Hiện thực hóa nhà ở giá rẻ cho người lao động phổ thông

NDO -

Ngày 6/1, Tập đoàn Hưng Thịnh, Đồng Tâm Group và Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành ký kết hợp tác xây dựng hàng triệu căn nhà giá vừa túi tiền tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.

Đại diện ba tập đoàn cam kết xây dựng 100.000 căn nhà giá rẻ.
Đại diện ba tập đoàn cam kết xây dựng 100.000 căn nhà giá rẻ.

Ba tập đoàn nêu trên cam kết sẽ xây dựng trước khoảng 100.000 căn hộ, giá bán tại TP Hồ Chí Minh là dưới 25 triệu đồng/m2 và ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai là dưới 20 triệu đồng/m2; thậm chí có thể chỉ 10 triệu đồng nếu nhận được các ưu đãi của Nhà nước về tiền sử dụng đất, lãi suất...

Quyết tâm xây dựng nhà ở giá rẻ được khởi sướng bởi ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hưng Thịnh; ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đồng Tâm Group và ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành.

Ba tập đoàn sẽ kết hợp các thế mạnh, năng lực và kinh nghiệm của các bên từ quỹ đất, ý tưởng, quy hoạch, thiết kế, nguyên vật liệu, thiết bị, giải pháp kỹ thuật, giải pháp thi công, giải pháp quản trị dự án... cho đến khi hình thành được căn nhà.

Nhờ đó, có thể cùng tạo ra những ngôi nhà có giá phù hợp với thu nhập của người lao động phổ thông, đóng góp vào việc phát triển đô thị địa phương và góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở đang ngày một tăng cao của thị trường.

Cụ thể, Tập đoàn Hưng Thịnh cam kết sẽ đầu tư, xây dựng và phát triển những ngôi nhà có chất lượng bảo đảm, giá thành phù hợp với công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp… thông qua việc tối ưu hóa hệ sinh thái của tập đoàn. Cùng với đó, Đồng Tâm Group và Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng cam kết tiếp tục nghiên cứu và cung cấp nguyên vật liệu xây dựng bảo đảm chất lượng với chi phí phù hợp, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng ngôi nhà cho nhu cầu phổ thông.

Ông Nguyễn Đình Trung cho biết những năm qua, đặc biệt trong năm 2020 và 2021 khi đất nước chịu tác động kéo dài từ đại dịch Covid-19, đời sống của toàn xã hội đều bị ảnh hưởng, nhất là những công nhân, người lao động phổ thông… Trong đó, hàng chục nghìn người chưa có nhà ở đã buộc phải rời bỏ các tỉnh, thành phố lớn quay về quê hương với bao khó khăn chồng chất. Trải qua đại dịch, bài toán nhà ở vừa túi tiền dành cho người có thu nhập thấp lại càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay và một tinh thần quyết liệt, quyết tâm cùng tìm ra lời giải.

Đây chỉ là những bước đi khởi đầu nhằm đốt lên ngọn lửa để lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp. Trước mắt kế hoạch xây dựng nhà giá rẻ sẽ tập trung tại bốn địa phương có nhiều công nhân lao động gồm: TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Theo ông Võ Quốc Thắng, quyết tâm xây dựng nhà giá rẻ là một phần trong trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, là cơ hội để các doanh nghiệp cùng chia sẻ mục tiêu và tầm nhìn hướng tới sự phát triển bền vững chung. Tham gia vào xây dựng, các doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận, mà đề cao tinh thần trách nhiệm xã hội, tạo dựng giá trị chung cho cộng đồng, thông qua việc cung cấp nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu phổ thông.

Mục tiêu đưa ra, mỗi công nhân có lương 10 triệu/tháng cũng có thể mua được nhà bằng cách trả góp hằng tháng.

Đại diện ba tập đoàn kỳ vọng, việc mở rộng và thực thi hiệu quả của chương trình xây dựng nhà giá rẻ sẽ góp sức vào giải quyết bài toán an sinh xã hội của các địa phương, góp phần giúp những giấc mơ an cư của hàng triệu lao động phổ thông không còn xa vời, đồng thời thúc đẩy phát triển đô thị, hướng đến sự phát triển bền vững chung của cộng đồng-xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục công tác phía nam, Bộ Xây dựng cho biết, có nhiều nguyên nhân khan hiếm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là các chính sách chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư.

Đơn cử như chính sách nhà ở công nhân đang lồng ghép vào chính sách vào nhà ở xã hội, áp dụng chung cho nhiều loại đối tượng; quy định nhà ở xã hội không bán cho tổ chức nên doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ trong các khu công nghiệp không thể thể đứng ra mua hoặc thuê nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động, có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích 20% được bố trí xây dựng nhà ở xã hội…

Theo ông Hải, hiện nay Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, định hướng 2045. Trong đó, đề xuất nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là chính sách khuyến khích và đẩy mạnh phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất và thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân như gói tín dụng 15 nghìn tỷ cho các đối tượng ưu tiên được vay ưu đãi để thuê, mua nhà ở; gói tín dụng 40 nghìn tỷ cấp bù lãi suất cho chủ đầu tư thông qua ngân hàng thương mại….

Tuy nhiên, để có nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đáp ứng yêu cầu trước hết các cơ quan Nhà nước cần chủ động can thiệp bằng cách đặt ra khung pháp lý cho sự hình thành nhà ở xã hội, đặc biệt là xây dựng bộ tiêu chí kỹ thuật cho loại hình nhà ở này.

Dù mang tên nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền… thì nhà ở đó cũng phải có đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống của người dân. Mặt khác, để thu hút được nhà đầu tư, ngoài các ưu đãi về thuế, lãi suất, thì các cơ quan nhà nước cần giản lược các thủ tục hành chính, điều pháp lý để tăng đối tượng khách hàng, các chủ doanh nghiệp có thể thuê, mua loại hình này khi đáp ứng các điều kiện nhằm thực hiện chính sách an sinh cho người lao động của doanh nghiệp.