Ngày 13/9, UBND tỉnh Hậu Giang có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị địa phương khẩn trương thực hiện và cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ người lao động tự do và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 15/9/2021 (đối với các trường hợp đã phát sinh hồ sơ).
Sau thời gian này, nếu vẫn còn phát sinh hồ sơ, UBND huyện, thị, xã thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và tự chi trả cho người lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục tuyên truyền, rà soát, nắm thông tin, tổng hợp nhu cầu đề nghị hỗ trợ của các doanh nghiệp và người lao động đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, và chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đối với những nơi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 để phòng, chống dịch Covid-19 thì hướng dẫn người sử dụng lao động chuẩn bị hồ sơ, xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng triển khai đào tạo khi dịch bệnh được kiểm soát.
Còn những nơi đã kiểm soát được dịch hoặc ít bị ảnh hưởng thì tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ và có phương án triển khai thực hiện ngay. Tổ chức việc đào tạo phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất và phòng, chống dịch bệnh, kết hợp giữa đào tạo và tổ chức sản xuất.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ động phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn (thiết kế hồ sơ mẫu), triển khai hỗ trợ theo quy định, góp phần giải quyết khó khăn của doanh nghiệp…