Thay đổi tích cực của ngành đường sắt

Lần đầu tiên kể từ khi thành lập Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự hội nghị triển khai nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2024 của ngành và chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, ngành đường sắt đã và đang có những đổi mới căn bản khi mạnh dạn triển khai tái cơ cấu mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh; tái cơ cấu bộ máy, nhân lực,...
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn tàu liên vận quốc tế chở hàng xuất khẩu từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Trung Quốc. (Ảnh NGỌC NĂM)
Đoàn tàu liên vận quốc tế chở hàng xuất khẩu từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Trung Quốc. (Ảnh NGỌC NĂM)

Sự thay đổi tích cực của ngành đường sắt cho thấy, điều quan trọng là nếu muốn làm, dám làm và có phương pháp làm, mạnh mẽ phá bỏ “tảng băng” tư duy cũ thì hoàn toàn có thể giải quyết được những khó khăn, trở ngại cản bước phát triển của ngành lâu nay.

Bắt nhịp “cuộc đua” liên vận

Theo kế hoạch, ngày 2/5 tới, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ chính thức chạy chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đầu tiên xuất phát từ ga Cao Xá (Hải Dương). Đây là ga hạng 4 nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, gần các khu công nghiệp lớn của Hải Dương. Tỉnh Hải Dương đã quy hoạch xây dựng trung tâm logistics tại khu vực ga Cao Xá.

Việc tổ chức hoạt động vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tại đây sẽ cung cấp thêm giải pháp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á,... rút ngắn thời gian bằng 2/3 so với đường biển truyền thống.

Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đánh giá, việc nâng cấp ga Cao Xá thành ga liên vận quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết trong thời điểm này. Từ ga Cao Xá, sẽ hình thành hai tuyến đường sắt đi Đồng Đăng và Lào Cai. Hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được kết nối trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á-Âu.

Các doanh nghiệp trên địa bàn đang có quan hệ giao thương với gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hải Dương có tiềm năng lớn trở thành trung tâm vệ tinh, tập trung các dịch vụ logistics cho sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.

Lãnh đạo ngành đường sắt đánh giá, tàu liên vận quốc tế là phương thức rất thuận lợi cho doanh nghiệp, có khả năng bảo quản tốt mặt hàng tươi sống như hoa quả, hải sản,… đồng thời tạo ra mạng lưới kết nối kho ngoại quan, khu hậu cần logistics của địa phương.

Từ nay đến năm 2025, các ga hoạt động liên vận quốc tế sẽ tiếp tục được nâng cấp, phấn đấu đến năm 2030, sản lượng liên vận quốc tế đạt 4-5 triệu tấn/năm, gấp 4-5 lần hiện nay.

“Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt phục vụ vận tải, mở rộng bãi hàng từ 2.000m2 lên khoảng 5.400m2 bằng kết cấu cấp phối đá dăm, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, cải tạo đường vào bãi hàng và các công trình kiến trúc nhà ga đủ điều kiện khai thác vận tải, trong đó có chạy tàu liên vận quốc tế.

Trong thời gian tới, ga sẽ tiếp tục mở rộng bãi hàng lên khoảng 10.000m2, đầu tư xây mới các hạng mục công trình liên quan để có thể triển khai thực hiện thủ tục hải quan tại ga với hàng xuất nhập khẩu”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho hay.

Tuy được cho là chậm bước trong hoạt động liên vận quốc tế với các nước trong khu vực, song ngành đường sắt lại bắt nhịp “cuộc đua” tàu liên vận khá nhanh. Đầu năm 2023, ngành đường sắt khai trương tàu liên vận quốc tế từ ga Kép (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đi Trung Quốc, đánh dấu cột mốc mới về liên vận quốc tế của đường sắt Việt Nam.

Đây được xem là mốc quan trọng trong chiến lược phát triển, nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế của đường sắt, giảm tải cho hai ga liên vận quốc tế Yên Viên (Hà Nội) và Đồng Đăng, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Giữa tháng 7/2023, ngành đường sắt tiếp tục khai trương đoàn tàu liên vận quốc tế chở container lạnh chạy trên tuyến đường sắt Sóng Thần-Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu vận chuyển các mặt hàng nông sản, đông lạnh từ nam ra bắc rồi sang Trung Quốc tiêu thụ.

“Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, cả nước sẽ có tám ga khai thác liên vận quốc tế. Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khẩn trương triển khai nâng cấp hạ tầng ga Kép để khai thác liên vận và làm việc với tỉnh Bình Dương xúc tiến hoạt động liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần, tổ chức các kho ngoại quan ICD, logistics,...

