Những người hiến máu phenotype: Chúng tôi không nghĩ mình có dòng máu "khác biệt"

NDO - "Tiền mình có thể kiếm ra được, nhưng máu hiếm thì không phải ai cũng có. 29 Tết, tôi vẫn đi taxi từ Đông Anh sang viện để kịp thời truyền máu cho một bệnh nhân thalassemia được về nhà ăn tết", ông Nguyễn Bá Lợi (Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ. 
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Bá Lợi thường xuyên hiến máu và tiểu cầu.
Ông Nguyễn Bá Lợi thường xuyên hiến máu và tiểu cầu.

Ngày 16/12, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tổ chức gặp mặt 200 người hiến máu hòa hợp (phenotype) tiêu biểu năm 2023. Trong số 200 đại biểu hôm nay, có hơn 20 đại biểu là cán bộ, nhân viên của viện, từ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên tiếp nhận máu, điều chế máu đến lái xe, hộ lý...

Dòng máu khác biệt đã cứu sống nhiều bệnh nhân

56 tuổi, ông Nguyễn Bá Lợi đã có hơn 20 năm tham gia hiến máu tình nguyện. Kể từ năm 2019 khi tham gia hiến máu tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, ông biết mình thuộc nhóm máu hiếm. "Bác sĩ đề nghị tôi có thể hiến máu hiếm khi bệnh nhân cần, tôi đồng ý", ông Lợi cho hay.

"Tôi nghĩ máu của mình bình thường, nhưng giờ tôi biết máu mình hiếm", vì thế, ông chưa bao giờ từ chối lời đề nghị đi hiến máu dù nhà cách viện gần 30km và hầu hết mỗi lần đi hiến máu.

Ngày 29 Tết năm 2020, ông nhận được điện thoại từ cán bộ y tế đến Viện hiến máu hòa hợp cho một bệnh nhân thalassemia. "Nếu bác hiến máu, bệnh nhân có thể được về quê ăn Tết chiều nay. Nếu không thể thì bệnh nhân sẽ phải ở lại ăn Tết". Cuộc gọi khiến ông không thể từ chối, xin nghỉ ca chiều cuối năm vào viện hiến máu.

Những người hiến máu phenotype: Chúng tôi không nghĩ mình có dòng máu "khác biệt" ảnh 1

Chương trình tôn vinh 200 người hiến máu hòa hợp tiêu biểu.

“Trước kia tôi vẫn suy nghĩ hiến máu cứu người luôn là việc cần làm, nhưng khi biết dòng máu của mình thực sự có giá trị với nhiều bệnh nhân thường xuyên phải truyền máu tôi càng sẵn sàng với việc làm này. Kể cả khoảng cách xa, phải tốn tiền đi taxi, tôi cũng vẫn sẵn lòng. Tôi nghĩ, tiền có thể kiếm được, nhưng máu hiếm thì không phải ai cũng có và người bệnh đang cần mình. Tôi sẽ hiến máu đến khi nào hết tuổi thì thôi”, ông Lợi chia sẻ.

Năm 2023, Viện đã cung cấp 2.681 đơn vị máu hò hợp phenotype phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân trong Viện và một số bệnh viện khác.

Là giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, chị Lê Thị Thu Phương chia sẻ, chị tham gia hiến máu tình nguyện từ khi còn là sinh viên năm nhất đại học. Tính đến giờ cũng khoảng 20 lần tham gia hiến máu. Nhưng với chị Phương, chỉ đến năm 2020, chị mới biết trong dòng máu nhóm O của mình có chứa những kháng nguyên đặc biệt, phù hợp để hiến máu hòa hợp (phenotype).

Những người hiến máu phenotype: Chúng tôi không nghĩ mình có dòng máu "khác biệt" ảnh 2

Bệnh nhân thalassemia gửi lời cảm ơn tới những người hiến máu hòa hợp đã giúp chị có cơ hội được ổn định sức khỏe.

Chị tâm sự, dù công tác trong ngành y tế, nhưng thực sự tôi cũng chưa được nghe giải thích nhiều về hiến máu hòa hợp. Khi đi hiến máu, chỉ biết rằng mình mang nhóm máu O, có thể thích hợp truyền cho các bệnh nhân không cùng nhóm máu. Sau đó được giải thích dưới nhóm máu O vẫn còn phân chia nhiều dạng khác nhau, như vậy có thể phù hợp truyền cho những bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh phải thường xuyên truyền máu.

“Thực sự khi biết mình mang dòng máu nhóm O khác biệt, em thấy mình có ý nghĩa hơn, có đóng góp với mọi người nhiều hơn và từ đó cũng thấy mình phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với các cháu nhỏ mắc bệnh lý máu”, Phương chia sẻ thêm.

