Hành trình trở thành quận sáng tạo

Những ngôi đình khuất trong lòng ngõ, lòng phố nhỏ ít người để ý bỗng trở nên sống động với những sáng tạo nghệ thuật được lấy cảm hứng từ chính di tích và những con phố ấy; những bức tường, cây cầu đi bộ vô tri biến thành không gian sáng tạo... Từ nền tảng di sản, nhất là di sản kiến trúc tại phố cổ, phố cũ và những không gian văn hóa sẵn có, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang đưa những hoạt động văn hóa-nghệ thuật vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, trong hành trình trở thành quận sáng tạo đầu tiên của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu đi bộ qua phố Trần Nhật Duật nay trở thành một không gian văn hóa-sáng tạo của quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Cầu đi bộ qua phố Trần Nhật Duật nay trở thành một không gian văn hóa-sáng tạo của quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Trước đây, du khách đến quận Hoàn Kiếm, cứ đi bộ một vài trăm mét là gặp một di tích, thì nay, cứ một quãng ngắn, lại bắt gặp một không gian văn hóa-sáng tạo.

Nghệ thuật hóa những không gian bị lãng quên

Đi qua con phố Trần Nhật Duật lúc thành phố đã lên đèn, người ta không khỏi ngạc nhiên khi cây cầu đi bộ, rực rỡ sắc màu hiện ra trước mắt. Cách đây chưa lâu, cây cầu đi bộ này vốn thưa vắng và tối om, thì nay nhộn nhịp người đi lại, đông đúc bạn trẻ chụp ảnh check-in, có cả những du khách nước ngoài cũng hứng thú chụp ảnh lưu niệm. Đổi thay đó bắt đầu từ dự án biến cây cầu đi bộ trở thành một không gian văn hóa.

Nếu lên cầu bắt đầu từ khu vực phố cổ Hà Nội, cây cầu “đón” khách bằng một bức tranh Hàng Trống khổng lồ ở ngay những bậc thang. Bức tranh “Cá chép vượt vũ môn” mang ý nghĩa vượt khó để đạt được thành tựu, nhất là đỗ đạt khoa cử. Họa sĩ Cấn Văn Ân chọn chủ đề này bởi ngay gần đó là một trường học, các em học sinh vẫn hằng ngày đi qua cây cầu này. Mái che của cầu đi bộ được họa sĩ Vũ Xuân Ðông khai thác một cách khéo léo bằng hình ảnh các loài cá bơi lội phía trên vòm cầu (tác phẩm “Thủy cung”), khiến khách bộ hành cảm giác giống như đang đi trong đường hầm thủy cung.

Trong khi đó, dọc thành cầu, tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề “Sóng” của họa sĩ Lê Ðăng Ninh cũng gợi ký ức của những lớp sóng sông Hồng chở nặng phù sa suốt chiều dài lịch sử. Xen giữa những lớp sóng là hình ảnh người lao động với đủ các ngành nghề quanh khu vực Hà Nội thời đầu thế kỷ 19, được khai thác từ những bức tranh khắc trong cuốn “Kỹ thuật của người An Nam” của học giả người Pháp Henri Oger.

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật là không gian nghệ thuật công cộng thứ ba ở quận Hoàn Kiếm, cả ba đều được triển khai ở những không gian vốn bị lãng quên. Những vòm cầu cạn đường sắt trên phố Phùng Hưng từng có quãng thời gian mọc rêu không ai để ý. Giờ đây, chúng đã trở thành không gian bích họa phố Phùng Hưng-điểm đến ưa thích của công chúng Thủ đô và khách du lịch.

Một không gian khác từng là nơi người ta không muốn lui tới-con đường ven bờ sông Hồng, nơi tích tụ những bãi rác khổng lồ. Thế rồi, dự án Không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân ra đời đã làm thay đổi diện mạo cả khu vực...

Cùng với những không gian nghệ thuật, các di tích trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng được “đánh thức” theo một cách rất lạ. Khu phố cổ cứ vài trăm bước chân là bắt gặp một di tích. Nhưng sự phát triển của đô thị khiến nhiều di tích trở nên khuất lấp sau những lớp nhà.

Đôi khi, phải luồn lách vào trong những ngõ sâu mới tìm lại được những nét hoa văn chạm trổ, những mái ngói rêu phong. Nhiều di tích “ngủ quên” cùng tháng năm. Đình Tú Thị nép mình trong phố Yên Thái, con phố rất nhỏ ở phường Hàng Gai. Thuở xưa, những người dân làng Quất Động lên kinh đô làm nghề thêu đã lập ra đình Tú Thị để thờ tổ nghề thêu Lê Công Hành (thế kỷ 17). Ngôi đình vốn không được nhiều người biết đến, nhưng với dự án Chuyện đình trong phố, các nghệ sĩ đã khiến ngôi đình trở nên sống động với Triển lãm nghề thêu xưa và nay.

Triển lãm là kết quả của quá trình tương tác, sáng tạo của các nghệ sĩ, nghệ nhân với nghề thêu truyền thống. Không gian ngôi đình thờ Tổ nghề thêu trở thành nơi giới thiệu những hiện vật, hình ảnh về sự ra đời, phát triển của nghề thêu, những kỹ thuật thêu cổ truyền, những tác phẩm thêu nghệ thuật...

