Hiến máu tình nguyện: Phong trào đầy sức sống, mang đậm tình yêu thương

NDO - Ngày 20/1, tại Hà Nội, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (Bộ Y tế) tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày phát động phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam (24/1/1994- 24/1/2024).
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh và các đại biểu chứng kiến ký Biên bản phối hợp giữa các đơn vị trong công tác hiến máu tình nguyện tại Việt Nam.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh và các đại biểu chứng kiến ký Biên bản phối hợp giữa các đơn vị trong công tác hiến máu tình nguyện tại Việt Nam.

Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các tình nguyện viên, người tham gia hiến máu, người bệnh đang điều trị tại Viện.

Dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi Lẵng hoa chúc mừng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương: Giai đoạn trước năm 1994, ngành y tế tại nước ta gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là chuyên khoa Huyết học-Truyền máu, nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị thiếu nghiêm trọng, không có người cho máu dẫn đến công tác an toàn truyền máu không được bảo đảm.

Trong giai đoạn này, lượng máu toàn quốc tiếp nhận được phần lớn dựa vào số người bán máu chuyên nghiệp. Nhận thức của người dân về cho máu, an toàn truyền máu còn rất thấp, thậm chí còn kỳ thị với người đi cho máu. Đây là một rào cản lớn cho công tác vận động hiến máu.

Hiến máu tình nguyện: Phong trào đầy sức sống, mang đậm tình yêu thương ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Trước tình hình nêu trên, nhận thấy cần phải củng cố cơ sở truyền máu cũng như chăm sóc người bệnh, mục tiêu “phải có máu, máu an toàn, chất lượng cao cho điều trị bệnh” được đặt lên trên hết.

Để đạt được mục tiêu này, ngày 24/01/1994, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sự ủng hộ, hỗ trợ của Ban Khoa giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Viện Huyết học-Truyền máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai (nay là Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) đã tổ chức Lễ phát động ngày hiến máu nhân đạo tại Thủ đô Hà Nội. Đây được coi là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát động phong trào hiến máu nhân đạo, nay là hiến máu tình nguyện tại Việt Nam.

Hiến máu tình nguyện: Phong trào đầy sức sống, mang đậm tình yêu thương ảnh 2

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thăm và tặng quà người tham gia hiến máu tình nguyện tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự ủng hộ, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan từ Trung ương đến địa phương; sự chung sức, đồng lòng của các thế hệ cán bộ nhân viên ngành y tế, Hội Chữ thập đỏ các cấp, các tình nguyện viên làm công tác truyền thông, vận động hiến máu… phong trào hiến máu tình nguyện tại nước ta đã vươn mình lớn lên và phát triển từng ngày, từng bước đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Năm 1994, năm đầu tiên Việt Nam phát động phong trào, lượng máu tiếp nhận được của cả nước đã tăng hơn nhiều so với những năm trước đó với 138 nghìn đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 14,5%. Sau 20 năm, từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm chúng ta đều đã tiếp nhận được hơn một triệu đơn vị máu.

Đáng chú ý, lượng máu tiếp nhận được năm 2023 đã cao gấp hơn 11 lần so với năm 1994, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đến nay đã đạt 99%. Đồng thời, Việt Nam đã xây dựng và phát triển được hệ thống Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện từ Trung ương đến địa phương; thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu. Nhờ vậy, người bệnh cần truyền máu ở các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng các chế phẩm máu chất lượng như các bệnh viện ở tuyến trung ương.

30 năm qua, thực sự là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện. Hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Nếu như trước đây, lực lượng người hiến máu chính là thanh niên, sinh viên thì hiện nay lực lượng người hiến máu được mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo…

Hiến máu tình nguyện: Phong trào đầy sức sống, mang đậm tình yêu thương ảnh 3

Người dân tham gia hiến máu tình nguyện tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

Đặc biệt, nếu như trước đây người đi hiến máu bị gia đình ngăn cấm hay bị kỳ thị thì đến nay người đi hiến máu được mọi người tôn vinh, ủng hộ và là niềm tự hào của gia đình hay cơ quan công tác. Ngoài ra, hoạt động hiến máu cũng tạo dựng môi trường rèn luyện cho một bộ phận lớn thanh niên, sinh viên trong cả nước với hàng nghìn câu lạc bộ, đội tình nguyện với hàng trăm nghìn tình nguyện viên vận động hiến máu... Đây đã là môi trường tốt cho đội ngũ này đóng góp, trải nghiệm và rèn luyện những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Phát biểu ý kiến tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, Bộ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các hoạt động của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp, của các cơ quan, đơn vị… đối với phong trào hiến máu tại nước ta.

Đặc biệt là sự tiên phong, sáng tạo và tâm huyết của tập thể các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã phối hợp các đơn vị cùng gây dựng, duy trì và phát triển được một phong trào đầy sức sống, mang đậm tình yêu thương, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hiến máu tình nguyện: Phong trào đầy sức sống, mang đậm tình yêu thương ảnh 4

Bộ trưởng Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện Đào Hồng Lan phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Để tiếp tục duy trì và phát triển bền vững phong trào, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp, các cơ quan, đơn vị; Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tiếp tục tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động hiến máu tình nguyện; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý đối với công tác vận động và tổ chức hiến máu.

Các đơn vị tập trung đề xuất xây dựng các giải pháp và triển khai để duy trì và phát triển nguồn người hiến máu tình nguyện ngày càng ổn định, thực chất và bền vững hơn, bảo đảm nguồn máu an toàn, chất lượng điều trị cho người bệnh từ tuyến Trung ương đến các địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu; đẩy mạnh vận động người hiến máu nhắc lại, hiến máu thường xuyên, hiến máu thể tích từ 350ml trở lên.

Người đứng đầu ngành y tế cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cần có những nghiên cứu, đánh giá, rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động truyền máu, đến người hiến máu và báo cáo lại Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và Bộ Y tế để kịp thời điều chỉnh, bổ sung nếu cần. Đồng thời, quan tâm việc ứng dụng chuyển đổi số y tế vào quản lý người hiến máu và các đơn vị máu; kết nối thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu người hiến máu thống nhất, liên thông giữa các địa phương, giữa các trung tâm máu, bệnh viện có tiếp nhận máu...