Tránh tai biến truyền máu nhờ hiến máu hòa hợp

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, ngoài hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là hai hệ thống nhóm máu có ý nghĩa nhất trong thực hành truyền máu thì còn rất nhiều các hệ thống nhóm máu khác mà kháng nguyên của nó có tính sinh miễn dịch cao, tức là có thể kích thích cơ thể người nhận sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên tương ứng (còn gọi là kháng thể bất thường). Các kháng thể bất thường này có thể gây ra các tai biến truyền máu và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh.

Những người hiến máu phenotype: Chúng tôi không nghĩ mình có dòng máu "khác biệt" ảnh 3

Các bác sĩ chia sẻ tại chương trình.

Đặc biệt với, bệnh nhân Thalassemia là bệnh bẩm sinh di truyền, luôn trong tình trạng thiếu máu. Khi truyền máu nhiều, bệnh nhân sẽ sinh kháng thể bất thường. Vì thế, bệnh nhân tan máu bẩm sinh có nguy cơ gặp biến chứng khi truyền máu cao nhất như sốc, tan máu trong lòng mạch, suy thận. Muộn hơn nữa, nếu gặp máu không hòa hợp, bệnh nhân sẽ tích thừa lượng sắt trong người.

Vai trò của truyền máu hòa hợp phenotype

- Hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến truyền máu do bất đồng nhóm máu hồng cầu giữa người cho và người nhận.

- Hạn chế được việc sinh kháng thể bất thường hệ hồng cầu.

- Hạn chế việc điều trị thải sắt đối với nhóm bệnh nhân tan máu bẩm sinh cần truyền máu thường xuyên.

- Hạn chế bệnh thiếu máu tan máu miễn dịch.

- Nhờ đó mang lại hiệu quả về xã hội và kinh tế cho người bệnh sống phụ thuộc vào truyền máu, giúp họ sống có chất lượng, giảm chi phí do giảm số lần vào viện và giảm số lần truyền máu.

Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã xây dựng được và tiếp tục mở rộng ngân hàng hiến máu dự bị bằng cách xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO và Rh(D) cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên. Nhờ đó, khi có những bệnh nhân cần truyền máu hòa hợp phenotype, Viện có thể gọi người hiến máu phù hợp theo danh sách.

Năm 2023, viện đã cung cấp 2.681 đơn vị máu hoà hợp phenotype phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân trong viện và một số bệnh viện khác.

Thạc sĩ Lê Lâm, Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương bày tỏ, để có được hơn 2.600 đơn vị máu hòa hợp phenotype cho người bệnh trong năm 2023, viện nhận được sự ủng hộ, chia sẻ, trách nhiệm của hàng trăm người hiến.

Hiện viện đang quản lý hơn 800 người bệnh cần truyền máu hòa hợp phenotype, chủ yếu là bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Nếu mỗi tháng bệnh nhân truyền máu 1 lần thì viện cần đến gần 10.000 đơn vị máu hòa hợp phenotype/năm.

Những người hiến máu phenotype: Chúng tôi không nghĩ mình có dòng máu "khác biệt" ảnh 4

Các gương mặt hiến máu hòa hợp tiêu biểu năm 2023.

Tuy nhiên, ông Lê Lâm cũng bày tỏ, trong quá trình huy động đơn vị máu hòa hợp phenotype, viện gặp rất nhiều khó khăn do: Nguồn người hiến máu chưa được mở rộng; nhiều người được làm xét nghiệm từ những năm 2010 đến nay không liên lạc được.

Những người khoảng 3 năm trở lại đây chưa hiến máu nhắc lại thì tỷ lệ không nghe máy và từ chối hiến máu rất cao. Nhiều bệnh nhân có kiểu hình kháng nguyên nhóm máu rất khó, có những bệnh nhân chỉ có 1-5 người hiến máu phù hợp…

Tháng 6/2021, Hội Truyền máu Quốc tế công nhận có tới 43 hệ nhóm máu hồng cầu với 376 kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Mỗi hệ thống nhóm máu gồm 1 hoặc nhiều kháng nguyên, phức tạp nhất là hệ nhóm máu Rh với trên 50 kháng nguyên.

Việc phát hiện ra các nhóm máu khác nhau của hệ hồng cầu đã giải thích được các trường hợp tai biến truyền máu mặc dù đã có phù hợp về nhóm máu hệ ABO.

Công tác truyền máu an toàn cũng thêm một bước tiến nhờ việc các nhà khoa học đã đề cập đến việc thực hiện xét nghiệm hòa hợp giữa người cho và người nhận.