Họa sĩ Trần Thị Hội là người có hai tác phẩm sắp đặt về nghề thêu trưng bày tại đây cho biết: “Những ngôi đình xưa kia vừa là nơi thờ thần thánh, vừa là nơi giao lưu văn hóa. Ngày xưa, mọi công to việc lớn của làng đều được đưa ra đình bàn bạc. Trong bối cảnh đô thị hóa, nhiều ngôi đình bị lấn chiếm, thậm chí bị xóa sổ. Dự án Chuyện đình trong phố đã góp phần lan tỏa, khơi dậy tình yêu nghề thủ công truyền thống, góp phần quảng bá những câu chuyện văn hóa của Thủ đô”.

Chuyện đình trong phố không chỉ đơn thuần đem những triển lãm đến các di tích, tham gia dự án, các nghệ sĩ được tìm hiểu về di tích, về phố nghề để từ đó khơi nguồn sáng tạo. Một trường hợp đặc biệt là đình Phả Trúc Lâm (phố Hàng Hành) thờ Tổ nghề da giày. Nghề da giày và những đôi giày tưởng như ít liên quan đến nghệ thuật, nhưng mới đây, ngôi đình đã trở thành không gian nghệ thuật với hàng loạt tác phẩm được sáng tác từ cảm hứng về… nghề da giày và những đôi hài cổ. Ngôi đình trên con phố nhỏ với nhiều hàng quán vây quanh, bỗng trở thành địa chỉ được nhiều người quan tâm!

Hành trình trở thành quận sáng tạo ảnh 1

Đình Kim Ngân, địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống.

Những nỗ lực thành quận sáng tạo

Diện tích chỉ vỏn vẹn 5,1 km2, nhưng quận Hoàn Kiếm sở hữu tới 190 di tích các loại. Là quận duy nhất của Thủ đô có cả khu phố cổ lẫn khu phố cũ (còn được gọi là khu phố Pháp)-di sản ghi dấu các giai đoạn hình thành và phát triển của đô thị Hà Nội-Hoàn Kiếm cũng sở hữu một hệ thống di sản kiến trúc đồ sộ, gồm: kiến trúc nhà phố của người Việt; kiến trúc giao thoa với văn hóa Trung Hoa; và những công trình kiến trúc Đông Dương pha trộn văn hóa Đông-Tây... Chính quyền và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn như: Tổ chức các tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ và chung quanh hồ Hoàn Kiếm, xây dựng con đường nghệ thuật gốm sứ ven sông; triển khai nhiều dự án cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố cổ, phố cũ, những căn nhà cổ, biệt thự cũ…

Đặc biệt, việc Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO tạo động lực mới để Hoàn Kiếm lan tỏa những giá trị văn hóa, sáng tạo đến mọi không gian, cả những không gian sinh hoạt thường nhật và di tích cổ xưa.

Nhiều hoạt động trong đó chưa có tiền lệ, điển hình là biến di tích thành không gian sáng tạo ở dự án Chuyện đình trong phố. Đình Nam Hương là nơi đầu tiên triển khai các hoạt động này. Ngôi đình nằm trên phố Hàng Trống trở thành địa chỉ giới thiệu tranh dân gian Hàng Trống và những tác phẩm của các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống bằng nhiều chất liệu khác nhau: Sơn mài, lụa, họa kim sa và cả thêu tay…

Những sáng tạo mới có sự kế thừa truyền thống giúp những câu chuyện xưa gần gũi với đời sống hiện đại. Sau những đình Hà Vĩ, đình Tú Thị, đình Nam Hương…, quá trình tương tác, sáng tạo từ truyền thống vẫn tiếp tục được triển khai đến hàng loạt di tích khác. Dự án Chuyện đình trong phố không hề dừng lại.

Ngoài những địa chỉ nêu trên, Hoàn Kiếm còn có: Phố Sách (phố 19/12); Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ); Trung tâm Thông tin phố cổ (số 2, phố Lê Thái Tổ); Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cũ Hà Nội (số 49 Trần Hưng Đạo)… Các di tích trong phố không còn đơn thuần chỉ là nơi tham quan. Đình Kim Ngân (số 42-44 phố Hàng Bạc), Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (số 22 phố Hàng Buồm, Hội quán Quảng Đông cũ), đền Quan Đế (số 28 phố Hàng Buồm), đình Đồng Lạc (số 38, phố Hàng Đào)… đều trở thành những không gian tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm trên nền khai thác, phát huy giá trị di sản.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, những năm qua, quận đặc biệt chú trọng bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, vừa gìn giữ vốn di sản, vừa phục vụ hoạt động du lịch, tiến tới hình thành trung tâm sáng tạo của Thủ đô. Hoàn Kiếm là quận xuất hiện các không gian sáng tạo sớm nhất và nhiều nhất của Hà Nội.

Việc linh hoạt, sáng tạo trong việc tạo ra các không gian công cộng với sự cởi mở, thiên về các hoạt động cộng đồng; tích cực ủng hộ mạnh mẽ những ý tưởng nghệ thuật và văn hóa mới. Các không gian sáng tạo trên địa bàn quận không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân mà còn phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đang chủ trì, phối hợp các quận Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên từng bước triển khai biến bãi nổi sông Hồng thành Công viên văn hóa đa chức năng, không gian phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục được mở rộng sang các tuyến phố Pháp như: Ngô Quyền, Tràng Tiền; dự án cải tạo, chỉnh trang vòm cầu, cầu dẫn lên cầu Long Biên từng bước được thực hiện… Lộ trình nghệ thuật hóa, sáng tạo hóa các không gian công cộng của Hoàn Kiếm đang tiếp tục được vận hành với tất cả nỗ lực, nhằm sớm đưa Hoàn Kiếm trở thành “quận nghệ thuật”, “quận sáng tạo” đầu tiên của cả nước.