Viết tiếp lịch sử truyền thống gia đình cách mạng nơi tiền tiêu Tổ quốc

Thầy giáo trẻ Tạ Nguyên Quang đã trở nên rắn rỏi, rám nắng sau gần 1 năm gia nhập quân ngũ, làm tân binh tại đảo Trường Sa lớn. Mộc mạc, chân thành, Quang bảo, quyết định tạm dừng sự nghiệp công chức ngành giáo dục của mình để đi nghĩa vụ là một quyết định đúng đắn nhất với tuổi trẻ của em. "Em thấy mình trưởng thành hơn nhiều", Quang cười hiền khô.

Ở xã đảo tiền tiêu Tổ quốc, có rất nhiều người trẻ như Tạ Nguyên Quang, nếu không theo nghiệp cha, ông mình vào quân ngũ, thì cũng xung phong ra xã đảo công tác ở lĩnh vực khác. Bởi với họ, Trường Sa là máu thịt trong tim, được đặt chân tới Trường Sa là niềm hạnh phúc, tự hào sẽ đi theo suốt cuộc đời.

NỐI NGHIỆP BINH LÍNH

Tối 20/4, trên đảo Trường Sa lớn, tân binh Tạ Nguyên Quang háo hức khi cùng đồng đội thưởng thức vở kịch nói của Nhà hát kịch Công an nhân dân. Ra đảo đã nửa năm, nhưng phải đến những ngày tháng 4 này, các em mới càng cảm nhận được rõ ràng tình cảm của quân, dân đất liền khi đón các đoàn công tác đến với đảo.

Ước mơ lớn nhất của bố mẹ là có con trai theo nghề giáo. Không muốn làm phụ lòng cha mẹ, Tạ Nguyên Quang đã quyết tâm hoàn thành sự nghiệp học hành tại Đại học Sư phạm thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh và về làm một công chức tại quê hương. Tạ Nguyên Quang (sinh năm 1997) vốn đã có thể sống cuộc đời an nhiên của mình tại đất liền khi đang là giáo viên dạy thể dục tại Trường Tiểu học số 1, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Nghĩa, cho tới một ngày...

Tháng 2/2023, Quang có một quyết định bước ngoặt khi viết đơn xin đi bộ đội, tạm chia tay học trò của mình để nhập ngũ. Đơn xin của Quang đã tạo cảm hứng cho rất nhiều người trẻ bấy giờ. Quang nhanh chóng nhận nhiệm vụ ở Tiểu đội 2, Trung đội 2, Đại đội 2, Trung tâm huấn luyện, Vùng 4 Hải quân (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa).

Quyết định bước ngoặt này, không phải là suy nghĩ nhất thời với một người thầy giáo trẻ. Quang bảo, từ bé, người bác ruột theo nghề lính đã hun đúc cho Quang tình yêu với các chú bộ đội từ nhỏ. Tuổi thơ ở bên làng chài Bình Hải, mỗi ngày trên đường đi học, từ xa, Quang thường dõi ánh nhìn về người lính biên phòng đứng gác nghiêm ngắn. Quang đã được hun đúc tình yêu với người lính cụ Hồ từ tấm bé. Tình yêu ấy cứ lớn dần lên và chưa ngừng chảy trong trái tim người trẻ này để em làm đơn đi nghĩa vụ quân sự.

Vốn là một giáo viên thể dục có thể lực tốt, nhưng khi vào môi trường mới, Quang cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu trong môi trường có tính kỷ luật rất cao. Sau một năm ở đất liền, chàng trai để đặt chân tới Trường Sa lớn vào 3 tháng trước. Thời tiết khắc nghiệt, điều kiện còn thiếu thốn, khó khăn không làm nao núng tinh thần chiến sĩ trẻ.

Tạ Nguyên Quang và các chiến sĩ mới học cách phơi khăn và gấp chăn, màn đúng quy định. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Tạ Nguyên Quang và các chiến sĩ mới học cách phơi khăn và gấp chăn, màn đúng quy định. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Quang bảo, khi hết thời gian đi nghĩa vụ quân sự, nếu được lãnh đạo chỉ huy cho phép, Quang sẽ dành thời gian đi học văn bằng 2 và xin được tiếp tục cống hiến sức trẻ ở đảo Trường Sa. “Được đứng ở đảo Trường Sa lớn, nhận nhiệm vụ là một pháo thủ tại đây, những người lính trẻ như chúng em cũng rất vinh dự vì được góp chút ít phần nhỏ bé bảo vệ mảnh đất thiêng liêng Tổ quốc. Em xác định ở đây còn rất khó khăn nhưng em luôn sẵn sàng đối đầu”, Quang nhoẻn miệng cười.

