Hậu quả khôn lường từ việc coi thường an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể

NDO - Từ vụ việc ngộ độc tập thể nghiêm trọng xảy ra tại trường iSchool Nha Trang, chuyên gia chống độc Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo người dân không thể lơ là với an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, nếu không sẽ phải nhận nhiều bài học đắt giá. 
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Vi khuẩn Salmonella là thủ phạm thường thấy trong các vụ ngộ độc thực phẩm

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc thực phẩm có ba nhóm nguyên nhân: Vi sinh vật; Hóa chất và nhóm nguyên nhân do độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (như sắn, măng, cá nóc…).

Nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm do nguyên nhân hóa chất hoặc độc tố tự nhiên thì cực kỳ phức tạp ở khâu chẩn đoán, xác định nguyên nhân và mức độ thường rất nặng nề, để lại di chứng, thậm chí tử vong.

Vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học, THCS, THPT iSchool Nha Trang được xác định hàng trăm trẻ ngộ độc vi khuẩn nguy hiểm Salmonella.

Theo bác sĩ Nguyên, vi khuẩn Salmonella là thủ phạm thường thấy trong các vụ ngộ độc thực phẩm có quy mô lớn. Đây là vi khuẩn nguy hiểm trong số các vi khuẩn đường ruột gây ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn Salmonella là tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn này xảy ra chủ yếu cục bộ ở dạ dày ruột, nên còn có thể gọi là viêm dạ dày ruột do Salmonella.

Ban đầu vi khuẩn vào cơ thể qua đường ăn uống, gây nhiễm trùng ở dạ dày ruột là chính, thời gian ủ bệnh thường từ 6-72 giờ sau ăn thực phẩm bị nhiễm bẩn, bệnh nhân biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện mất nước, nhiễm trùng.

Tuy nhiên, có tới 8% các trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu…

Vì thế, ban đầu đã thực sự gây thách thức cho việc xử trí, tiên lượng, đặc biệt trước yêu cầu phải loại trừ nguyên nhân do hóa chất, do co giật là một trong các biểu hiện dễ gặp ở nhóm nguyên nhân do hóa chất.

Tính đến thời điểm này, tại vụ việc trường iSchool ghi nhận có ít nhất có 4-5 bệnh nhân khác cũng bị sốc nhiễm khuẩn và hàng chục trẻ khác trong tình trạng nặng như co giật, mất nước nặng, suy hô hấp đã được các bệnh viện cấp cứu, điều trị thành công, những trường hợp này đều đã hồi phục tốt. Những trường hợp nhẹ hơn đã được xuất viện.

"Theo Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong của ngộ độc này khoảng 1%. Trường hợp cháu bé ở trường iSchool tử vong là do sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn Salmonella gây ra", bác sĩ Nguyên cho hay.

Trong vòng 24 giờ đầu, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã được kết nối và hội chẩn vụ việc ngộ độc tại Nha Trang, do đó ngay từ trưa 19/11 đã xác định được vi khuẩn Salmonella có ở các bệnh nhân, góp phần tích cực cho công tác cứu chữa các bệnh nhân và xác định sớm nguyên nhân.

Theo bác sĩ Nguyên, sự việc xảy ra thực sự quá tải với các bệnh viện, nhưng với việc điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế nên mặc dù với tỷ lệ tới 8% các trường hợp vi khuẩn có thể vào máu (với trên 600 bệnh nhân sẽ có khoảng 50 người có thể bị bệnh nặng), nhưng các bác sĩ đã cứu sống được vài chục trẻ. Hàng trăm cháu còn lại sớm hồi phục để trở về với cuộc sống hàng ngày.

Phòng tránh ngộ độc tại bếp ăn tập thể

Tình trạng ngộ độc có quy mô lớn như bếp ăn tập thể ở công ty, xí nghiệp, trường học, hội nghị… vẫn thường xuyên xảy ra tại nước ta.

Trong 3 nhóm nguyên nhân là ngộ độc thực phẩm (vi sinh vật, hóa chất và các độc tố tự nhiên), nhóm vi sinh gây ngộ độc thực phẩm xảy ra thường xuyên, tần suất nhiều và nhìn thấy nhiều nhất. Có những loại vi khuẩn hay gây ngộ độc thực phẩm như tụ cầu, E.coli, Salmonella …

Việc điều trị đối với các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do nhóm vi sinh vật thường đơn giản, đa phần bệnh nhân sẽ ổn định. Tuy nhiên, vi khuẩn Salmonella dễ diễn biến nặng.

Để nhận biết ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, bác sĩ Nguyên cho rằng, khi có từ 2 người trở lên có cùng triệu chứng bệnh như nhau (nôn, đau bụng, tiêu chảy…) sau khi cùng ăn uống một số loại thực phẩm nghi ngờ thì phải nghĩ đến ngộ độc.

Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nhẹ, nôn ít, tiêu chảy ít và tự hết, không sốt hoặc sốt nhẹ, vẫn ăn uống được thì bệnh nhân có thể tự uống Orezol và điều trị tại nhà.

Trong trường hợp bệnh nhân sốt cao, nôn nhiều, tiêu chảy mất nước nhiều, đau bụng nhiều, mệt nhiều, hoặc có các biểu hiện mà không phải do tiêu hóa, mất nước hay nhiễm trùng như tê bì, yếu cơ, liệt cơ, mờ mắt, đau đầu nhiều, lơ mơ, lẫn lộn, co giật, hôn mê, đau ngực, tiểu ít,… phải nhanh chóng tới cơ sở y tế.

Do đó, theo bác sĩ Nguyên, bếp ăn tập thể phải bảo đảm thực hiện các điều kiện quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống như: Nguồn nguyên liệu thực phẩm, nơi chế biến, cơ sở chế biến, thực tế việc triển khai chế biến và bảo quản thực phẩm.

"Nhà nước đã có nhiều quy định liên quan đến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, tuy nhiên cần phải giám sát thật chặt tất cả các khâu trong chuỗi thực phẩm. Khi phát hiện các vi phạm, cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm, đủ tính răn đe", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bản thân người sử dụng dịch vụ cần biết để giám sát chuỗi thực phẩm, quy trình chế biến thực phẩm bởi đây là quyền lợi thiết thực của mình. Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm và các nguyên liệu, áp dụng 10 quy tắc vàng trong chế biến thực phẩm theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hoặc các quy tắc chế biến bảo quản của quốc tế.

"Không được phép chủ quan, xem nhẹ vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm, không được phép vì lợi nhuận trước mắt và không bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi vì chủ quan sẽ có thể dẫn đến hậu quả khôn lường khi đã có nhiều bài học đắt giá xảy ra khi không bảo đảm an toàn thực phẩm cho suất ăn của công nhân, học sinh…", bác sĩ Nguyên cảnh báo.