Để có những bước chạy thông minh

Thời gian qua, phong trào chạy bộ phát triển mạnh mẽ khi số lượng người tham gia ngày càng trở nên đông đảo. Các giải chạy bộ đủ các cự ly khác nhau, dành cho những lứa tuổi khác nhau được tổ chức quanh năm. Có những người liên tục di chuyển từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác để thi chạy, mặc dù chỉ là vận động viên phong trào.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Trước đây, chạy marathon là chuyện xa lạ với phần lớn mọi người, thì nay do phong trào chạy bộ phát triển, ngày càng nhiều người nâng độ dài quãng đường luyện tập của mình, rồi tham gia chạy bán marathon, marathon. Hàng nghìn hội nhóm vận động viên chạy bộ được lập trong một thời gian ngắn. Ngoài những giải chạy chính thức, các nhóm còn tổ chức khám phá những cung đường chạy độc lạ, thí dụ như chạy ở những khu vực đồi núi, chạy xuyên rừng...

Việc tập luyện thể thao hợp lý, trong đó có chạy bộ vừa giúp tăng cường sức bền, sức đề kháng, giảm béo và đẩy lùi một số loại bệnh tật. Song, trào lưu chạy bộ cũng kéo theo những mặt trái. Một vấn đề mà hầu hết các người chạy đều trải qua là chinh phục những thách thức về độ dài quãng đường và thời gian chạy. Thách thức đặt ra nhằm khích lệ tinh thần luyện tập của vận động viên. Nhiều người chạy bắt đầu từ những chặng 5 km, tăng dần lên 10 km, tiếp đó là đạt đến thử thách bán marathon, rồi cao hơn nữa. Song song với thành tích đó, họ phấn đấu giảm dần thời gian. Và việc nhận được sự động viên, khen ngợi khiến họ thêm đam mê và khuyến khích người khác đạt được thành tích tương tự. Những người từng có tiền sử phức tạp về sức khỏe, phụ nữ hay những người lớn tuổi thường được khen ngợi nhiều nhất khi họ “vượt lên chính mình”.

Tuy nhiên, những lời khen ngợi đôi khi khiến nhiều người mải miết chạy theo... thành tích, thay vì để khỏe mà mục đích chính là để... khoe. Kết quả là không ít người “cày đường” mà không có sự nghiên cứu để cân đối thành tích với nền tảng thể lực và xây dựng chế độ tập luyện, ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc một cách khoa học. Nhiều người “phát sốt” lên khi thấy đồng đội sáng nào cũng chạy hàng chục cây số, rồi cố “cày” để đạt được mục tiêu tương tự. Một số hội nhóm còn đặt thách thức, nếu ai không đạt được sẽ bị phạt.

“Bệnh thành tích”, bệnh “sống ảo” còn khiến có người khi cảm thấy khó đạt được, đã dùng một số loại thuốc tăng lực, giảm đau... mà không nghĩ đến hậu quả. Do thiếu cân đối trong kế hoạch tập luyện, ăn uống, có những người sau một thời gian đạt được thành tích cao, bắt đầu phát sinh những vấn đề về cơ, xương, khớp; bị chấn thương, phát sinh vấn đề tim mạch hoặc đơn giản hơn là mệt mỏi.

Có những người do hầu như ngày nào cũng “cày” hàng giờ đồng hồ trên đường, tham gia nhiều cuộc đua dẫn đến sao nhãng việc chăm sóc gia đình, ảnh hưởng công việc... Có những người ở độ tuổi 50-60 vẫn “đua” thành tích với lớp trẻ, nhưng không phải ai cũng có hiểu biết đầy đủ, có điều kiện chăm sóc bản thân hợp lý. Hậu quả với những trường hợp này có thể rất lâu dài khi bản thân cơ thể đã ở tuổi lão hóa.

Như bất kỳ môn thể thao nào, chạy bộ chỉ tốt nếu người chạy biết “lượng sức” và có chế độ chăm sóc bản thân, luyện tập khoa học. Gần đây, ở Giải chạy siêu Marathon tại Hòa Bình (tháng 3/2024) đã có một vận động viên tử vong. Giải chạy bán Marathon quanh hồ Tây (tháng 4/2024) có một vận động viên ngã quỵ khi gần về đến đích. Điều đó đòi hỏi ban tổ chức các giải chạy cần quan tâm hơn trong kiểm soát, chăm sóc sức khỏe vận động viên; đồng thời đây cũng là lời cảnh báo xương máu đến những người quá ham mê với thành tích “cày đường” mà không nhớ một điều rằng, tập luyện chạy để góp phần nâng cao sức khỏe, cân bằng tinh thần cho chính bản thân mình chứ không phải để lấy những lời khen ảo.