Bảo vệ “vùng xanh” 24/7
Ngày 6/8, cũng là ngày thứ 3 thực hiện thiết lập “vùng xanh” an toàn Covid-19 của tỉnh Hậu Giang. Tại chốt bảo vệ trên đường Kênh Mới (Nhà văn hóa ấp Mỹ Hiệp 2, xã Tân Tiến) khá vắng vẻ, do người dân tuân thủ quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có trường hợp người dân đi ra-vào “vùng xanh” phải quay đầu xe, vì lý do không chính đáng.
Đại úy Lê Thế Nghiệp - Đội cảnh sát quản lý hành chính, công an thành phố Vị Thanh được phân công làm nhiệm vụ trực ở chốt bảo vệ này, cho biết: “Nhiệm vụ của chốt là kiểm soát chặt các trường họp nào được và không được qua chốt. Lúc đầu người dân tỏ ra khó chịu, thậm chí bức xúc, nhưng qua giải thích, tuyên truyền, vận động về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thiết lập “vùng xanh”, cũng nhằm tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, nên bà con rất đồng tình và chấp hành”.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, Trần Hoa Phượng, để bảo vệ khép kín toàn bộ “vùng xanh” hai xã Xã Tân Tiến và Hỏa Tiến với tổng diện tích hơn 42 km2, hơn 2.700 hộ (hơn 10.100 khẩu), địa phương đã thiết lập, bố trí 32 người ở 3 chốt bảo vệ, mỗi chốt có 8 người luân phiên túc trực 24/7.
Lực lượng tham gia gồm: Công an, Dân quân tự vệ, cán bộ ấp, đoàn viên thanh niên. Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo 2 xã cho đóng các cầu, đường giao thông không cho lưu thông để bảo vệ “vùng xanh”, như: Tuyến đường 3,5m (Trụ sở công an xã Tân Tiến, ấp Mỹ Hiệp 1); Tuyến đường Mù U (Vòng xoay Quốc lộ 61c, ấp Mỹ Hiệp 2) và các cầu liên xã đường Kênh Mới (cầu nhà ông Tám Sáng - ấp Mỹ Hiệp 2; cầu nhà ông Ngô Hoàng Tươi - ấp Mỹ Hiệp 3, đối diện Nhà văn hóa ấp Mỹ 1 xã Hỏa Lựu; cầu nhà ông Nguyễn Văn Kịch - ấp Tư Sáng).
Theo quy định, khu vực “vùng xanh” là nơi khép kín để bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19. Do đó, người dân ở bên ngoài không được vào và ở bên trong cũng không được phép ra bên ngoài.
Người lao động ở bên ngoài có nhà ở “vùng xanh” hoặc người ở bên ngoài làm việc, lao động trong “vùng xanh” thì được bố trí ở tại nơi làm việc hoặc làm việc tại nhà. Hàng hóa thiết yếu được tiếp nhận chủ yếu tại các chốt kiểm soát.
Các trường hợp được phép ra vào khu vực “vùng xanh” gồm: Lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; lực lượng phòng, chống thiên tai; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí; lực lượng phát hành thư, báo; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.
Hơn nữa, các trường hợp được phép ra vào còn bao gồm: các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “một cung đường - hai điểm đến”; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gas...
Các trường hợp ra vào “vùng xanh” phải bảo đảm các biện pháp phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế…
Người dân an tâm sản xuất
Để công tác bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong khu vực “vùng xanh” của 2 xã Hỏa Tiến và Tân Tiến, địa phương có bố trí 5 điểm bán rau, củ quả, thịt, cá... 14 điểm bán tạp hóa; 3 cửa hàng xăng dầu; 5 đại lý bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; 5 điểm bán thuốc tây; 1 điểm bán điện dân dụng và dụng cụ lao động.
