Năm 2024, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai xảy ra trên phạm vi cả nước năm 2023 có diễn biến cực đoan, dị thường và không theo quy luật. Điển hình như nhiệt độ trung bình toàn cầu là năm nóng nhất trong 174 năm qua, cao hơn khoảng 1,45°C so với mức nhiệt độ trung bình nhiều năm thời kỳ tiền công nghiệp. Đặc biệt, mùa bão năm 2023 không có cơn bão nào đổ bộ vào nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
Kênh thủy lợi Vành Đai thuộc địa bàn hai xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp có những đoạn cạn trơ đáy. (Ảnh TTXVN)
Kênh thủy lợi Vành Đai thuộc địa bàn hai xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp có những đoạn cạn trơ đáy. (Ảnh TTXVN)

Theo Phó Tổng cục trưởng Khí tượng-Thủy văn Hoàng Đức Cường, năm 2023, do chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên diễn biến khí tượng-thủy văn khá phức tạp. Có những hiện tượng thiên tai dị thường, đó là mưa đặc biệt lớn ở khu vực tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Bình Định.

Trong đó, tại tỉnh Thừa Thiên Huế một số nơi mưa hơn 1.000 mm gây ngập lụt trên diện rộng; lũ quét và sạt lở đất đã xảy ra nhiều nơi khu vực vùng núi, đặc biệt tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lâm Đồng; nhiều đợt dông, lốc kèm theo sóng lớn đã làm đắm tàu, mất tích nhiều ngư dân; triều cường kèm theo sóng lớn đã gây xói lở bờ biển gây khó khăn không nhỏ trong công tác dự báo.

Nhận định về tình hình thiên tai năm 2024, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường cho biết thêm, ngay từ đầu năm, thiên tai đã diễn ra phức tạp, dị thường như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 đến sang cả tháng 3, với nền nhiệt thấp ở Đồng bằng Bắc Bộ dưới 15oC và vùng núi dưới 13oC, nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng lớn đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Ngay từ đầu năm, thiên tai đã diễn ra phức tạp, dị thường như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 đến sang cả tháng 3, với nền nhiệt thấp ở Đồng bằng Bắc Bộ dưới 15oC và vùng núi dưới 13oC, nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng lớn đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường

Còn theo đánh giá của Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm, El Nino sẽ suy yếu và chuyển sang pha trung tính sau đó chuyển nhanh sang La Nina trong mùa hè 2024, khoảng 80-85% El Nino kết thúc vào tháng 4 đến tháng 6/2024; khoảng 60-65% La Nina sẽ bắt đầu khoảng tháng 7 đến tháng 8/2024.

Bão và áp thấp nhiệt đới khả năng sẽ xuất hiện trên Biển Đông tương đương với trung bình nhiều năm, vào khoảng nửa cuối tháng 6/2024. Số lượng áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có khả năng ít hơn đến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, nhưng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa mưa bão.

Từ nay đến tháng 6, tại phía bắc, tổng lượng mưa xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm, phía nam phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm; trong 6 tháng cuối năm, lượng mưa ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía nam. Trong mùa khô năm 2024, khả năng xảy ra khô hạn cục bộ tại các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên...

Để chủ động phòng chống thiên tai có xu hướng ngày càng bất thường và cực đoan, việc dự báo, cảnh báo sớm các thông tin về thời tiết, khí hậu cần được đặc biệt quan tâm, từ đó giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, tổ chức và cộng đồng xã hội chủ động chỉ đạo, triển khai các hoạt động phòng ngừa từ sớm, từ xa, sẵn sàng chung tay ứng phó, khắc phục thiên tai, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định đời sống, sinh kế của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước.

Thực tế cho thấy, thông tin dự báo, cảnh báo những năm gần đây đã có bước tiến đáng kể, cung cấp thông tin kịp thời với thời gian dự báo dài hơn cho các cơ quan phòng chống thiên tai và người dân. Trong đó, công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới có độ tin cậy, dần tiệm cận với trình độ dự báo của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đã giúp giảm thiểu thiệt hại, gần như không có người chết, mất tích trên biển trong các trận bão, áp thấp nhiệt đới.

Dự báo chính xác các loại hình thiên tai, nhất là thiên tai trên biển đã giúp hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển đạt hiệu quả cao. Các thông tin này là yếu tố đầu vào để tính toán độ trôi dạt người, phương tiện bị nạn; phương án huy động, phương tiện ứng cứu. Kết quả tính toán càng chính xác thì khả năng cứu, hỗ trợ người, phương tiện bị nạn càng cao, đồng thời tiết kiệm chi phí ngân sách huy động phương tiện.

Một vấn đề lớn cũng đang được đặt ra nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản đó là công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội Khí tượng-Thủy văn Việt Nam GS, TS Trần Thục cho biết, các đơn vị dự báo đã tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cho cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.

Tuy nhiên, đối với loại thiên tai này, thế giới không có nhiều kỳ vọng về tính dự báo, hiện trạng dự báo đối với loại thiên tai này đạt mức từ kém đến thấp và kỳ vọng đến năm 2040, khoa học có thể nâng lên mức kém đến trung bình. Chính vì vậy, theo GS, TS Trần Thục, cùng với việc tăng cường quan trắc, giám sát, việc theo dõi liên tục thông tin qua các hệ thống dự báo trực tuyến cũng như sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng trong việc rà soát các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất tại địa phương là rất quan trọng để có thể chủ động phòng ngừa, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra.