền thống, tiếp tục phát huy trách nhiệm, nâng cao ý thức nghề nghiệp, chung sức, đồng lòng của những người làm Báo Thái Nguyên hôm nay.