Item 1 of 3

Phía cổng thị trấn Trường Sa, nơi neo đậu rất nhiều tàu thuyền của ngư dân, giữa cái nắng chói chang cuối tháng 4, tân binh Nguyễn Tấn Gia Bảo đang nhận nhiệm vụ canh gác. Nắng gió Trường Sa làm chàng lính trẻ Gia Bảo trở nên rắn rỏi, săn chắc sau khoảng nửa năm ra đảo. Mỗi ngày, đứng gác ở đây, Bảo thấy cuộc sống trở nên đặc biệt ý nghĩa, vì những tháng ngày huấn luyện gian khổ đã giúp em được tôi luyện thêm bản lĩnh và em càng thêm hãnh diện, tự hào mỗi khi được chung tay cùng đồng đội giúp đỡ ngư dân cập bờ xin trợ giúp.

Ông ngoại là lính đặc công đánh Mỹ ở Bến Tre, luôn bồi đắp tuổi thơ Gia Bảo bằng những câu chuyện rất đỗi tự hào về chiến công của cha ông đi trước, giữ từng tấc đất quê hương. Ông luôn có tâm nguyện sẽ có con cháu theo nghiệp binh lính của mình. Lớn lên với những câu chuyện của ông ngoại, dù sau này đã chuyển về khu công nghiệp Bình Dương sinh sống, Bảo vẫn dành nhiều thời gian xem các phim tài liệu về cuộc sống người lính ở đảo và để mơ ước một ngày cống hiến sức trẻ tại biển đảo. Nhưng khi đặt chân tới đây, em mới ngấm được nỗi khó khăn, vất vả của các anh đi trước. "Là tân binh, em đã học được rất nhiều điều về cuộc sống kỷ luật, đoàn kết, xung kích và tinh thần sẵn sàng chiến đấu", Gia Bảo, chừng 19 tuổi, nở nụ cười hiền khô tâm sự.

Những người trẻ, đã và đang viết tiếp những câu chuyện truyền thống cách mạng gia đình mình ở các điểm đảo xa xôi. Ở đó, có những người không theo nghiệp binh lính, nhưng họ đang bằng cách này, cách khác, cũng dốc sức để mang sức trẻ, mang tinh thần xung kích, lan truyền cảm hứng tích cực của sự tận hiến với giới trẻ.

Giao lưu văn nghệ trên đảo Tốc Tan.

Giao lưu văn nghệ trên đảo Tốc Tan.

Trong hành trình đến Trường Sa lớn, tôi ấn tượng với dáng vẻ xăm xắn của chàng trai Lê Quang Chung, một công chức tình nguyện đăng ký đến điểm đảo, công tác tại Phòng Văn hóa-Xã hội. Gần một năm qua ở đây, Chung đã cùng với lãnh đạo thị trấn, đề xuất các chương trình hoạt động văn nghệ, tạo nhịp sống tươi vui cho hòn đảo vào những ngày tháng biển động, không đón đoàn ra thăm.

Trong cái nắng gắt của buổi chiều tháng 4, sau khi chụp ảnh nghi lễ chào cờ trên Trường Sa lớn, đứng dưới tán cây rợp mát, Chung kể, ông nội em vốn là bộ đội tập kết, nên khi ông còn sống, rất muốn cháu nội thi đỗ vào ngành công an. Không đủ điểm đỗ công an, Chung học theo học ngành quản lý Nhà nước và viết đơn tình nguyện ra đảo ngay khi nhận tấm bằng tốt nghiệp. “Nếu ông nội còn sống, chắc chắn người mà tôi muốn mang niềm tự hào đặt chân ra đảo Trường Sa tới ông. Mình có nhiều cách để cống hiến sức trẻ cho biển đảo, và đây là một cách mà tôi chọn”, Chung tâm sự.

Bởi vậy, không thực hiện nhiệm vụ là người lính canh giữ biển đảo quê hương, nhưng chàng trai trẻ đều luôn sáng tạo để mang lại cuộc sống tươi vui hơn cho những người lính trẻ và người dân trên đảo. “Gần đây nhất 20/10, lễ 8/3, nhân dân trên đảo và quân đi hái hoa có sẵn như rau muống biển, hoa 10 giờ để làm bó hoa tặng cho các chị em. Các chị em làm các món bánh thạch rất ngon. Lúc ấy, mọi người càng gắn kết hơn để vơi đi nỗi nhớ nhà”, Chung hồn hậu nói.