Ngoài ra, các đơn vị có liên quan của thành phố Vị Thanh cũng đã chủ động phối hợp các siêu thị Co.opMart Vị Thanh, Vinmart Hậu Giang, các cửa hàng Bách Hóa Xanh và các đơn vị cung ứng hàng hóa khác, các hộ kinh doanh... để tổ chức 3 điểm cung ứng mua bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong khu vực “vùng xanh”.
Tại điểm bán hàng thiết yếu ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, tuy số lượng có phần hạn chế, nhưng cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân như rau, củ, quả, đến cá, thịt. Theo chị Hạnh, người bán hàng ở đây, hàng hóa chị lấy ở chợ phường 7, thành phố Vị Thanh về bán lại cho bà con. Cần lấy hàng gì, bao nhiêu, gọi điện thoại thì mối quen ở chợ chở đến chốt. Nhiệm vụ của chị là ra chốt nhận về phục vụ bà con.
Chị Hạnh kể: “Vào buổi sáng, cũng có nhiều bà con thu hoạch ít nông sản, hoặc kiếm được mớ cá đồng cũng đem ra đây bán, nên hàng hóa không thiếu và mọi người ở đây đều thực hiện nghiêm 5K để phòng chống dịch”.
Anh Lưu Minh Thái, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến, cho biết thêm: “Cũng có nhiều bà con đi chợ “online” thông qua siêu thị, cửa hàng tiện ích, hay mua hàng hóa từ các tiệm ở ngoài “vùng xanh” thì việc giao – nhận hàng và thanh toán đều thực hiện tại chốt bảo vệ.
Trường hợp người bên trong và bên ngoài “vùng xanh” có giao dịch mua bán hàng hóa tại chốt, nếu thanh toán bằng tiền mặt thì số tiền này cũng được thông qua thùng khử khuẩn”.
Để tạo điều kiện tiêu thụ các nông sản của bà con trong “vùng xanh”, địa phương cũng có bố trí 3 điểm tập kết để thương lái vào thu mua. Đối với các xe vận chuyển hàng hóa này khi ra vào phải được khử khuẩn tại chốt kiểm soát, tài xế và phụ xe không được xuống xe trong suốt quá trình lưu thông trong “vùng xanh”; việc lên xuống hàng phải do người tại địa phương thực hiện.
Ông Dương Minh Khải, ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến cho biết, bBà con ở vùng này chủ yếu là trồng khóm Cầu Đúc và hiện nay đang vào vụ thu hoạch. Việc địa phương thiết lập “vùng xanh” để phòng, chống dịch Covid-19, có bố trí các điểm bán hàng thiết yếu, cũng như điểm tập kết tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân, bảo đảm phòng dịch, bà con rất đồng tình và yên tâm hơn trong sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh cho hay, việc thiết lập “vùng xanh” an toàn, hình thành hậu phương vững chắc chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân sinh hoạt và tổ chức sản xuất an toàn, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Qua đó, từng bước thực hiện “xanh hóa bản đồ Covid-19”, giữ vững, mở rộng an toàn và kiểm soát tốt dịch Covid-19 trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu từng địa phương trong tỉnh cần đánh giá và xác định nguy cơ về tình hình dịch bệnh trên địa bàn trước khi thiết lập “vùng xanh” an toàn, để việc triển khai có sự đồng bộ. Mục tiêu hàng đầu là giữ vững và mở rộng vùng xanh và kiểm soát lây lan của dịch.
“Trước hết cần sự chung sức của người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và Công điện 1063/CĐ-TTg, sàng lọc chắc chắn để thiết lập những vùng xanh, hình thành hậu phương chống dịch. Đồng thời, thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt vùng xanh, phong tỏa vùng đỏ (vùng không an toàn), cô lập những vùng vàng (vùng rủi ro) để làm sạch chuyển hóa thành vùng xanh. Đặc biệt là phải thông suốt phương châm “Rõ - Nghiêm - Chắc - Nhanh” khi thiết lập vùng xanh” - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh, lưu ý.