Giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm

Vào dịp cuối năm, thị trường thực phẩm càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi các lực lượng chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Từ nay đến cuối năm, cần tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh: BẮC SƠN
Từ nay đến cuối năm, cần tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh: BẮC SƠN

Đẩy mạnh hậu kiểm an toàn thực phẩm

Theo thông lệ vào những tháng cuối của năm, thị trường thực phẩm luôn sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Lợi dụng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh vào dịp cuối năm, một số cơ sở chế biến, kinh doanh hàng hóa thường tung ra thị trường các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, ngăn chặn thực phẩm “bẩn” tuồn ra thị trường, theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ nay đến cuối năm, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường. Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định. Tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm phải có các biện pháp khắc phục thì mới được tiếp tục hoạt động.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: “Để đạt được mục tiêu 100% chợ trên địa bàn Thủ đô được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm…, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội yêu cầu các Ban Quản lý chợ kiểm soát chặt chẽ nông sản trước khi đưa vào kinh doanh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo luật định. Sở tập trung chỉ đạo xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm người dân Thủ đô được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn”.

Bên cạnh việc tăng cường vai trò quản lý, giám sát việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, theo ông Đặng Thanh Phong, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trong dịp cuối năm. Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin tuyên truyền về các văn bản mới và thực trạng an toàn thực phẩm trên địa bàn. Cùng với đó, tôn vinh, quảng bá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn. Qua đó, nâng cao ý thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.

Ðối với người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nói “không” với thực phẩm “bẩn” là cách mà người tiêu dùng góp phần loại bỏ những cơ sở làm ăn gian dối và tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi đưa vào chợ; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thiết lập đường dây nóng và công khai các cơ sở vi phạm. Đồng thời sẽ tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hướng dẫn về các trang thiết bị kinh doanh, bảo quản thực phẩm. Thành phố cấp biển nhận diện các cơ sở đáp ứng yêu cầu và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để cấp hoặc thu hồi biển nhận diện này. Bên cạnh đó, các chợ lấy mẫu xét nghiệm nhanh hằng ngày đối với thực phẩm kinh doanh tại chợ; cơ sở kinh doanh phải ký cam kết, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa...

Giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm ảnh 1

Công tác giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các chợ tự phát chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: KHIẾU MINH

Xây dựng chợ an toàn thực phẩm

Hiện nay, việc xây dựng và nhân rộng chợ an toàn thực phẩm có ý nghĩa quan trọng, bởi hiện nay có 75% nguồn cung thực phẩm tới người tiêu dùng thông qua các chợ truyền thống. Bà Nguyễn Thanh Mai, cán bộ hưu trí trú ở phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Cần nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm vì bên cạnh những chợ được sửa chữa, xây dựng mới khang trang, thành phố Hà Nội vẫn còn những khu chợ hoạt động lâu năm, cơ sở vật chất xuống cấp, diện tích chật hẹp, chưa bảo đảm an toàn vệ sinh. Nhiều chợ được xây dựng từ lâu, chưa có hệ thống xử lý chất thải, chưa phân chia khu vực chế biến, trang thiết bị phục vụ việc kinh doanh thực phẩm còn thiếu và thô sơ, chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và cho phép Bộ Công thương được triển khai các mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc. Từ các mô hình thí điểm, đến nay cả nước đã có hàng trăm chợ an toàn thực phẩm được xây dựng thành công. Đây là khuôn mẫu để các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp tham khảo xây dựng hoặc cải tạo các chợ bảo đảm hạ tầng, chấp hành các quy định về nguồn gốc hàng hóa.

Tại Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội cùng UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng các mô hình chợ an toàn thực phẩm. Các chợ Nghĩa Tân, Đồng Xa (quận Cầu Giấy) đã quản lý và cấp biển nhận diện cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Quận Long Biên có 15 chợ đạt tiêu chí “Chợ văn minh thương mại”. Theo đại diện UBND quận Long Biên, cơ sở vật chất tại các chợ được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, nguồn gốc hàng hóa được kiểm soát tốt hơn.

Tuy đã đạt được những thành công bước đầu, song đại diện Bộ Công thương cũng chỉ rõ, việc xây dựng chợ an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Theo bà Lê Việt Nga, hiện có đến 86% trong tổng số 8.549 chợ truyền thống trên cả nước là chợ hạng 3, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, hạ tầng yếu kém. Bên cạnh đó, người dân đến mua sắm còn chưa đông nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư.

Khó khăn nữa là hàng hóa tại các chợ được cung ứng từ nhiều nguồn, khiến việc truy xuất nguồn gốc không đơn giản. Ngoài ra, nhiều tiểu thương chưa quan tâm tham gia tập huấn về an toàn thực phẩm, hiểu biết về các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của không ít đơn vị quản lý chợ và cơ sở kinh doanh thực phẩm còn hạn chế…

Để xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, ông Hoàng Minh Luân, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam cho rằng, giải pháp hàng đầu là nâng cấp hạ tầng các chợ với hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác thải đồng thời kiểm soát nguồn hàng hóa và xử lý vi phạm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, việc tuyên truyền, tập huấn tới các hộ kinh doanh, người quản lý tại các chợ cũng như người dân về an toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Mặt khác, theo các chuyên gia, giải pháp mang tính lâu dài để bảo đảm truy xuất nguồn gốc hàng hóa là xây dựng chuỗi cung ứng an toàn. Từ thực tế cung ứng thực phẩm tại chợ truyền thống, Phó Giám đốc Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Nguyễn Xuân Anh Tuấn cho hay, việc xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến giết mổ và bán lẻ tại chợ không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn hướng đến mục tiêu quan trọng là sản xuất bền vững với tất cả các chủ thể trong chuỗi.

Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước Lê Việt Nga thông tin, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ những khó khăn trong việc xây dựng chợ an toàn thực phẩm. Bộ sẽ đẩy mạnh tập huấn, truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm ở chợ; tăng cường kết nối các chuỗi liên kết bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn... “Giải pháp quan trọng là cần có cơ chế, chính sách phù hợp để có thể liên kết các cơ quan quản lý với doanh nghiệp, HTX cùng tham gia quá trình xã hội hóa xây dựng, quản lý, khai thác các chợ truyền thống theo hướng an toàn thực phẩm”, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện thành phố có 70.779 cơ sở thực phẩm. Trong chín tháng năm 2022, toàn thành phố đã kiểm tra được 20.688 cơ sở, trong đó có 16.985 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 82,1%) và 3.618 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 600 cơ sở với số tiền hơn bốn tỷ đồng. Ngoài ra, có 46 cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 58 cơ sở bị đình chỉ.