Cuộc gặp gỡ với Chung, càng khiến tôi nhớ về gương mặt rạng rỡ của Nguyễn Văn Lâm, Trung đội trưởng thuộc Lữ đoàn 131 Hải quân (sinh năm 1997, quê Hà Tĩnh) đang công tác tại đảo Tốc Tan. Nụ cười hiền hậu của Thượng úy Nguyễn Văn Lâm khiến chúng tôi tan biến ngay cảm giác mệt nhọc và nắng gắt khi vừa đi xuồng ra đảo. Mới cưới vợ hơn nửa năm, Lâm lên đường thực hiện nhiệm vụ tại một điểm đảo nhỏ ở Quảng Ninh và ra Trường Sa mấy tháng qua.

Thượng úy Nguyễn Văn Lâm.

Thượng úy Nguyễn Văn Lâm.

Ước mơ trở thành người lính hải quân từ khi còn trên ghế nhà trường, Lâm lớn lên bằng những câu chuyện của cha mình kể về thời chiến đấu anh dũng của cha và các chú thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia. Lâm dần thấm thía môi trường quân ngũ rất lý tưởng để rèn mình, quyết tâm theo đuổi và cũng là để thự chiện điều mong mỏi của gia đình, cha mẹ. Từ đó, sau khi học xong lớp 12 quyết định thi vào trường Sĩ quan công binh và bước vào con đường binh nghiệp của mình.

Cuộc sống thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt tại đây không làm nao núng tinh thần chàng trai sinh ra và lớn lên ở vùng nắng gió Hà Tĩnh. Bởi ở đây, ngoài nhiệm vụ chính trị là huấn luyện chiến sĩ trên đảo, Lâm còn là người giúp các tân binh trưởng thành trong môi trường quân ngũ. “Em sinh ra trong gia đình cách mạng và em rất tự hào vì mình đã tiếp tục viết tiếp truyền thống lịch sử gia đình. Ở đảo Tốc Tan, nhiều đồng chí cũng sinh ra và lớn lên trong gia đình theo nghiệp binh lính, bố mẹ cống hiến sức trẻ của mình để làm giàu cho quê hương đất nước, vì thế, chúng em luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, công tác tốt, xứng đáng với trách nhiệm của người con gia đình”, Lâm cười hiền khô tâm sự.

Nếu ông nội còn sống, chắc chắn người mà tôi muốn mang niềm tự hào đặt chân ra đảo Trường Sa tới ông. Mình có nhiều cách để cống hiến sức trẻ cho biển đảo, và đây là một cách mà tôi chọn.
Lê Quang Chung
Item 1 of 3

Đoàn công tác số 8 ra thăm quân, dân đảo Trường Sa.

Đoàn công tác số 8 ra thăm quân, dân đảo Trường Sa.

TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CÁC TÂN BINH

Đảo Tốc Tan có hai nhà được tôn tạo cao, xây dựng kiên cố. Ở những góc sân của đảo, các chiến sĩ vừa trồng cây hoa, vừa tạo khoảnh vườn nhỏ gọn để tăng gia sản xuất rau xanh phục vụ cho bữa ăn hằng ngày. Các loại rau cải, mùng tơi, mầm, dưa chuột, ớt... mọc tươi xanh mơn mởn. Phía dưới chân ngôi nhà, lợn, gà, vịt được các chiến sĩ chăm nuôi rất mát tay, để bổ sung thực phẩm tươi cho cuộc sống ở đảo xa xôi này. 

Thượng úy Lê Công Quốc chia sẻ, các chiến sĩ trên đảo Tốc Tan chỉ quanh mốc 18-20 tuổi, còn trẻ, nhiều bỡ ngỡ, không có các điều kiện như đất liền, điều kiện thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn, môi trường biển đảo thời tiết khắc nghiệt nhưng được sự chỉ đạo quan tâm của cấp trên, anh em đồng lòng, đơn vị cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với thời gian làm quen nhanh chóng môi trường mới, anh em luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương.

Với tinh thần “Mọi người quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ thì đất nước sẽ giàu đẹp”, ngoài động viên trực tiếp các chiến sĩ ở biển đảo, Thượng úy Lê Công Quốc còn gọi điện cho từng gia đình các chiến sĩ, thông báo về nhiệm vụ của các em và động viên gia đình yên tâm về nhiệm vụ về nhiệm vụ thiêng liêng của các em trong thực hiện trách nhiệm với biển đảo quê hương. Sự động viên kịp thời, gắn bó, đoàn kết, cầm tay chỉ việc đã nhanh chóng tạo nên sự đoàn kết trong tập thể.

Tân binh Mang Công Đảng.

Tân binh Mang Công Đảng.

