Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 344 dự án với tổng vốn đầu tư 181.887 tỷ đồng và 1.103,02 triệu USD. Trong đó, có 180 dự án với tổng vốn đầu tư 56.153 tỷ đồng và 49,7 triệu USD đã hoàn thành, đưa vào hoạt động; 103 dự án đang thực hiện với tổng vốn đầu tư 117.110 tỷ đồng và 398,62 triệu USD.
Đáng chú ý, có 61 dự án trễ tiến độ với tổng vốn đầu tư 8.604 tỷ đồng và 654,7 triệu USD. Nguyên nhân chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng việc giao đất cho nhà đầu tư; ảnh hưởng dịch Covid-19... Một số dự án kéo dài nhiều năm, thay đổi chế độ chính sách nên khó xử lý dứt điểm.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa yêu cầu, đối với các dự án trễ tiến độ quá lâu, không còn điều chỉnh tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi dự án, chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 48 Luật Đầu tư (Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai).
Các dự án chậm tiến độ nhưng còn thời gian điều chỉnh, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai. Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực tế, căn cứ các quy định hiện hành có đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết, xử lý.
Đối với những dự án chậm tiến độ do còn vướng giải phóng mặt bằng, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh phối hợp các ngành, địa phương có liên quan tổ chức bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân để sớm giao mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện.
Các dự án đã có chủ trương cho nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu lập đề xuất dự án nhưng quá thời gian thực hiện, đề xuất chấm dứt hoạt động để kêu gọi nhà đầu tư khác…