Mục tiêu của ngành đường sắt là đưa cửa khẩu vào sâu nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các địa phương, không chỉ trong vận chuyển hàng hóa mà còn phát triển các kho ICD, logistics,…”, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận định.

Ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ mới

Ngày 27/4, trước thềm dịp nghỉ lễ, ngành đường sắt đã ra mắt đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 (TP Hồ Chí Minh-Đà Nẵng) tiếp sau thành công của tàu chất lượng cao Hà Nội-Đà Nẵng (SE19/20). Đây là sản phẩm mới có nhiều tiện ích và thẩm mỹ vượt trội, được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm thu hút du khách trong dịp hè năm nay.

Các toa xe của tàu SE21/22 có chất lượng tốt nhất, được nâng cấp, cải tạo nhằm gia tăng tiện ích và đem lại hiệu ứng thẩm mỹ cao. Để tạo điểm nhấn nhận diện, vỏ toa được sơn mới theo tông mầu trắng xám và xanh với hình ảnh chim hạc trên trống đồng Đông Sơn-biểu tượng gắn liền với văn hóa Việt. Đây cũng là một trong số những đoàn tàu đầu tiên được lắp đặt wifi trên tàu phục vụ khách miễn phí.

Theo ông Hoàng Gia Khánh, ngành đường sắt đã có hơn 140 năm hình thành và phát triển. Mạng lưới đường sắt quốc gia hiện hữu gồm 3.143 km, đi qua 34 tỉnh, thành phố trên cả nước, với gần 300 khu ga, hầu hết tọa lạc tại các trung tâm. Nhiều khu ga có giá trị cao về kiến trúc, văn hóa. Đáng chú ý, tuyến đường sắt bắc-nam đã được Tạp chí du lịch Lonely Planet bình chọn là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới.

Giữa tháng 4 vừa qua, Tổng công ty đã khai trương chuyến tàu đêm Đà Lạt-Trại Mát với tên gọi “Hành trình đêm Đà Lạt”, dài 6,7 km, là tuyến đường sắt răng cưa độc đáo duy nhất tại Việt Nam phục vụ du khách tham quan Đà Lạt. Tổng công ty cũng phát động phong trào “Mỗi cung đường-Một loài hoa; Mỗi khu ga-Một điểm đến”. Đến nay, toàn ngành đã trồng được khoảng 70 km cây, hoa các loại; thu dọn hàng nghìn tấn rác thải,...

Với sự chuyển mình ấn tượng, sau ba năm thua lỗ, năm 2023 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có lãi gần 100 tỷ đồng. Trong năm nay, Tổng công ty quyết tâm hoàn thành kế hoạch được giao, phấn đấu duy trì đà tăng trưởng của các chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Tổng công ty đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất đạt 39.544 tỷ đồng; doanh thu công ty mẹ đạt 26.190 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân năm giai đoạn 2024-2025 phấn đấu đạt 4,7%/năm; lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2023-2025 là 327 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2022 lỗ 1.194 tỷ đồng).

Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đánh giá: Ngày 28/2/2023 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế bắc-nam, các hành lang vận tải chính đông-tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn. Đây có thể được ví như “phát pháo lệnh” nhằm chấn hưng một phương thức vận tải có nhiều ưu việt, nhưng đang chậm đổi mới, lạc hậu.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đã hoạch định chiến lược, xác định phát triển ngành đường sắt dựa trên ba trụ cột: Kết cấu hạ tầng (gồm bảo trì và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng), vận tải và công nghiệp đường sắt. Bộ sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách với lĩnh vực đường sắt; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách về công nghiệp đường sắt và công nghiệp hỗ trợ (cơ khí, chế tạo, luyện kim...) giúp ngành phát triển bền vững, nhất là đối với đường sắt tốc độ cao chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới.

Khi trực tiếp thị sát tại ga Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ ấn tượng, cảm xúc và trăn trở của mình đối với ngành đường sắt ngay từ lúc mới nhậm chức với mong muốn vực dậy và phát triển bền vững đường sắt. “Cũng tài sản ấy, con người ấy, cơ chế chính sách ấy nhưng với cách làm mới, tư duy mới, thay đổi cách quản trị, vận hành,… thì chất lượng, hiệu quả đạt được của ngành đường sắt đã thay đổi rõ nét. Khi mạnh dạn phá bỏ “tảng băng” tư duy cũ, lạc hậu, chắc chắn ngành sẽ vượt qua những khó khăn, trở ngại kìm chân bấy lâu nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.