Tuy xa đất liền, nhưng với sự quan tâm của cấp trên, cuộc sống sinh hoạt ngoài giờ làm việc của các chiến sĩ cũng rất nhiều hoạt động giải trí như tập gym, huấn luyện thể lực, đọc sách ở thư viện, giao lưu văn hóa văn nghệ... vừa giúp chiến sĩ tăng cường sức khỏe, vừa có thêm tinh thần, động lực để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Ở đảo Tốc Tan, tân binh Mang Công Đảng có cái tên rất đặc biệt. Bố mẹ không phải đảng viên, gia đình không có truyền thống quân ngũ, nhưng sinh ra vào đúng ngày thành lập Đảng 3/2/2004 nên em được bố mẹ đặt tên “Mang Công Đảng”. Binh nhất Mang Công Đảng đã có nửa năm đến đảo Tốc Tan, giờ đây nỗi nhớ nhà đã dần vơi bớt và Đảng tin là mình sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để xứng đáng với tên mà cha mẹ đã đặt cho mình.

Với các chiến sĩ xa nhà, những ngày tháng 4-5 và dịp cuối năm là thời điểm nôn nao nhất vì được đón nhiều đoàn công tác đến tặng quà, thăm hỏi, động viên. Không giấu được những cảm xúc nhớ nhà, bịn rịn mỗi khi chia tay đoàn cán bộ, nhưng những chiến sĩ nơi đây đã được tôi luyện tinh thần thép, ý chí sắt đá để hậu phương luôn yên tâm về con em mình, luôn vững vàng nơi đảo xa.

Các chuyến thăm của các đoàn công tác đã góp phần cổ vũ tinh thần cho các chiến sĩ trẻ nơi đảo xa.

Các chuyến thăm của các đoàn công tác đã góp phần cổ vũ tinh thần cho các chiến sĩ trẻ nơi đảo xa.

Đồng chí Hoàng Đức Chiến, Trung tá, Chính trị viên đảo Sinh Tồn, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân, Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn chia sẻ, những ngày cuối tháng 4, được đón đoàn công tác của Bộ Công an, cán bộ chiến sĩ trên đảo vinh dự, vui mừng. Đây là nguồn động viên cổ vũ to lớn với đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng nhân dân các lực lượng trên đảo, tiếp thêm sức mạnh cũng như niềm tin, ý chí cho cán bộ chiến sĩ trên đảo tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc. “Chúng tôi càng thấy trách nhiệm của mình trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu và tình cảm mà người dân và cán bộ các lực lượng công an dành cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo”, Trung tá Hoàng Đức Chiến tâm sự.

Mỗi ngày trên hòn đảo này, ngoài nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương, thực hiện chủ trương lớn của Quân chủng Hải quân xanh hóa Trường Sa, cán bộ và chiến sĩ trên đảo và nhân dân lực lượng trên đảo thực hiện phủ xanh các khu vực đất trống và toàn bộ khu vực trên đảo. Trong những năm qua đảo tổ chức trồng, phủ xanh gần như 99% diện tích đất hiện trên đảo, bảo đảm môi trường xanh-sạch-đẹp, văn hóa tốt. Cán bộ chiến sĩ trên đảo thấy trách nhiệm bảo vệ gìn giữ cây xanh phục vụ đời sống cán bộ chiến sĩ trên đảo.

Các chiến sĩ trẻ thấy ấm lòng khi được các đoàn công tác ra thăm đảo, thăm hỏi, động viên.

Các chiến sĩ trẻ thấy ấm lòng khi được các đoàn công tác ra thăm đảo, thăm hỏi, động viên.

Ở đảo Sinh Tồn, Trường Sa lớn hay Đá Tây A chúng tôi tới, phóng tầm mắt nhìn đâu cũng ra khoảng xanh. Trên đảo, từng rặng phi lao, dừa, phong ba, tra... được trồng nối tiếp nhau đang phủ xanh kín đảo. Một số loại cây ăn quả như chuối, đu đủ đang chuẩn bị vào mùa thu quả. 40% thực phẩm trên đảo có thể tự cung cấp nhờ tăng gia sản xuất, nuôi lợn, gà, vịt, dê…

Nhìn màu xanh ngút tầm mắt của cây cỏ, được bao quanh bởi xanh biển, xanh trời, nhìn nụ cười hiền khô nhưng rắn rỏi, cương nghị của các chiến sĩ biển đảo, chúng tôi càng thêm phần ngưỡng mộ, cảm phục trước sự dấn thân của các chiến sĩ trẻ luôn chắc tay súng, vững tinh thần để gìn giữ màu xanh cho biển đảo quê hương. Mặc cho nắng bỏng da, mưa rát mặt, những chiến sĩ trẻ nơi đây vẫn hiên ngang giữa trời canh gác nơi đảo xa, tự hào được tiếp nối thế hệ cha, ông, góp sức nhỏ bé để bảo vệ Tổ quốc.

Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Thực hiện: THIÊN LAM
Ảnh: THIÊN LAM, Báo Quân đội nhân dân
Ngày xuất bản: 30/4/2024