Hãy sẵn sàng yêu thương cuộc sống này thêm lần nữa

NDO - "Chúng ta không cô đơn trên hành trình điều trị ung thư máu. Hãy coi chúng ta là học sinh giỏi và cuộc đời cho mình bài toán khó hơn để giải bài toán khó nhất này", chị Lê Thị Phượng Nhi kể về hành trình vực dậy từ vực sâu 3 năm trước khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư máu
0:00 / 0:00
0:00
Hãy sẵn sàng yêu thương cuộc sống này thêm lần nữa

Những giọt nước mắt một lần nữa rơi trên gương mặt những người bệnh là người quen ở Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương nhiều năm qua. Nhưng đây là những cảm xúc lạc quan của những người đã vượt qua cửa tử, một lần nữa được sống với đời trong chương trình “Câu chuyện mùa xuân” lần thứ 4 dành cho người bệnh nhân Ngày Thế giới phòng chống ung thư 4/2 do Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tổ chức.

Có những chiến binh đi qua mọi cảm xúc tiêu cực, đau thương khi phát hiện vài bệnh ung thư liên tiếp, nhưng họ đã vững vàng vượt qua và những điều kỳ diệu đã đến bằng chính niềm tin vào y học và tinh thần lạc quan trong hành trình chiến đấu với những tế bào lạ trong cơ thể.

"Quan trọng là bạn đã sống thế nào?"

Chị Lê Thị Phượng Nhi (Mê Linh, Hà Nội) phát hiện mắc bệnh K máu vào năm 2021. Sau những ngày truyền hóa chất và thải độc chì, đến tuần thứ 3, cả 3 dòng chỉ số giảm sâu. Tiểu cầu, bạch cầu thấp là chị xuất huyết khắp chân, miệng lở loét, sốt li bì, cơ thể trở nên rã rời không còn sức sống. Trải qua 3 đợt hóa chất, hoàn thành phác đồ điều trị, bệnh đã lui hoàn toàn.

Được tái sinh, với chị Nhi là một phép màu và chị tâm sự rằng, sự yêu thương của các y, bác sĩ tại Viện, sự động viên nhau của mỗi người bệnh trong khoa Máu người lớn đã giúp chị và nhiều người bệnh đã chiến thắng, quên đi mình là một bệnh nhân.

Hãy sẵn sàng yêu thương cuộc sống này thêm lần nữa ảnh 1

Chị Lê Thị Phượng Nhi (Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ về hành trình vượt qua bạo bệnh.

Lớp 9, cậu bé Bùi Tiến Mạnh phát hiện bệnh K máu. "Bố mẹ em giấu bệnh, em rất suy sụp và khóc rất nhiều. Lúc đó, em may mắn đọc được câu chuyện lạc quan của cô Diệu Thuần, thấy câu chuyện của mình rất giống cô, nên em đã nỗ lực để vượt qua. Sau một năm lui bệnh hoàn toàn, em đã đi học trở lại và đã đỗ đại học", Mạnh kể.

Hành trình của Mạnh là hành trình của rất nhiều người lớn và bệnh nhi tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương hàng chục năm.

Chị Nguyễn Thu Phương kể lại hành trình chấp nhận cú sốc năm 36 tuổi bằng những dòng chữ xúc động "Bỗng 1 ngày, cả thế giới (gia đình, người thân, bạn bè...) yêu thương mình nhiều hơn. Cả bầu trời cơm áo gạo tiền không cần đến sự quan tâm của mình nữa. Và cuộc đời bắt đầu như một bộ phim Hàn Quốc vẫn xem, rồi mình thủ luôn vai chính. Nhanh như 1 cơn lốc nhưng dài hơn 36 năm cuộc đời.

Một cuộc chiến không ngắn, không đơn giản, không tiết kiệm... Đó là khoảng thời gian dài hơn 36 năm mình đã đi qua, phức tạp hơn mọi thất bại mình từng trải. Và mình, chính mình Nguyễn Thu Phương đã trở thành 1 chiến binh của căn bệnh ung thư máu (Lơ xê mi cấp dòng tủy thể M2)”.

Hãy sẵn sàng yêu thương cuộc sống này thêm lần nữa ảnh 2

Nhiều câu chuyện xúc động được chia sẻ tại chương trình.

5 năm, đối diện với 2 cú sốc liên tiếp là ung thư máu và ung thư cổ tử cung, nhưng sự lạc quan và bình tĩnh đã giúp chị liên tiếp chiến thắng bệnh tật. "Sau gần 5 năm, tôi đã trở lại chăm sóc gia đình, được làm việc mình thích, được thực hiện những điều còn dang dở", chị Phương xúc động nói.

