Trong những năm qua (giai đạn 2011-2020), Chương trình liên kết, hợp tác giữa Hậu Giang và Cần Thơ đã đạt được kết quả quan trọng, tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong mối quan hệ của hai địa phương, thể hiện rõ nét, toàn diện trên 10 lĩnh vực, từ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thương mại, du lịch; khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông; giao thông vận tải; y tế, giáo dục cho đến quốc phòng, an ninh và đặc biệt là công tác an sinh xã hội…
Bên cạnh đó, hội nghị cũng thẳng nhắn nhìn nhận vẫn còn nhiều việc, nhiều vấn đề cần sự vào cuộc, chung tay giải quyết, nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả hơn nữa giữa hai địa phương.
Trên cơ sở đó, hội nghị đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển giữa tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021-2025, với 12 nội dung định hướng hợp tác, trọng tâm là tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư ở các tỉnh, vùng lân cận, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ở hai địa phương; đặc biệt là trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư liên tỉnh hoặc liên vùng, cũng như phối hợp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước liên tỉnh - thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, liên kết vùng là xu thế tất yếu, do đó hai địa phương cần có chung tầm nhìn và chủ động hợp tác, đón đầu xu thế, tận dụng cơ hội để bứt phá. Với sự quyết tâm và mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác phát triển toàn diện giữa Hậu Giang và thành phố Cần Thơ sẽ có bước tiến mới, toàn diện và ngày càng hiệu quả, thúc đẩy phát huy tiềm năng, lợi thế, đóng góp cho sự phát triển của mỗi địa phương và cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang kiến nghị, cần tăng cường cơ chế tham vấn ý kiến trong xây dựng chính sách thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, định hướng phát triển và quan trọng hơn cả là tham vấn lẫn nhau trong trong quá trình xây dựng Quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của mỗi địa phương để có thể tận dụng tiềm năng, lợi thế của nhau mở rộng không gian phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh tương hỗ nhau, tránh tình trạng cạnh tranh đi xuống, hay chiến lược đại dương đỏ.
Hậu Giang và Cần Thơ cần tập trung hợp tác phát triển hạ tầng giao thông kết nối thủy, bộ giữa hai địa phương, cụ thể là đầu tư giai đoạn 2 đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (Quốc lộ 61C); cải tạo, khai thông tuyến đường thủy Kênh Xáng Xà No để thắt chặt liên kết vùng, tạo động lực mới cho việc phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Quan tâm hơn đến việc hợp tác trong phát triển bền vững, bảo vệ môi trường nước, chất thải; phát huy tiềm năng phát triển hành lang kinh tế dọc Sông Hậu, kênh Xáng Xà No và đường nối Cần Thơ - Vị Thanh; nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, phối hợp mở các tour, tuyến du lịch trải nghiệm sông nước du khảo đồng quê, địa điểm lịch sử của hai địa phương; phối hợp liên kết thực hiện các sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm quan trọng khác. Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, thương mại, đầu tư giữa nhân dân với nhân dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa chính quyền với chính quyền và giữa hai Đảng bộ.
Đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết, việc hợp tác giữa Cần Thơ và Hậu Giang trong thời gian qua có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc cùng nhau vượt qua khó khăn để tiến về phía trước. Trong quá trình hợp tác, cả hai địa phương cũng đều xác định rõ hợp tác phát triển trên nguyên tắc hỗ trợ cùng nhau phát triển.
Sau lễ ký kết hợp tác này, thành phố Cần Thơ sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động liên hệ cơ quan cùng ngành, lĩnh vực ở địa phương bạn để thống nhất, ký kết nội dung hợp tác cụ thể trong từng lĩnh vực được giao. Định kỳ có báo cáo sơ kết, tổng kết, đồng thời tham mưu UBND tỉnh, thành phố sơ kết, tổng kết chung cả chương trình hợp tác.
Ngoài ra, trên trang thông tin điện tử của tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ cần có chuyên mục riêng về các chương trình hợp tác phát triển giữa hai bên, các thông tin về đầu tư và kêu gọi đầu tư để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tự tra cứu, tìm hiểu.