Bình Ðịnh là tỉnh ven biển có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với nhiều tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Sở hữu diện tích tự nhiên 6.071 km2, chiều dài bờ biển 134 km, Bình Ðịnh được coi là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, đông bắc Campuchia, Thái Lan, có vị trí chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là kinh tế biển gắn với logistics.
Nhiều kết quả tích cực
Thời gian qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Ðịnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) trong sáu tháng đầu năm 2024 tăng 7,6% so với cùng kỳ, xếp thứ 19 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, đứng đầu trong 5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền trung.
Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,58%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,33%; dịch vụ tăng 8,16%...; giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 11,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,65%; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,43%; khai khoáng tăng 13,86%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 12,46% so cùng kỳ.
Theo phương án phát triển cụm công nghiệp đến năm 2030, Bình Ðịnh có 68 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.470 ha, bình quân 51 ha/cụm công nghiệp. Trong sáu tháng đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đồng ý chủ trương thành lập bốn cụm công nghiệp, mở rộng hai cụm công nghiệp. Ðến nay, 46 trong tổng số 68 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.525 ha được quyết định thành lập; 37 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 922,7 ha.
Cùng với đó, chín dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 694,6 tỷ đồng, tổng diện tích 29,7 ha. Ngoài ra, tỉnh đã thu hút 380 dự án đăng ký đầu tư với diện tích đất thuê và có chủ trương đầu tư 738,3 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp đi vào hoạt động 80%; bình quân 1,9 ha/dự án, chủ yếu các ngành nghề thế mạnh của tỉnh.
Trong đó, 250 dự án đã đi vào hoạt động; tổng vốn đầu tư của các dự án trong các cụm công nghiệp là 16.548,2 tỷ đồng, vốn thực hiện 8.647,4 tỷ đồng, đạt 52,3% với suất đầu tư bình quân 43,5 tỷ đồng/dự án… phù hợp mục tiêu thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp.
Năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Ðịnh giao chỉ tiêu thu hút 100 dự án, trong đó Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh thu hút mới 70 dự án (tăng 38 dự án), Ban Quản lý Khu kinh tế thu hút 30 dự án (tăng hai dự án) so với năm 2023; đồng thời bảo đảm có 1.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 10.000 tỷ đồng.
Sáu tháng đầu năm đã có 17 dự án đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động như: Nhà máy sản xuất gạch ngói của Công ty cổ phần Takao Bình Ðịnh; Nhà máy thủy điện Nước Lương của Công ty cổ phần Thủy điện Nước Lương; Nhà máy sản xuất viên nén gỗ (Wood Pellet) Nguyệt Anh của Công ty cổ phần Nguyệt Anh…
Bên cạnh việc tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp đang triển khai, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức gặp gỡ làm việc, nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bình Ðịnh, Trần Vũ Thanh Hùng cho biết, theo Quy hoạch, đến năm 2030, Bình Ðịnh trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía nam của vùng. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế.
Hiện nay, Bình Ðịnh đang triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định, từ đó xác định các nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư.
Một trong những dự án đang được tỉnh tập trung ưu tiên là đầu tư xây dựng khu đô thị và du lịch dịch vụ bán đảo Phương Mai để cùng với khu đô thị cửa ngõ Cát Tiến biến trung tâm thành phố Quy Nhơn trở thành vùng động lực phát triển chủ đạo của Bình Ðịnh, khu đô thị thông minh tích hợp nghiên cứu-phát triển (R&D), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Tại khu kinh tế Nhơn Hội, việc chuyển đổi phần diện tích công nghiệp sang đất ở, đất thương mại-dịch vụ cũng đang được triển khai mạnh mẽ để phát triển các khu phức hợp bao gồm đô thị sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp.
Cùng với đó, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng các dự án trọng điểm về hạ tầng-kỹ thuật, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng Quy Nhơn, sân bay Phù Cát, ga Diêu Trì, Quốc lộ 1A, đường cao tốc bắc-nam phía đông, khu liên hiệp gang thép-cảng biển chuyên dùng tại Hoài Nhơn, khu công nghiệp phụ trợ phục vụ điện gió-cảng biển tổng hợp tại Phù Mỹ…, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo liên kết phát triển giữa các địa phương trong tỉnh.
Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm, trong đó các tuyến đường thuộc dự án thành phần tuyến đường ven biển ÐT.639 từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn; các tuyến đường kết nối Ðông-Tây qua địa bàn các thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ, thị xã An Nhơn.
Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Ðịnh
Ngoài ra còn có các tuyến đường mở rộng không gian phát triển khu đô thị của huyện Tây Sơn và một số đường kết nối giao thông trọng điểm khác, trong đó có tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp, Ðô thị và Dịch vụ Becamex Vsip Bình Ðịnh. Tuyến đường ven biển ÐT.639 sau khi hoàn thành sẽ mở ra một không gian phát triển mới, quan trọng, kết nối giao thương hàng hóa trong khu vực, thúc đẩy tiềm năng kinh tế biển.
Những dự án nêu trên đang tạo diện mạo mới cho Bình Ðịnh với hệ thống giao thông ngày càng hoàn chỉnh và đồng bộ, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh cũng như vùng trọng điểm kinh tế miền trung.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân hai tỉnh Bình Ðịnh và Gia Lai đang tích cực làm việc với các cơ quan Trung ương để hoàn thiện các thủ tục đầu tư và triển khai thi công xây dựng tuyến đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku trước năm 2030. Ðây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Tuyến đường này khi hình thành sẽ tạo trục cao tốc thông qua hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền trung, kết nối biển Ðông với khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, vươn xa hơn kết nối với các nước Thái Lan, Myanmar.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Ðịnh Hồ Quốc Dũng cho biết: Lãnh đạo tỉnh luôn xác định việc huy động nguồn lực ngoài đầu tư công là một nội dung quan trọng, quyết định kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hiện tỉnh đang tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt vào 5 trụ cột chính bao gồm: Công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa; trong đó, tập trung nhóm các nhà đầu tư vừa và nhỏ nhưng có công nghệ sạch và cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Israel…; đặc biệt ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, có sản phẩm đầu ra mang lại lợi thế cạnh tranh.