Là bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc nửa hòa hợp tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, anh Chu Sơn Chung đã có nhiều năm dài để vượt qua bạo bệnh.

Cơ hội đầu tiên ghép đồng loài phù hợp hoàn toàn HLA từ em trai bị dập tắt, anh đã nghĩ đến việc ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng. Nhưng cân nặng của anh không đủ giúp anh hoàn thành ca ghép.

Ghép tế bào gốc nửa hòa hợp phức tạp hơn, nhiều nguy cơ biến chứng hơn và là phương pháp còn mới mẻ năm 2015 là cơ hội cuối cùng của anh. Nhưng với niềm tin vào các y, bác sĩ, anh đã sẵn sàng trở thành người đầu tiên ghép nửa hòa hợp. "Dù cơ hội chỉ là 50/50 nhưng tôi vẫn tin mình đã đạt được 51% để giành chiến thắng", anh Chung đặt niềm tin.

Ca ghép xuyên Tết năm 2015 đã giúp anh tái sinh và nghị lực ấy đã giúp anh có thêm nhiều khao khát hơn nữa với cuộc đời và sẵn sàng chinh phục những bước tiến mới trong sự nghiệp.

Hãy yêu thương cuộc đời thêm lần nữa

“Câu chuyện mùa xuân” là chương trình được tổ chức thường niên nhằm hỗ trợ tinh thần, kết nối hoạt động thiện nguyện cho người bệnh và truyền thông giáo dục sức khỏe. Chương trình năm nay mang thông điệp “Thêm một lần nữa, hãy sẵn sàng yêu thương cuộc đời này”. Bởi ung thư không phải kết thúc, đó chỉ là khởi đầu của một hành trình sống mới với những trải nghiệm mới. Dù có niềm đau, nỗi buồn nhưng vẫn còn đó niềm tin và những ân tình.

Hãy sẵn sàng yêu thương cuộc sống này thêm lần nữa ảnh 3

Với mục đích truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe, chương trình có sự tham dự và tư vấn của chuyên gia trong lĩnh vực ung thư huyết học. Chủ đề điều trị ung thư máu luôn nhận được quan tâm và đón nhận trong chương trình. Với những tiến bộ trong điều trị hiện nay, khá nhiều người bệnh ung thư có thể khỏi bệnh hoặc điều trị ổn định và sống lâu dài với chất lượng cuộc sống được cải thiện.

Không chỉ cung cấp kiến thức hữu ích, “Câu chuyện mùa xuân” còn khơi dậy nguồn cảm hứng từ chính những người đã từng trải qua căn bệnh ung thư máu. Họ “chiến đấu” mạnh mẽ và hạnh phúc đón nhận kết quả lui bệnh hoàn toàn. Sự xuất hiện của họ trong chương trình mang đến tinh thần lạc quan và những câu chuyện tích cực sau nhiều năm cố gắng.

Hãy sẵn sàng yêu thương cuộc sống này thêm lần nữa ảnh 4

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương chia sẻ tại chương trình.

Tiếp nối 3 ấn phẩm đã phát hành, nhân dịp này, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương ra mắt tập san “Câu chuyện mùa xuân” năm thứ 4 dành tặng người bệnh. 10 nhân vật có mặt trong cuốn sách là những người trụ cột gia đình, những bạn thanh niên trẻ mới bước vào cuộc sống và các cháu nhỏ. Họ kể về cách chấp nhận, động lực sống và vượt qua bệnh tật. Qua sự chiêm nghiệm này, người đọc có thể nhận ra ung thư không còn là nỗi sợ hãi mà là bước ngoặt giúp mỗi chiến binh trở nên mạnh mẽ hơn trước thử thách.

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: Ung thư có lẽ không nên được coi là “căn bệnh chết chóc” nữa, mà chỉ là “căn bệnh nan y” cần chữa trị trong một thời gian dài. Người bệnh ung thư có thể lui bệnh, phục hồi, duy trì sức khỏe ổn định một cách an toàn sau thời gian điều trị kéo dài.

Thông qua chương trình, Tiến sĩ Vũ Đức Bình muốn gửi tới người bệnh thông điệp: “Ung thư không phải là kết thúc, mà chỉ là khởi đầu một hành trình sống mới, với những trải nghiệm mới. Dù có nỗi buồn khổ, có sự mệt mỏi, nhưng vẫn còn đó niềm tin và những ân tình gửi trao tới mỗi người bệnh như quý vị đang mang tới đây. Thêm một lần nữa, hãy sẵn sàng yêu thương cuộc đời này!”.